Sáu tháng chỉ 6 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá

Công tác cổ phần hoá chậm chạp buộc số lượng phải hoàn thành cả năm lên tới 40 đơn vị, vẫn ít hơn 5 doanh nghiệp so với kế hoạch.

Ngày 11/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm về cổ phấn hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. 

Đánh giá công tác sắp xếp, cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nửa đầu năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ tâm lý thận trọng, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh, kiểm tra nên "việc thuộc thẩm quyền của Bộ, địa phương nhưng không dám quyết, đưa việc lên Chính phủ hỏi ý kiến cho an toàn". Đây cũng là một phần lý do khiến quá trình này đang ì ạch, không đạt yêu cầu, mục tiêu.

"Kinh nghiệm là bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

sau-thang-co-6-doanh-nghiep-hoan-thanh-co-phan-hoa

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đơn vị nào lãnh đạo không quyết liệt chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp, nơi đó kết quả rất hạn chế. Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà - Phó trưởng ban chỉ đạo cho biết, mới có 6 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá trong 6 tháng đầu năm, 14 doanh nghiệp đang xây dựng phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng, hay một đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vốn chủ sở hữu 24.000 tỷ. "Cả năm sẽ hoàn thành cổ phần hoá 40 doanh nghiệp, ít hơn 5 đơn vị so với kế hoạch", ông Lê Mạnh Hà nói. 

Về bán vốn Nhà nnước, đã hoàn thành thoái tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách hơn 666 tỷ đồng và thu về trên 11.589 tỷ. Sáu đơn vị trong số này thoái vốn dưới mệnh giá. 

Phó thủ tướng cho biết nếu từ nay tới cuối năm cổ phần hóa thành công được một một doanh nghiệp lớn thì tỷ lệ vốn hoá được chuyển đổi sở hữu sẽ rất lớn, tạo ra quản trị tốt. Do vậy, ông yêu cầu, dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017. 

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, địa phương, "làm theo đúng pháp luật, bảo đảm công khai minh bạch. Nếu luật pháp bất cập thì phải sửa, nhưng đang còn hiệu lực thì không thể làm sai được, không làm theo thông lệ, bảo đảm lợi ích quốc gia”.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn.

Để khắc phục các bất cập trong thể chế, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 7 trình Thủ tướng ký ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần; trong tháng 8 hoàn thành sửa đổi bổ sung Nghị định 91 về đầu tư vốn Nhà nước và quản lý tài sản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cũng trong tháng 8, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Thủ tướng ký Quyết định danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020...

Các tập đoàn, tổng công ty phải trình phương án cổ phần hoá chậm nhất trong tháng 7 để Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8/2017./.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới