Nghệ An: Tăng trưởng dư nợ tín dụng trên 15%

(Baonghean) - Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng trưởng dư nợ trên địa bàn Nghệ An đạt khá cao. 

Một trong những ngân hàng có dư nợ tăng trưởng mạnh phải kể đến Ngân hàng Công thương chi nhánh Nghệ An. Đến nay, cho vay đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016. Dư nợ Khối KHDN có sự tăng trưởng mạnh mẽ do trong 10 tháng đầu năm, trong đó, doanh nghiệp lớn tăng 853 tỷ đồng; DNV&N tăng 207 tỷ đồng; DN FDI tăng 95 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, tình hình cho vay năm nay nhìn chung khả quan; kế hoạch năm nay của chi nhánh đạt 6.610 tỷ đồng dư nợ cho vay nền kinh tế, nhưng đến ngày 30/10 đã đạt gần 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 158 tỷ đồng.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Nghệ An. 	Ảnh: Thu Huyền
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Năm nay, khối ngân hàng cổ phần cũng có dư nợ khá tốt. Ông Phan Hữu Phùng - Giám đốc Ngân hàng TMCP SCB cho biết: Hiện dư nợ của chi nhánh đạt 500 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Thời gian qua, bằng các giải pháp tăng cường tiếp cận khách hàng, giảm lãi suất cho vay, thậm chí trả hoa hồng cho người giới thiệu khách nên tăng trưởng khá tốt. Đặc biệt, với việc tiếp cận các hộ tiểu thương ở chợ Vinh cho bà con vay vốn kinh doanh bằng hình thức thế chấp quầy ốt mang lại hiệu quả tốt, không có nợ xấu. Hiện nay, riêng chợ Vinh, dư nợ tại Ngân hàng TMCP SCB khoảng 80 tỷ đồng. 

Ông Cao Song Điệp – Trưởng phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể từ ngày 10/7/2017 điều chỉnh giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa để đáp ứng nhu cầu vốn một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Hiện nay, lãi suất cho vay bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6 - 6,5%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4-5%/năm.

Dư nợ một số chương trình tín dụng như cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 (không bao gồm cả Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Phát triển) ước đạt 60.864 tỷ đồng (tăng 6,7% so với đầu năm), chiếm 48,7% tổng dư nợ.

Cho vay xuất khẩu ước đạt 1.750 tỷ đồng (tăng 21,2% so với đầu năm). Dư nợ cho vay phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 22/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 615 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ ước đạt 387 tỷ đồng, giảm 7,9% so với đầu năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, hiện các ngân hàng trên địa bàn đang tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 17-18%, theo đánh giá chỉ tiêu này là khả thi.  

Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động của các TCTD và Chi nhánh TCTD tại địa bàn ước đạt 104.482 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 11.888 tỷ đồng, bằng 12,8%, cao hơn tốc độ tăng của cả nước (là 11,75%). Tổng dư nợ trên địa bàn (không tính Ngân hàng Phát triển) ước đạt 143.726 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 18.964 tỷ đồng, bằng 15,2%, cao hơn tốc độ tăng của cả nước (là 13,01%). Tổng nợ xấu trên địa bàn là 1.143 tỷ đồng, chiếm 0,8% trong tổng dư nợ, tăng 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, bằng 0,7%.

Việt Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới