Nghệ An cần lựa chọn đối tượng sản xuất cho nông nghiệp công nghệ cao

(Báonghean.vn) -  Dự hội thảo về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An, các đại biểu cho rằng cần lựa chọn đối tượng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Sáng 9/12, Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tham dự hội thảo, có các đồng chí Nguyễn Thế Trung - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Đến cuối năm 2016, Nghệ An đã có 9.502 ha diện tích canh tác NN ứng dụng CNC, chiếm 3,1%  diện tích canh tác NN, trong đó 6.768 ha do người dân đầu tư và 2.734 ha do doanh nghiệp đầu tư; giá trị sản xuất bình quân từ 200- 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà.

Tổng đàn bò sữa được ứng dụng CNC là 47.600 con; tổng đàn lợn ứng dụng CNC 13.300 con, gần 70 trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC.

Tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng quy trình Vietgap đạt 150 ha, lợi nhuận tăng 20- 30% so với nuôi truyền thống.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, giám đốc Sở NN&PTNT nêu một số nội dung trong Quy hoạch. Ảnh: Phú Hương
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT nêu một số nội dung trong quy hoạch. Ảnh: Phú Hương

Nghệ An đã hình thành được các vùng sản xuất NN theo quy trình canh tác tiên tiến và ứng dụng CNC với các sản phẩm như rau củ quả 370 ha, vùng chè 300 ha, vùng cam 265 ha…

Đến nay, tỷ trọng sản xuất NN ứng dụng CNC chiếm khoảng 5- 10% giá trị sản xuất ngành NN; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng vật nuôi ứng dụng CNC tăng 20- 40%, lợi nhuận cho người sản xuất tăng trên 30% so với doanh thu.  

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Nghệ An cần định hướng sản xuất những sản phẩm thị trường có nhu cầu. Ảnh: Phú Hương
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Nghệ An cần định hướng sản xuất những sản phẩm thị trường có nhu cầu. Ảnh: Phú Hương

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020 Nghệ An có 5- 7% diện tích canh tác NN được ứng dụng CNC, trong đó xây dựng và phát triển từ 20- 25 vùng sản xuất NN ứng dụng CNC.

Đến năm 2030, hình thành và phát triển thêm mới  10 - 15 vùng NN ứng dụng CNC để có trên 45.396 ha đất NN ứng dụng CNC; tỷ trọng giá trị sản xuất NN ứng dụng CNC chiếm 40- 45% tổng giá trị sản xuất NN của tỉnh.

Ông Ngyễn Thế Trung, nguyen Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An góp ý về một số loại sản phẩm có thể giúp nôgn dân làm giàu. Ảnh: Phú Hương
Ông Ngyễn Thế Trung - nguyên Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An góp ý về một số loại sản phẩm có thể giúp nông dân làm giàu. Ảnh: Phú Hương

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý về một số giải pháp nhằm phát triển NN ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Nghệ An, như: Cần đưa ra các tiêu chí để chọn đối tượng trước rồi sau đó mới lựa chọn vùng sản xuất NN ứng dụng CNC, không đầu tư dàn trải và tránh tư duy bao cấp; đưa ra các tiêu chí cụ thể để lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng đối tượng; phải đưa các giải pháp đảm bảo về giao thông, điện vào các vùng sản xuất ứng dụng CNC.

Ông Trần Quốc Thành, giám đốc Sở KH và Công nghệ góp ý: cần chú ý các điều kiện về cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất ứng dụng CNC. Ảnh: Phú Hương
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH và Công nghệ góp ý: cần chú ý các điều kiện về cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất ứng dụng CNC. Ảnh: Phú Hương

Trong vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cần có cách làm phù hợp để tránh trường hợp hợp đồng bị phá vỡ; tập trung khuyến khích doanh nghiệp vào xây dựng các nhà máy chế biến...

Mục tiêu hướng tới là tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; sản xuất NN phải đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, chung thuỷ với nhà đầu tư.

Sản xuất cam ứng dụng công nghệ tiên tiến tại Trung tâm phục hồi và phát triển cam xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc. Ảnh: Phú Hương
Sản xuất cam ứng dụng công nghệ tiên tiến tại Trung tâm phục hồi và phát triển cam xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc. Ảnh: Phú Hương

Vấn đề đặt ra là một số sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi tuy giá sản phẩm thấp, khó làm giàu như lúa, lạc… nhưng nếu mất mùa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh, ngành NN cần có các giải pháp chỉ đạo, thâm canh tăng năng suất.

Hiện nay có 4 nhóm thực phẩm có mức độ tiêu thụ cao hiện là: rau củ quả, sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, thức uống sạch chất lượng cao và thực phẩm chức năng. Trên cơ sở đó, các ý kiến đề nghị tỉnh Nghệ An cần có dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để định hướng cho nông dân sản xuất những sản phẩm thị trường có nhu cầu.

Tỉnh cũng phải có biện pháp ngăn chặn các doanh nghiệp chuyển đổi, sử dụng sai mục đích các diện tích sản xuất NN ứng dụng CNC, đồng thời có các cơ chế chính sách mạnh và hợp lý để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất NN ứng dụng CNC; lưu tâm xây dựng thương hiệu nông sản Nghệ An; khuyến khích một số mô hình sản xuất NN kết hợp làm du lịch.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới