'Cây kim, sợi chỉ phải nhập thì nội địa hoá dệt may thế nào?'

Đó là ý kiến của ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trong cuộc làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Đoàn công tác yêu cầu Tập đoàn Dệt may đẩy nhanh cổ phần hoá để tăng tỷ lệ nội địa trong ngành.

Công nhân làm việc ở Nhà máy dệt may Prex Vinh tại cụm công nghiệp Lạc Sơn (Đô Lương). Ảnh: Sỹ Minh
Công nhân làm việc ở Nhà máy dệt may Prex Vinh tại cụm công nghiệp Lạc Sơn (Đô Lương). Ảnh tư liệu Báo Nghệ An
Sáng 20/6, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng đứng đầu đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Nội dung xung quanh việc thực hiện các nhiệm vụ của doanh nghiệp và ngành nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Đánh giá nỗ lực của ngành dệt may vừa qua nhưng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn làm rõ 6 nội dung để đảm bảo tăng trưởng ổn định, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tập trung vào lĩnh vực sản xuất nào, thị trường ra sao?

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Vinatex đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, mục tiêu có hiệu quả. Hiện tập đoàn đang đầu tư 41 dự án, 19 dự án sợi, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp sửa chữa. Tuy nhiên, tập đoàn mới đang làm tốt 2 khâu đầu và cuối là sợi và may. Riêng khâu quan trọng, cốt lõi là phụ trợ ngành dệt may, nhuộm... hiện rất khó khăn.

"Từ cái kim, sợi chỉ, khuy... cũng phải nhập thì nội địa hoá thế nào?", Bộ trưởng đặt câu hỏi với lãnh đạo Vinatex, đồng thời đề nghị tập đoàn đẩy nhanh đầu tư các dự án còn dở dang, không để thất thoát vốn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex - Trần Quang Nghị thừa nhận, sản xuất vải nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc nhiều vào vải nhập khẩu từ các nước. "Ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất: mạnh về khâu may gia công xuất khẩu, nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm, vì vậy phải nhập khẩu vải từ các quốc gia khác", ông Nghị nêu thực tế.

Tuy nhiên, ngay cả khi thế mạnh là cắt may thì phương thức gia công xuất khẩu vẫn là chủ yếu, các phương thức mang lại giá trị gia tăng cao như OBM (bán cả ý tưởng thiết kế, sản phẩm...) hiện chiếm tỷ lệ không đáng kể. Với phương thức sản xuất gia công, các đơn hàng sản xuất phụ thuộc vào chủ hàng nước ngoài từ thiết kế, nguyên liệu. Các doanh nghiệp là đơn vị cấp 1 làm việc trực tiếp với khách hàng lớn rất ít.

ong-mai-tien-dung-cay-kim-soi-chi-phai-nhap-thi-noi-dia-hoa-det-may-the-nao

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ làm việc với Tập đoàn Dệt may (Vinatex) ngày 20/6. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo Vinatex phải đẩy nhanh cổ phần hoá, tư nhân hoá doanh nghiệp may toàn ngành, và phải coi đây là vấn đề mấu chốt.

Tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ kể trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, Thủ tướng rất vui khi thăm gian hàng của con gái Tổng thống Mỹ - Ivanka Trump bày bán hàng "made in Vietnam". "Hàng hoá rất đẹp từ mẫu mã tới chất lượng... Nếu không lật giở tem, mác thì không ai nghĩ đó là hàng sản xuất ở Việt Nam", Bộ trưởng Dũng nói.

Theo ông, ngành dệt may đã chinh phục được những thị trường quan trọng, khó tính như Mỹ, EU, Nhật... nhưng lại đang để "tuột" những thị trường truyền thống như Nga, Ấn Độ, khu vực ASEAN...

"Nếu dệt may không đổi mới, đẩy nhanh cổ phần hoá thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu thị trường đang linh hoạt biến đổi từng ngày", Tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ nhấn mạnh.

Yêu cầu thứ 4 được Thủ tướng đặt ra với Vinatex, là ngành dệt may có giải pháp tốt tiếp cận vốn sản xuất, thay vì gia công phải tiến tới hình thành chuỗi khép kín, giá trị sản phẩm cao hơn. “Cần có phương thức thay thế công nghiệp gia công để tăng giá trị cao hơn”, ông Dũng dứt khoát.

Trước xu hướng "khó cưỡng" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cũng yêu cầu Vinatex phải đi đầu trong tiếp cận nhanh, ứng dụng công nghệ phần mềm hiện đại trong quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Cuối cùng, Vinatex phải cải cách hành chính, trong đó có yếu tố liên quan tới hải quan, thuế... giảm bộ máy cồng kềnh, lương quản lý cao nhưng lương công nhân thấp.

“Về phía Chính phủ, Thủ tướng vẫn nhớ khi gặp doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường có nói 1 mét vải nhập khẩu làm nguyên liệu phải đi qua bao nhiêu khâu”, Bộ trưởng Dũng dẫn chứng.

Mặt hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao tốp đầu của tỉnh Nghệ An trong 8 tháng đầu năm.
Mặt hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao tốp đầu của tỉnh Nghệ An trong nhiều năm. Ảnh tư liệu

Theo ông, điều này liên quan tới chính sách thuế, hải quan… tập đoàn và Bộ Công thương cần tiếp tục xem xét, kiến nghị cải cách hành chính.

“Tinh thần của Thủ tướng là phải quyết tâm cao nhất trong thực hiện mục tiêu đề ra. Tăng trưởng 6 tháng của Vinatex có dấu hiệu rất tốt, vậy có hứa được với Thủ tướng là cả năm sẽ đạt doanh thu, xuất khẩu vượt kế hoạch bao nhiêu để triển khai nghiêm túc Chỉ thị 24 của Thủ tướng về giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi.

Đáp lại, Chủ tịch Vinatex - Trần Quang Nghị xác nhận 6 tháng đầu năm 2017 ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 14,2 tỷ USD tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù tăng trưởng dệt may nửa đầu năm khả quan nhưng vị này cho rằng chưa bền vững, do ảnh hưởng tiêu cực từ đường lối bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc điều chỉnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)...

Trong bối cảnh Mỹ không tham gia TPP, ngành dệt may cho biết đang nỗ lực giải bài toán "không có TPP". Lãnh đạo doanh nghiệp dự báo xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều đột biến, ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 31,3 tỷ USD, tăng 10,9% năm 2016. Riêng giá trị xuất khẩu của tập đoàn đạt khoảng 2,78 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Theo Anh Minh/VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới