Để 'cam Vinh' thực sự lên ngôi và giữ thương hiệu bền vững

(Baonghean.vn) - Hiện một số người tiêu dùng sành thưởng thức cam Vinh cho rằng: "Sau khi được nếm thử cam Vinh dán tem, thì thấy chất lượng cam Vinh giữa các vùng chưa đồng nhất". Đánh giá đúng với thực tế.

Nguyên nhân vì sao? Vì, độ đồng đều về chất lượng ngon và ngọt của quả cam hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Đặc trưng về chất lượng của quả cam khi ta ăn cảm thấy ngon, ngọt và thơm là do giống quyết định và nó được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ở Nghệ An, hiện tại đang trồng nhiều giống cam khác nhau, trong đó phổ biến là cam Xã Đoài, cam V2 (Valenxia) và cam Vân Du. Trong đó giống cam Xã Đoài là giống cam có chất lượng tốt nhất, ngon, ngọt và thơm nhất.

Sau giống cam Xã Đoài là giống cam V2. Còn giống cam Vân Du, quả to, màu quả đẹp, ăn vẫn ngon, nhưng chất lượng thơm và ngon không thể bằng giống cam Xã Đoài và cam V2, nhưng nó vẫn có tên trong danh sách thương hiệu cam Vinh.

Xa hơn nữa là cam Xã Đoài trồng quanh núi đá vôi ở xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cũng được ca ngợi ngon và thơm không thua kém trồng ở xã Đoài.

Thứ hai: Cũng là giống cam Xã Đoài, cam V2 hay cam Vân Du. Nếu được trồng ở vùng đất quanh các núi đá vôi, có tầng canh tác dày thì độ ngọt và thơm của quả cam càng ngọt lịm, càng thơm phức. Vì đất quanh các núi đá vôi (lèn đá) có hàm lượng can xi (Ca - Vôi) và phốt pho ríc (P2O5 - Lân) nhiều. Vì vậy, cam Bãi Phủ (Con Cuông); cam Xuân Thành, cam 3/2 (Quỳ Hợp), cam Đồng Thành, Minh Thành (Yên Thành); cam Sông Con (Tân Kỳ)… chất lượng cam thơm ngon, nổi tiếng khắp cả nước. 

Cam Bãi Phủ được trồng chủ yếu là các giống Vân Du, Xã Đoài lòng vàng và V2. Đây là những loại giống cam phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở vùng đất này.
Cam Bãi Phủ được trồng chủ yếu là các giống Vân Du, Xã Đoài lòng vàng và V2 - những giống cam phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này. Ảnh tư liệu

Có người hỏi: ở Xã Đoài không có núi đá vôi tại sao cam trồng ở đây vẫn ngọt ? Qua nghiên cứu và khảo sát thổ nhưỡng vùng đất xã Đoài, cho thấy: Vùng đất này là đất phù sa cổ, tầng đất canh tác dày và đào sâu xuống khoảng 60, 70 cm trở xuống sẽ thấy có 1 lớp vỏ ngao, sò, ốc, hến đã được phân hủy. Điều đó chứng tỏ vùng đất này ngày xưa là bờ biển, sau này do bồi đắp dần nên biển đã ra xa. Chính lớp đất có nhiều vỏ ngao, sò, ốc, hến… đã cung cấp một lượng lớn Ca (Vôi) làm cho quả cam tăng thêm vị ngọt ở vùng này.

Thứ ba: Dù có giống cam ngon, ngọt và thơm như cam Xã Đoài, nhưng do nó là cây tự thụ phấn, lại được trồng quá lâu đời thì chắc chắn sẽ bị thoái hóa. Thực tế hiện nay giống cam Xã Đoài đang bị thoái hóa mạnh. Khi cây cam bị thoái hóa ta sẽ thấy: Cây cam nhanh chóng già nua và còi cọc dần, số quả trên cây giảm dần theo thời gian, quả nhỏ, vỏ dày, hạt nhiều, số quả to và nhỏ trên mỗi cây không đồng đều, chất lượng quả (thơm, ngon và ngọt) trên cây cũng giảm dần.

Đặc biệt ở những vùng trồng xa các núi đá vôi, đầu tư thâm canh kém (ít bón vôi và lân), cây giống liên tục chiết cành để trồng thì chất lượng cam sẽ không giữ được lâu bền.

Vì vậy, cây cam Nghệ An với thương hiệu cam Vinh, muốn giữ được thương hiệu bền vững có 3 việc cần làm, đó là: Phục tráng, chọn tạo lại đúng giống cam Xã Đoài đã có trước đây. Hai là quy hoạch vùng đất trồng cam phù hợp với nhu cầu sinh lý cây cam để có chất lượng cam tốt. Ba là phải có quy trình kỹ thuật trồng cam phù hợp vớ cây cam và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP để có quả cam sạch được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Doãn Trí Tuệ 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới