Nỗ lực 'cứu' cây đông sau mưa lũ

(Baonghean.vn) - Mưa to liên tiếp những ngày qua đã khiến nhiều diện tích rau màu, cây trồng vụ đông ở một số địa phương bị ngập úng, hư hỏng. Trước mắt các địa phương cần cứu cây vụ đồng bằng việc tiêu úng kịp thời và triển khai các phương án bổ cứu sản xuất. 

Cánh đồng trồng dưa leo ở Diễn An, Diễn Châu ngập trong biển nước. Ảnh: Phú Hương
Cánh đồng trồng dưa leo ở Diễn An, Diễn Châu ngập trong biển nước. Ảnh: Phú Hương

Tại Diễn Châu, mưa lớn liên tục đã làm ngập gần 1.000 ha cây trồng các loại, trong đó chủ yếu là cây ngô trên đất màu với gần 600 ha; 200 ha lạc; đặc biệt, gần 30 ha dưa leo lần đầu đưa vào trồng tại các xã Diễn Lâm, Diễn Cát, Diễn An… theo dạng liên kết với doanh nghiệp đã bị ngập và gần như mất trắng.

Ông Phan Xuân Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Diện tích ngô bị mất chủ yếu nằm dọc các xã ven biển, có nhiều trà, từ 7- 8 lá đến ra bắp, do bị ngập sâu kéo dài nên dự kiến nắng lên sẽ bị héo rũ và chết, sau mưa sẽ phải phá bỏ và chuyển sang trồng các loại rau màu; những diện tích dưa leo thiệt hại nhẹ sẽ chờ nắng lên tập trung chăm sóc, đắp lại phần đất rễ bị xói, hoà lân Lâm Thao tưới gốc để phục hồi rễ. Riêng cây lạc, do đã ở thời kỳ ra hoa chuẩn bị đâụ quả chắc nên thiệt hại sẽ không đáng kể. Tuy nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng”.

Nhiều diện tích ngô ở Diễn Châu bị ngập sâu, dự kiến khi nắng lên sẽ héo và chết rũ. Ảnh: Phú Hương
Nhiều diện tích ngô ở Diễn Châu bị ngập sâu, khả năng khi nắng lên sẽ bị héo và chết rũ. Ảnh: Phú Hương

Theo thống kê, hiện tại huyện Nghi Lộc có gần 190ha lạc đông bị ngập nước, 350ha rau màu bị ngập úng thiệt hại; tập trung chủ yếu ở các xã vùng màu thấp như Nghi Long, Nghi Thuận,  Nghi Trung, Nghi Thạch, Nghi Trường, Nghi Xá, Nghi Phong... Hầu hết các xã vùng sâu trũng của Nghi Lộc đã bị ngập úng và chia cắt do mưa lũ.

Theo  Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, ông Nguyễn Văn Quang, thiệt hại nặng nề nhất là 160 ha tôm chuẩn bị thu hoạch tại các xã Nghi Hợp, Nghi Thái, Nghi Quang… bị tràn toàn bộ. “Ngoài ra, 500 ha rau màu gần như mất trắng; toàn huyện mới trồng được 1.000 ha ngô thì 700 ha thiệt hại trên 70%.

"Việc tiêu thoát nước của Nghi Lộc hiện phụ thuộc vào đầu ra của Sông Cấm. Trước mắt, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung khơi thông cống rãnh, chờ nước tiêu thoát để trồng lại rau màu, chăm sóc những diện tích lạc thiệt hại nhẹ để lấy giống cho vụ xuân năm sau; riêng diện tích ngô bị mất, do đã hết thời vụ nên nắng lên sẽ chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác”- ông Nguyễn Văn Quang cho hay.

a
 Tại huyện Nghi Lộc, hiên có gần 190ha lạc đông bị ngập nước, 350ha rau màu bị ngập úng thiệt hại; tập trung chủ yếu ở các xã vùng màu thấp như Nghi Long, Nghi Thuận,  Nghi Trung. Ảnh: Thu Hiền

Giám đốc sở NN&PTNT, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Thời tiết hiện vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường, hai vấn đề ưu tiên số 1 hiện nay là bảo vệ an toàn hồ đập và chăm sóc cây trồng vụ đông.

Các địa phương và đơn vị liên quan tập trung tiêu nước ở các bara Bến Thuỷ, Nghi Quang và Diễn Thành, tranh thủ khi triều xuống mở hết các cống tiêu, hạn chế ngập lụt hoa màu vụ đông. Đồng thời, tập trung tiêu thoát cho cây trồng vụ đông, sau khi nước rút tiến hành chăm sóc bằng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Với những loại cây trồng không còn thời vụ, nghiên cứu chuyển đổi sang những loại cây trồng ngắn ngày như rau màu các loại.

 » Thành phố Vinh: Nhiều vùng rau bị xóa sổ sau mưa lụt

Phú Hương - Thu Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới