Tác động "kép" khi tăng giá điện và xăng dầu

(Baonghean) - Từ ngày 11/3, giá xăng đã tăng thêm 1.610 đồng/lít, dầu 710 đồng/lít chấm dứt đợt giảm giá liên tục từ ngày 7/7/2014. Cùng với giá xăng, giá điện cũng chính thức tăng 7,5% từ ngày 16/3. Giá điện tăng tác động rõ nhất đối với dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tại cơ sở sản xuất bột cá và đá lạnh Hùng Châu, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) ngày đầu tăng giá điện đã làm cho ông chủ Nguyễn Văn Hùng không khỏi lo lắng. Mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất khoảng 400 tấn bột cá và khoảng 500 tấn đá lạnh phục vụ việc ra khơi của bà con ngư dân. Trước đây, mỗi tháng gia đình anh phải trả trên 60 triệu đồng tiền điện, với việc tăng giá điện 7,5% thì mỗi tháng cơ sở của anh chi phí cho tiền điện cũng tăng lên gần 4,5 triệu đồng. Anh Hùng chia sẻ: “Lần tăng giá điện này lớn, khiến cơ sở gặp không ít khó khăn. Tuy phải tăng chi phí đầu vào từ giá điện nhưng sản phẩm đầu ra thì mình cũng không tăng được giá, vẫn phải giữ mức giá cũ, tiền công cho công nhân cũng phải duy trì... Vậy nên lãi từ sản xuất sẽ sụt giảm đáng kể. Với giá điện như vậy chúng tôi phải tính toán lại quy trình sản xuất, để tiết kiệm tối đa điện trong sản xuất”.
Cơ sở sản xuất đá lạnh ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).	 Ảnh: Việt Hùng
Cơ sở sản xuất đá lạnh ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu).            Ảnh: Việt Hùng
Xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) hiện có 28 cơ sở sản xuất đá lạnh, 6 xưởng cơ khí phục vụ cho nghề đánh bắt. Cùng với giá xăng dầu tăng, giá điện tăng sẽ tác động rất lớn đến đời sống kinh tế của bà con ngư dân. Cơ sở sản xuất đá đông lạnh của gia đình chị Bùi Thị Thúy ở xã Tiến Thủy là cơ sở lớn trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng, cơ sở  này chi phí trên 40 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, hiện nay giá điện đã tăng 7,5 % đồng nghĩa với việc tiền điện phải thanh toán sẽ là trên 44 triệu đồng/tháng. Giá điện tăng, sản phẩm đá đông lạnh phục vụ cho nghề cá sẽ tăng lên từ 12 nghìn đồng lên 14 nghìn đồng/thanh. 
Đối với ngư dân chi phí cho mỗi chuyến biển cũng tăng đáng kể. Đội tàu có công suất 96 CV của ngư dân Lê Xuân Thu, xóm Đông Lộc (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu) với phí chi phí 100 lít dầu thì mỗi chuyến biển đi về trong ngày cũng tăng tới trên 150.000 đồng tiền nhiên liệu chưa kể tới giá đá lạnh và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Còn đối với đôi tàu xa bờ 300 CV của anh Vũ Hà – Xã Diễn Kim, mỗi chuyến biển 7 ngày tiêu thụ hết 4.000 lít dầu. Với giá dầu tăng như hiện nay thì mỗi chuyến biển anh phải chi phí thêm trên 3 triệu đồng tiền dầu. Đầu năm đánh bắt khó khăn nên anh chưa dám tăng chuyến ra khơi, sợ bị lỗ. Hiện Diễn Châu có gần 1.400 tàu thuyền, 70 cơ sở sản xuất đá lạnh, 5 nhà máy chế biến bột cá. Việc cùng một lúc tăng giá điện, xăng dầu đã làm tăng thêm chi phí đến hàng trăm triệu đồng mỗi ngày cho hoạt động đánh bắt, tác động không nhỏ đến đời sống ngư dân. 
Ngư dân Diễn Châu khắc phục khó khăn để vươn khơi. Ảnh: Việt Hùng
Ngư dân Diễn Châu khắc phục khó khăn để vươn khơi. Ảnh: Mai Giang
Còn tại Quỳnh Lưu hiện có 1.200 phương tiện tàu thuyền, chiếm 50% số lượng của toàn tỉnh, trong đó, tàu trên 400CV là 256 chiếc. Việc xăng, dầu, điện tăng giá có tác động lớn đến tình hình sản xuất của người dân. Đang cùng các thợ thuyền sửa chữa lại con tàu để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi sắp tới, anh Ngô Quang Chính ở xã Sơn Hải - chủ tàu cá NA 95177 TS cho biết: “Khi biết tin xăng dầu, điện tăng giá trở lại, ngư dân ai cũng lo lắng vì giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của mỗi chuyến ra khơi. Trước thời điểm giá xăng, dầu chưa giảm mạnh, mỗi chuyến ra khơi, tàu của anh phải bơm vào khoang máy từ 1.800 đến 2.000 lít dầu, tương đương gần 50 triệu đồng. Thời điểm giá xăng dầu liên tục giảm, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, tàu cá của anh tiết kiệm được khoảng 15 - 20 triệu đồng. Anh em chúng tôi chỉ trông chờ vào giá xăng dầu ổn định, nếu cứ tăng lên thì không biết trở tay thế nào. Khi đánh bắt gặp may thì mỗi thuyền viên được 5 - 7 triệu đồng/chuyến, còn không thì hòa vốn, thậm chí phải bù lỗ”.
Vừa từ chuyến biển trở về sau 10 ngày đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân Lê Văn Mạnh ở thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long cho biết: Chuyến đi biển lần này, tàu cá của anh đánh bắt được hơn 10 tấn cá các loại. Trừ chi phí, mỗi thuyền viên thu về từ 4 - 5 triệu đồng/chuyến. Trong chuyến đi biển này, giá xăng dầu đã giảm nên chi phí nhiên liệu cũng đỡ tốn kém hơn rất nhiều. So với trước đây khi giá dầu chưa giảm mạnh, tàu cá của anh tiết kiệm được 10 - 15 triệu đồng tiền dầu. Nhưng với mức tăng mới này, nhiều tàu cá lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn mới. “Với giá dầu tăng như hiện nay, mỗi chuyến biển phải bù thêm 10-15 triệu đồng cho chi phí nhiên liệu.” anh Mạnh chia sẻ.
Ông Hồ Hoàng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết, hiện nay toàn xã có 320 phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản, 6 xưởng cơ khí, 28 cơ sở sản xuất, 13 cơ sở thu gom hải sản, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Người dân xã Tiến Thủy chủ yếu sống dựa vào nghề khai thác, đánh bắt và các dịch vụ thủy hải sản. Trước tình hình giá xăng dầu tăng đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân nơi đây. Việc giá xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng chung đến toàn xã hội, trong đó ngư dân là đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi mỗi chuyến đi biển của ngư dân nhiên liệu đã chiếm hơn 80% chi phí.
Mai Giang - Việt Hùng
TIN LIÊN QUAN

Tin mới