Bản chất kinh doanh đa cấp!

(Baonghean) - Cho đến nay ở nước ta vẫn chưa có một hành lang pháp lý nào thật rõ ràng đối với hình thức kinh doanh đa cấp. Người thích cho là tốt, kẻ ghét cho là xấu. Chính vì vậy mà trên thị trường hiện nay, các công ty đa cấp vẫn hoạt động dưới nhiều hình thức, khi tạo ra những hệ luỵ xã hội thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Vậy bản chất của hình thức kinh doanh đa cấp là gì.
Trên thế giới kinh doanh đa cấp xuất hiện từ lâu. Ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Như vậy, hình thức này tiết kiệm được nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa. Số tiền này dùng để thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng. Đây là phương thức kinh doanh tận dụng chính thói quen người tiêu dùng: Khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường đem chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh.
Kinh doanh đa cấp là một loại hình kinh doanh mới mẻ, văn minh và hiện đại, đem lại lợi ích cho người mua và người bán, tuy nhiên khi du nhập vào nước ta, tại một số công ty hình thức kinh doanh đa cấp đã bị biến tướng. Trong đó, lợi nhuận của công ty không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển mộ các thành viên mới. Nếu người vào trước kéo được nhiều người tham gia vào hệ thống của mình thì không cần bán hàng mà vẫn có thu nhập khủng. Vì vậy bao nhiêu người lao vào kinh doanh đa cấp, chèo kéo người thân, bạn bè, đồng nghiệp vào cuộc.
Không những thế, đa số sản phẩm của các công ty đa cấp có giá quá cao so với chất lượng của nó, cũng như quá cao so với các sản phẩm có chất lượng tương đương trên thị trường. Chẳng hạn một tuýp kem đánh răng khá tốt trên thị trường giá chỉ khoảng 50.000 đồng thì giá của sản phẩm đa cấp là 100.000 đồng. Phần chênh lệch rất lớn đó người tiêu dùng phải chi trả, trong khi người trực tiếp bán chỉ được hưởng khoảng 5 - 10%, phần còn lại được trích một phần để nuôi hệ thống cấp trên, còn lại đổ về tổng công ty.
Các công ty kinh doanh đa cấp thường hứa hẹn với các thành viên khi họ mới tham gia về những chuyến du lịch cao cấp ở nước ngoài, đưa một số điển hình được công ty thưởng ô tô, xe máy đắt tiền, có hàng chục người thu nhập mỗi tháng 20 triệu đến 50 triệu đồng. Nhưng, nhìn đi nhìn lại những người kinh doanh đa cấp chẳng ai giàu, có chăng chỉ vài ba người đứng đầu một chi nhánh có thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/tháng, hầu hết là những người không có công việc ổn định hoặc họ làm thêm kiếm tiền tiêu vặt. Người bán hàng phải tốn công đi tìm khách hàng vì bán một sản phẩm với độ chênh lệch giá như vậy không dễ, lại tốn sức lôi kéo người tham gia vào hệ thống - đó là công việc “tốn nước bọt” và đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt, biết cách ứng phó. 
Tổn thất luôn thuộc về người tiêu dùng, thiệt thòi thuộc về nhân viên bán hàng, lợi nhuận các tập đoàn lớn hưởng. Vậy nên, trong khi chưa có một hành lang pháp lý, người tiêu dùng nên sáng suốt cân nhắc lựa chọn những mặt hàng có giá trị tương đương với chất lượng của nó, dẫu biết rằng các sản phẩm của các công ty đa cấp không phải hàng giả.
Trần Hữu (TP. Vinh)

Tin mới