Nông nghiệp nước ta vẫn dùng 'cơ bắp' là chính

Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nông nghiệp nước ta vẫn dùng “cơ bắp” là chính. Đó là ý kiến được nêu ra tại Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 3/1. 

Sản xuất nông nghiệp còn nặng thủ công- Ảnh minh họa
Sản xuất nông nghiệp còn nặng thủ công- Ảnh minh họa

Tham dự còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh cùng hơn 100 nhà khoa học hoạt động trong hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nông nghiệp nước ta vẫn dùng “cơ bắp” là chính.  Ví dụ, chúng ta xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD thì cũng nhập khẩu nông sản gần bằng mức đó. KHCN Việt Nam đựa vào nhà nước là chính. Giống rất tốt nhưng tổ chức sản xuất rất kém. Ngô có giống hơn 8 tấn/ha nhưng sản xuất chỉ được hơn 4 tấn/ha do thiếu nước. Chúng ta tự hào sản xuất lúa lâu đời, có hàng trăm giống lúa nhưng chưa có giống lúa thương hiệu lúa quốc gia. 

Nông nghiệp nước ta vẫn dùng 'cơ bắp' là chính ảnh 2

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.V

Nói về những thách thức của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Nền nông nghiệp quy mô nhỏ với 78 triệu mảnh ruộng rất khó hội nhập. Việt Nam còn là một trong ba quốc gia bị tác động khốc liệt nhất của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nông nghiệp chưa hình thành được trụ cột về tổ chức sản xuất, có gần 14 triệu hộ sản xuất nhưng chưa hình thành được các mô hình sản xuất hàng hóa lớn nên giá bán không cao. Vì vậy, rất cần sự hiến kế của các nhà khoa học".

Theo các đại biểu tại hội nghị, khoa học công nghệ là yếu tố mấu chốt để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, hội nghị cũng là cơ hội để hai bộ, ngành thể hiện sự quyết liệt hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy tốt hơn nữa những đóng góp của các nhà khoa học. Càng ngày chúng ta càng cần phát triển có chất lượng, chiều sâu, vì vậy cần có sự đóng góp rất lớn của KHCN. 

Nông nghiệp nước ta vẫn dùng 'cơ bắp' là chính ảnh 3

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.V

Theo các nhà khoa học, quan trọng nhất của nông nghiệp hiện nay là phải đánh giá được các rủi ro. Muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phải thích ứng được biến đổi khí hậu, để tái cấu trúc và đưa nông nghiệp sản xuất công nghệ cao phải quan tâm đến nguồn nước và phải có những giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho hơn 13 triệu hộ với hơn 80 triệu nông dân hướng đến sản xuất hàng hóa lớn áp dụng công nghệ và phát triển bền vững phải có những định hướng cụ thể về những rủi ro thách thức của thiên tai và hội nhập.

Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước thách thức biến đổi khí hậu,  tái cơ cấu nền nông nghiệp dựa vào hộ nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa thì không con đường nào khác là phải tập trung giải pháp khoa học công nghệ. Trong đó vai trò của các nhà khoa học đóng góp vai trò  quyết định, phải trở thành “hạt nhân” để liên kết “4 nhà”. 

Bộ NN&PTNT sẽ hình thành cơ chế hợp tác để đón nhận được những ý tưởng, đề tài, chương trình tham vấn bổ ích, thiết thực, sát với thực tiễn của các nhà khoa học để  tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thành công theo đúng định hướng phát triển của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.

Cũng tại hội nghị, đại diện một số đơn vị nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp, Tập đoàn lớn trong xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao và liên kết tiêu thụ cá tra; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất tôm nước lợ; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng và phân bón…

Theo A.V/baotintuc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới