Cách làm hay trong giải phóng mặt bằng dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò

(Baonghean) - Theo kế hoạch đến tháng 12/2017, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư dự án Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò phải cơ bản hoàn thành. Tại thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm hay.

» Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò: Trục động lực cho phát triển, kết nối
 

Công khai, minh bạch, kịp thời

Tại phường Nghi Hòa (TX. Cửa Lò), có khoảng 179 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp với gần 19 ha. Đến nay, phường Nghi Hòa đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công, người dân đã nhận được tiền đền bù đầy đủ. Lãnh đạo phường Nghi Hòa chia sẻ rằng, yếu tố quyết định thành công trong GPMB chính là công khai và minh bạch, giải thích cụ thể để người dân hiểu rõ các quy định chính sách của Nhà nước.

Cùng với đó, phải huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, lãnh đạo phường cùng tham gia với các khối trong các cuộc họp với người dân. Những ý kiến, thắc mắc của người dân được trả lời, giải quyết dứt điểm, rõ ràng nên người dân đồng thuận bàn giao đất cho nhà thầu thi công. Vì thế mà đến nay, tuyến đường đi qua địa phận phường đã có diện mạo mới, người dân đã sử dụng số tiền đền bù vào đầu tư kinh doanh, dịch vụ, đi xuất khẩu lao động.

Còn ở huyện Nghi Lộc, để thực hiện dự án cần phải thu hồi tiếp 0,1km (chiều dài bám tuyến đường - PV) đất nông nghiệp xen kẽ của người dân ở các xã Nghi Phong, Nghi Thạch, Nghi Xuân; thu hồi 1,55km đất ở, vườn của 176 hộ dân; thu hồi 0,45km của 432 ngôi mộ của 3 xã: Nghi Phong, Nghi Thạch và Nghi Xuân. Đến thời điểm hiện nay, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nghi Lộc đã tổ chức phê duyệt trích lục, trích đo; tổ chức họp dân để công bố chính sách bồi thường, công bố quy hoạch dự án và lựa chọn vị trí tái định cư và kiểm kê tài sản, cây cối hoa màu, phê duyệt phương án bồi thường GPMB phần đất nông nghiệp trên địa bàn các xã Nghi Xuân, Nghi Thạch, và Nghi Phong.

Quang cảnh Khu quy hoạch tái định cư ở xã Nghi Thạch (Nghi Lộc).
Quang cảnh Khu quy hoạch tái định cư ở xã Nghi Thạch (Nghi Lộc).

Cùng đó tiến hành kiêm kê tài sản, hoa màu, cây cối, vật kiến trúc trên đất ở, đất vườn cho các hộ dân xóm Xuân Tình và xóm Tiên Lạc ở xã Nghi Xuân. Đối với công tác tái định cư, hiện đã hoàn tất các thủ tục và đang triển khai xây dựng được khu tái định cư cho người dân tại xã Nghi Thạch và 2 khu tái định cư nghĩa trang tại các xã Nghi Thạch và Nghi Xuân.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, bài học kinh nghiệm cho sự thành công bước đầu đó chính là công tác chỉ đạo sát đúng, kịp thời của Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND - UBND huyện và sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, UBND các xã. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động người dân được phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, từng thành viên.

Quá trình tuyên truyền đã phân tích những ưu điểm, lợi thế cho nhân dân khi lựa chọn khu tái định cư và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước trong việc bồi thường GPMB. Với phương châm ưu tiên cho người dân thuộc diện phải di dời được lựa chọn vị trí khu đất trên địa bàn xã để quy hoạch khu tái định cư, Hội đồng bồi thường GPMB của huyện phối hợp với Ban Quản lý dự án công trình giao thông Nghệ An hướng dẫn UBND xã tổ chức họp dân cho từng xóm riêng biệt, phát phiếu thăm dò ý kiến, phát phiếu đăng ký số lô tái định cư sau khi đã thống nhất vị trí khu đất, để tổng hợp và tham mưu trình UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát lựa chọn địa điểm quy hoạch khu tái định cư. Điển hình là 2 xóm Tiên Lạc và Xuân Tình ở xã Nghi Xuân có khoảng 76 hộ dân bị thu hồi đất.

Nhờ công tác vận động, tuyên truyền nên đến nay, đa phần các hộ dân đã đồng ý với phương án tái định cư. Trong đó, có 27 hộ đồng ý tái định cư với tổng số 68 lô, 30 hộ cam kết nhận tiền tự lo chỗ ở. Ông Phạm Ngọc Duyên - Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân cho biết: Ban đầu, các hộ dân còn nhiều băn khoăn, chưa hiểu rõ, nhưng sau khi được vận động, tuyên truyền người dân đã chấp thuận với phương án tái định cư. 

Từ thực tiễn ở Nghi Xuân có thể thấy rằng, trong công tác GPMB khi đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch, thông tin kịp thời, đầy đủ thì người dân sẽ đồng thuận và chấp hành cao. Hơn nữa, khi được giải thích về hiệu quả của dự án khi hoàn thành thì người dân rất mong muốn dự án triển khai đúng tiến độ.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò có chiều dài hơn 10,83km đi qua các địa phương: TP. Vinh, Nghi Lộc và TX. Cửa Lò. Từ năm 2012 đến nay, dự án đã bố trí được 563 tỷ đồng, trong đó vốn vay Kho bạc Nhà nước là 400 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 163 tỷ đồng để triển khai thực hiện GPMB trên toàn tuyến và xây lắp gói thầu số 5 dài hơn 3km.

Hiện, đã GPMB được 6,4/10,8km, chủ yếu là các đoạn tuyến đi qua đất nông nghiệp. Khối lượng GPMB còn khoảng 4,48km chưa thực hiện. Trong đó, cần tiến hành di dời 652 ngôi mộ, di dời 370 hộ dân, phải xây dựng  khoảng 550 lô tái định cư và di dời các công trình công cộng khác. Như thế, công tác GPMB và tái định cư vẫn đang còn rất nhiều việc phải làm; nên những kinh nghiệm từ TX. Cửa Lò, huyện Nghi Lộc là bài học quý cho các địa phương khác trong công tác bồi thường GPMB, tái định cư. 

Dự án đoạn qua địa bàn thị xã Cửa Lò đã được thông tuyến, tạo cảnh quan hiện đại. Ảnh: Phạm Bằng
Dự án đoạn qua địa bàn thị xã Cửa Lò đã được thông tuyến, tạo cảnh quan hiện đại. Ảnh: Phạm Bằng

Có thể nói, ngoài những nguyên nhân khách quan về điều chỉnh nguồn vốn, quy mô dự án và sự chưa đồng thuận của người dân, thì hiện vẫn còn một số cơ quan, địa phương chưa tích cực vào cuộc trong công tác GPMB. Hơn nữa, công tác vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu và đồng thuận vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Một thực tế dễ nhận thấy là nhiều địa phương, nhiều cán bộ đang sợ đụng chạm, chưa tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì thế, khi người dân chưa đồng thuận, chưa hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của dự án cũng như các chính sách đền bù của Nhà nước, thì chưa có biện pháp vận động, tuyên truyền phù hợp, kịp thời và có hiệu quả. 

Việc đầu tư xây dựng mới một tuyến đường, đồng nghĩa mở ra một sự thông thương, kết nối vùng miền với nhau; đường mở ra đến đâu, sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ phát triển đi liền sau đó; đây mới chính là quyền lợi, lợi ích bền vững mà chính người dân ở đó được thụ hưởng.

Cho nên, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với lợi ích chung của cộng đồng là rất cần thiết. Ngoài nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, thì các tổ chức chính trị, xã hội như Mặt trận, dân vận, tuyên giáo… cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới.

(còn nữa)

Thu Huyền - Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới