Giải pháp vượt khó của ngành thủy, hải sản Hoàng Mai

(Baonghean) - Khai thác thủy, hải sản là một trong những mũi nhọn kinh tế của Thị xã Hoàng Mai. Thế nhưng, năm 2014 là năm khó khăn, khi một số sản phẩm đánh bắt thế mạnh mất mùa… Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn”, không chỉ các cơ sở dịch vụ thu mua, chế biến mà các ngư dân cũng tìm cách tháo gỡ, khắc phục nhằm duy trì sản lượng đánh bắt và chế biến.
Chế biến cá hố xuất khẩu tại Công ty Phương Mai, phường Quỳnh Dỵ, TX. Hoàng Mai.
Chế biến cá hố xuất khẩu tại Công ty Phương Mai, phường Quỳnh Dỵ, TX. Hoàng Mai.
TIN LIÊN QUAN
Về Quỳnh Phương đúng vào dịp ngư dân về tránh trú cơn bão số 3 nên bến cá Lạch Cờn tấp nập người và tàu thuyền. Anh Quang, ngư dân đi biển ở khối Tân Hải cho biết: Ngư dân Quỳnh Phương chủ yếu làm nghề lộng, đánh đáy (gồm cá lưỡng, sam, cá chai, cá đục..). Hiện tàu đang cập bến để sửa chữa, anh là 1 trong 10 lao động tham gia đánh bắt trên tàu có công suất 400 CV.  Vụ cá năm nay không thuận lợi, nên so với mọi năm sản lượng không bằng. Tại Quỳnh Lập, Quỳnh Dị… ngư dân chuyên đánh cá nổi (gồm cá cơm, cá ve…)  sản lượng bị sụt giảm còn nhiều hơn so với Quỳnh Phương.
Ông Vương Đại Tương - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết: So với các năm trước, sản lượng cá Quỳnh Lập (chủ yếu là cá trỏng) năm nay giảm 2/3, 6 tháng chỉ đạt 11.500 tấn, so với cả năm ngoái là 28.500 tấn; không những vậy, giá còn giảm 30%; thu nhập bình quân mỗi lao động đi biển chỉ vài triệu đồng/tháng; nếu không có gì đột biến vào cuối năm, thì sản lượng đánh bắt rất khó để đạt kế hoạch đề ra (28 ngàn tấn). Tương tự tại phương Quỳnh Dị, ngư dân cũng bị mất mùa cá. Ông Văn Huy Thắng - Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Dị cho biết: Vụ cá nổi năm nay, sản lượng khai thác, đánh bắt giảm. Trên địa bàn xã lại có một số nghề chế biến truyền thống như chế biến nước mắm công suất 2 triệu lít/năm, hấp sấy cá khô, nên cá đánh bắt về chỉ đủ “cung” cho những cơ sở làm nghề truyền thống.
Sản lượng cá đánh bắt giảm, trong khi số lượng doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ chế biến thủy, hải sản ra đời ngày càng nhiều, nên tất yếu nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp trên lĩnh vực này gặp khó. Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc Công ty TNHH Phương Mai đóng chân trên địa bàn phường Quỳnh Dị cho biết: Công ty là cơ sở thu gom, chế biến hải sản lớn nhất thị xã. Trong đó, mua nhiều nhất là cá nổi (gồm cá nục, cá trỏng…) của ngư dân Hoàng Mai và Quỳnh Lưu. Các năm trước, mỗi tháng công ty mua khoảng 200 - 300 tấn và đến thời điểm tháng 9, 10 kho đông với công suất trên 2.000 tấn thường thường đầy ắp cá, nhưng năm nay mới chỉ mua được khoảng 600 - 700 tấn, bằng 30% so với năm trước. Thực tế trên chứng tỏ sản lượng đánh bắt, nhất là cá nổi giảm mạnh từ 40- 50%. Từ đầu năm đến nay, để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, một mặt đẩy mạnh mua gom đảm bảo giá cả cho ngư dân trên địa bàn, công ty phải nhập cá từ tỉnh khác về gia công, chế biến để xuất khẩu.
Trước những khó khăn trên, các địa phương của Thị xã Hoàng Mai đã có những cách làm nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. Một trong những định hướng mà phường Quỳnh Phương đang chỉ đạo là mỗi loại tàu thuyền, thay vì chỉ đánh bắt một sản phẩm, nay sẽ đầu tư cải tiến công nghệ theo hướng đánh bắt 3 sản phẩm để phòng khi nghề này mất mùa thì có nghề khác bù vào. Mặt khác, mặc dù Quỳnh Phương có truyền thống đánh đáy và lộng, công suất tàu thuyền chưa lớn nhưng xã đã và đang vận động ngư dân có điều kiện mạnh dạn đầu tư, cải hoán phương tiện để vươn khơi xa hơn; chú trọng đánh bắt các hải sản xuất khẩu để nâng giá trị sản xuất. Đây là bài học đã được kiểm chứng tại xã Quỳnh Lập, mặc dù mất mùa, nhưng nhờ một số tàu thuyền công suất lớn nên 2 tháng lại đây, sản lượng đánh bắt vẫn đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Châu -  Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương cho biết: Với sản lượng 10 - 15 ngàn tấn hải sản hàng năm, hoạt động khai thác, đánh bắt chiếm gần 50% giá trị sản xuất của phường. Theo thông lệ, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, ngư dân nghỉ dài ngày để đại tu, sửa chữa tàu, thuyền và từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch năm sau là vụ đánh cá chính. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn và biến động về ngư trường, gần đây, ngư dân phường Quỳnh Phương đã rút bớt thời gian nghỉ, tranh thủ sửa chữa nhanh tàu, thuyền để ra khơi sớm hơn, đánh bắt cá vụ cá nam bù vào sản lượng bị giảm hoặc ngày gió bão. Năm 2014, dù một số mặt hàng đánh bắt bị giảm, nhưng sản lượng và giá trị thu nhập từ đánh bắt của xã vẫn giữ được gần bằng năm ngoái. 8 tháng đã đánh được khoảng 8 ngàn tấn. 
Mặc dù khai thác và chế biến hải sản năm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ những cách làm trên, sản lượng đánh bắt của TX. Hoàng Mai vẫn đảm bảo kế hoạch đề ra. Thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2014, thị xã khai thác được 20.141 tấn hải sản, bằng 82,6%. Tuy nhiên, để nghề đánh bắt hải sản ở TX. Hoàng Mai phát triển mạnh hơn nữa, ông Phạm Chí Diên - Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Hoàng Mai cho biết: Một trong những khó khăn hiện nay ảnh hưởng đến năng lực đánh bắt và chế biến thủy, hải sản thị xã là luồng, lạch và bến bãi.
Là trọng điểm khai thác nhưng nơi neo đậu, nhất là luồng lạch ra vào phía bờ Nam Lạch Cờn rất hạn chế. Mới đây, Thị xã Hoàng Mai được hỗ trợ đóng mới 15 tàu, thuyền theo Nghị định 67/CP (Quỳnh Lập 8 chiếc, Quỳnh Phương 6 chiếc và Quỳnh Dị 1 chiếc), trong đó có 1 tàu chuyên về cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Tuy nhiên, về lâu dài, thị xã đang kiến nghị và tìm kiếm nguồn kinh phí để tổ chức nạo vét luồng, lạch để tàu thuyền ra vào thuận lợi. Có như vậy thì mới góp phần nâng cao năng lực khai thác đánh bắt; đồng thời, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ chế biến thủy, hải sản trên bờ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Phương Hà 

Tin mới