Những cơ hội mới cho phát triển du lịch Nghệ An

(Baonghean) - Vừa qua, Ngày hội hoa hướng dương lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Nghĩa Đàn. Sức hút của Ngày hội này có thể thấy qua lượng du khách đổ về địa phương này cũng như mức độ “phủ sóng” lớn trên các phương tiện truyền thông. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội lớn để phát triển du lịch Nghĩa Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

 » Nghĩa Đàn đón hơn 150 nghìn lượt du khách về với Ngày hội hoa hướng dương
 

Du khách về thăm cánh đồng hoa hướng dương. Ảnh: Sách Nguyễn
Du khách về thăm cánh đồng hoa hướng dương. Ảnh: Sách Nguyễn

Điểm nhấn cuối năm

Nhiều năm trước đây, du lịch Nghệ An chỉ thực sự nhộn nhịp vào mùa hè gắn với các điểm đến quê Bác – Cửa Lò - TP. Vinh. Thực tế dẫn đến nhận định, chúng ta chỉ phát triển được du lịch một mùa, còn lại rơi vào tình trạng “ngủ đông”.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, bức tranh du lịch Nghệ An sôi động hơn rất nhiều với nhiều điểm đến mới hấp dẫn như đảo chè Cầu Cau ở huyện Thanh Chương, thác Bảy Tầng ở huyện Quế Phong, đặc biệt là cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn trở thành điểm đến mới nổi của du lịch Nghệ An và cả Việt Nam.

Vào công cụ tìm kiếm google gõ từ khóa “du lịch Nghĩa Đàn”, chỉ trong vòng 0,60 giây lập tức cho về 980.000 kết quả. Các website về du lịch, các tờ báo mạng, diễn đàn du lịch, phượt đều dành nhiều mỹ từ như: “thiên đường”, “ngắm cảnh siêu đẹp” để miêu tả điểm đến này; đồng thời hướng dẫn một cách tỉ mỉ chuyện đi đến, ăn ở như thế nào cho thấy sức hút của điểm đến này.

Nắm bắt được thời cơ và sức hút của cánh đồng hoa hướng dương, tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An tổ chức Ngày hội hoa hướng dương tại huyện Nghĩa Đàn kết hợp với tổ chức Đêm hội sắc Xuân miền Tây với nhiều hoạt động phong phú như: Thi người đẹp Hoa hướng dương, trưng bày ảnh đẹp về Nghĩa Đàn, hoa hướng dương cũng như đất và người xứ Nghệ; trưng bày các sản phẩm của Nghĩa Đàn và các địa phương khác. Hoạt động này thực sự tạo nên điểm nhấn cho du lịch Nghĩa Đàn và Nghệ An trong những ngày cuối năm và có độ “phủ sóng” rất rộng trên các phương tiện truyền thông.

Theo thống kê của Ban tổ chức, Nghĩa Đàn đã thu hút được hơn 150.000 khách du lịch đổ về địa phương này chỉ tính trong thời gian diễn ra ngày hội. Phía sau lượng khách khổng lồ đó,  du lịch, dịch vụ Nghĩa Đàn cũng “ăn nên làm ra” với các dịch vụ đi kèm. Ông Nguyễn Xuân Tăng – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghĩa Đàn cho biết, ngoài đến ngắm hoa, các gian hàng giới thiệu, bày bán các sản vật địa phương rất hút khách.

Huyện Nghĩa Đàn có 6 gian hàng, chưa kể gian hàng của các địa phương khác bán các sản phẩm như mật mía, mật ong rừng, cam, ổi… đều có sức tiêu thụ lớn. Cùng với đó nét mới là khách du lịch đi theo tour về nhiều hơn so với các năm trước, đây là nét mới. “Từ giữa năm 2016, chúng tôi đã đón 5 - 6 đoàn các công ty du lịch về khảo sát các tour chuẩn bị cho mùa hoa hướng dương.

Kết quả là vừa qua có hơn 300 đoàn khách đi theo tour về du lịch Nghĩa Đàn. Chương trình được thiết kế gồm thăm Nhà máy sản xuất sữa của tập đoàn TH, cánh đồng hoa hướng dương, trang trại bò, tham một số nhà vườn trồng cam, ổi, rau sạch, nuôi gà đồi. Trong đó có một tỷ lệ khách tiếp tục về thăm các điểm di tích lịch sử như: cây đa làng Trù, hang Rú Ấm”, ông Tăng phấn khởi cho biết. 

Mặt khác, theo tìm hiểu, hầu hết các nhà hàng trên địa bàn có những thời điểm gần như quá tải, nhất là tại xã Nghĩa Sơn – nơi có cánh đồng hoa hướng dương. Ông Nguyễn Hữu Quý – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: Lượng khách du lịch về nhiều đã giúp cho ngành thương mại, dịch vụ của địa phương phát triển nhanh.

Nhiều đoàn khách đã đến tham quan các nhà vườn trên địa bàn và tiêu thụ một phần sản phẩm cho nông dân. Các nhà hàng ăn uống hoạt động cũng rất tấp nập. Điều này góp phần thay đổi cơ cấu nền kinh tế địa phương, thực hiện mục tiêu tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 64% đến cuối nhiệm kỳ. “Xã đang xúc tiến để xây dựng thương hiệu ổi Nghĩa Sơn nhằm quảng bá, phục vụ nhu cầu thị trường, nhất là vào mùa du lịch”, ông Quý cho biết.

Phát triển du lịch đặt trong mối liên kết tổng thể

Sức hút của cánh đồng hoa hướng dương mang lại hiệu quả nhiều mặt cho cả địa phương, tỉnh và các công ty lữ hành trong việc khai thác các điểm đến tại Nghĩa Đàn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phía sau thành công những ngày hội, dưới góc độ của các nhà làm lữ hành và các nhà quản lý cũng đang còn những trăn trở để nâng cao hơn nữa chất lượng của ngày hội cũng như khai thác hiệu quả nhất tiềm năng du lịch không chỉ ở huyện Nghĩa Đàn mà cả miền Tây Nghệ An. 

Đánh giá về hiệu quả của Ngày hội hoa hướng dương, ông Tạ Khắc Uyên - Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội lữ hành Nghệ An cho biết, ngày hội đã mang lại thành công về nhiều mặt, trong đó về mặt lữ hành mang lại tín hiệu rất tích cực với lượng khách mua tour nhiều, hoạt động của các hãng lữ hành cũng sôi động hơn so với thời điểm này của các năm trước đây; mặt khác hình ảnh du lịch Nghệ An được quảng bá hiệu quả với hiệu ứng mang lại của cánh đồng hoa hướng dương mà không phải tốn kinh phí.

Tuy nhiên, dưới góc độ của người làm lữ hành, ông Uyên nêu ý kiến, đó là về cách thức, bố cục và các hoạt động trong ngày hội cần thực hiện sáng tạo và có nét đặc trưng hơn; cũng như đẩy mạnh quảng bá các điểm đến khác ở các địa phương ở miền Tây để du khách đi nhiều hơn, thăm thú nhiều hơn, tất nhiên hiệu quả do du lịch mang lại lúc đó cũng cao hơn nhiều. 

Thực vậy, huyện Nghĩa Đàn nói riêng, miền Tây Nghệ An nói chung có tiềm năng du lịch rất lớn. Mối liên kết, hợp tác để phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng miền Tây Nghệ An và cả tỉnh nói chung có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để khai thác “mỏ vàng” này. Bởi qua đó, có thể phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, cũng như bổ sung cho nhau những hạn chế.

Mặt khác, thông qua liên kết sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao, tăng cường được khả năng cạnh tranh của du lịch không chỉ của huyện Nghĩa Đàn mà còn cả tỉnh Nghệ An. 

Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn đặt ra sau Ngày hội hoa hướng dương. Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Lê Hồng Sơn, kết quả mang lại mới chỉ là bước đầu, về lâu dài du lịch Nghĩa Đàn muốn phát triển bền vững phải đặt trong mối liên kết phát triển du lịch tổng thể với các địa phương ở miền Tây Nghệ An, mà Nghĩa Đàn là trung tâm.

Do đó, tỉnh cần có sự định hướng, chiến lược cụ thể để có sự phối hợp với chủ sở hữu của cánh đồng hoa hướng dương nhằm duy trì tính bền vững của cánh đồng hoa này; cũng như có giải pháp liên kết du lịch giữa các địa phương.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới