Kiểm dịch thực phẩm - trăm mối ngổn ngang

(Baonghean) - Kiểm dịch thực phẩm đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, bởi đây là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng phân biệt được nguồn gốc xuất xứ cũng như chọn lựa sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề này đang tồn tại nhiều bất cập.

Khó từ chợ tới siêu thị
6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 195 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện và xử lý. Thị trường thực phẩm ngày càng đa dạng thì công tác kiểm soát càng khó khăn, vì thế để lựa chọn được thực phẩm thực sự an toàn vẫn luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người tiêu dùng. Chị Hoàng Thị Xinh (phường Hưng Bình, TP. Vinh) chia sẻ: “Khi đi mua thực phẩm về cho gia đình, phần lớn chị em thường chỉ dựa vào cảm quan. Đối với rau, chúng tôi thường chọn những loại hàng có dáng vẻ hơi “còi cọc, xấu xí” một chút vì theo kinh nghiệm thì mặt hàng nào càng “đẹp” thì khả năng bị phun thuốc kích thích càng cao. Còn đối với các loại thịt thì thường nhìn màu sắc để đoán độ tươi”. Có thể thấy những kinh nghiệm trên chỉ dựa vào cảm quan của người mua, cho dù đó là bà nội trợ kỹ tính nhất cũng không thể đảm bảo rằng thực phẩm mình mua là đáng tin cậy hoàn toàn bởi bằng mắt thường không thể phát hiện được thực phẩm có tồn dư chất hóa học độc hại. 
Lò giết mổ tập trung tại xã Hưng Chính (TP. Vinh).
Lò giết mổ tập trung tại xã Hưng Chính (TP. Vinh).
Tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố Vinh  có hơn 10 tụ điểm buôn bán, 16 chợ và nhiều siêu thị lớn nhỏ. Riêng chợ Vinh hiện có hơn 50 quầy bán thịt lợn và 25 quầy bán thịt gà, vịt. Đồng thời còn có cả một “mạng lưới vệ tinh” từ nhiều địa phương chuyển thực phẩm, rau xanh về đây tiêu thụ. Ngoài nguồn cung của thành phố thì các quầy thịt ở đây còn nhập với số lượng lớn từ địa bàn các huyện lân cận. Chị Nguyễn Thị Ngọc ở Thanh Dương (Thanh Chương) - hộ kinh doanh hàng thịt gà khá lâu ở chợ Vinh cho biết: “Trước khi vận chuyển gà lên chợ bán thì gà sẽ phải qua sự kiểm tra của trạm thú y huyện.
Sau khi quan sát bằng mắt thường thấy gà không có vấn đề gì thì tiến hành đóng dấu, chi phí 7 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, tôi không cần thiết phải chấm dấu hết toàn bộ vì thực ra cả đàn đều như nhau hết.” Quan sát tại một số điểm bán thịt lợn ở chợ Vinh, dù có dấu xanh kiểm dịch được đóng trên thịt lợn nhưng rất khó để đọc được chính xác những dòng chữ đó viết gì. Hỏi các chủ hàng bán thịt thì được biết dấu được đóng tại các lò mổ, sau khi cán bộ thú y quan sát bằng mắt thường thấy chúng đảm bảo thì sẽ được chấp nhận chứ không qua thiết bị máy móc gì.
Tại quầy đông lạnh - siêu thị Big C, thực phẩm tươi sống được bày bán hết sức đa dạng, nhiều mặt hàng được nhập về từ ngoài tỉnh. Hỏi một nhân viên tại quầy về chất lượng các mặt hàng này thì được trả lời rằng đối với các thực phẩm ngoài tỉnh thì có đóng  dấu kiểm định thú y của tỉnh đó thực hiện. Còn việc kiểm tra đột xuất sau khi chúng được bày bán thì cũng không thường xuyên lắm. 
Không phải sản phẩm đóng gói nào bày bán tại các siêu thị cũng được đóng dấu kiểm định của thú y. Trong một quầy hàng chỉ có từ 1 đến 2 sản phẩm đóng gói có dấu xanh này. Lý do được đưa ra bởi dấu kiểm định chỉ được đóng một lần trên mỗi vật chủ, khi siêu thị tiến hành cắt nhỏ và đóng gói thì chỉ có duy nhất 1 phần thịt là có dấu mà thôi. Tuy nhiên, làm sao người tiêu dùng có thể chắc chắn rằng những phần đóng gói còn lại được cắt ra đúng từ vật chủ được kiểm định?! Đặc biệt, đối với cá thì càng khó khăn trong việc xác định rằng đã được kiểm định hay chưa. Một khách hàng đang chọn lựa tại quầy cá hồi của siêu thị Big C, cho biết: “Bản thân tôi cũng ít khi thấy có dấu kiểm định trên các túi cá. Khi thấy nhân viên ở đây cắt thịt từ con cá còn sống thì tôi chọn mua bởi vì chắc chắn cá còn tươi. Còn về nguồn gốc và sự an toàn thì chỉ biết trông chờ vào sự quản lý của cơ quan chức năng”.
Đời sống ngày càng nâng cao, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng hàng siêu thị nhiều hơn. Tuy nhiên, qua nhiều sai phạm bị xử lý tại các siêu thị lớn trong những năm qua, điển hình là thời điểm đầu năm 2015, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của TP. Hà Nội phát hiện tại siêu thị Metro Hoàng Mai có một số sản phẩm đông lạnh nhập khẩu chưa có tem nhãn của đơn vị nhập khẩu và tại siêu thị Big C có một số mặt hàng rau tươi chưa ghi rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn khiến người tiêu dùng chưa hết hoang mang. 
Công tác quản lý còn bất cập
Tìm hiểu tại Chi cục Thú y tỉnh - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm định thực phẩm trên địa bàn, được biết, đối với khu vực Thành phố Vinh hiện có 11 cán bộ phụ trách kiểm dịch thực phẩm. Với các huyện và thị xã còn lại có gần 40 người phụ trách là cán bộ của trạm thú y huyện. Trong khi đó, địa bàn có 360 chợ và hàng chục siêu thị lớn nhỏ, điều đó cho thấy nhân lực đang rất thiếu cho công tác này. Được biết, chỉ có 15 chợ loại 1 và 52 chợ loại 2 là cơ bản thực phẩm được kiểm định tương đối. Số lượng còn lại thì khó có thể kiểm soát được toàn bộ.
Mặt khác, việc kiểm định thịt thường được thực hiện tại các lò mổ. Sau khi quan sát bằng mắt thường thấy các con vật không có hiện tượng nhiễm bệnh thì cán bộ thú y sẽ đóng dấu. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có tổng số 32 cơ sở giết mổ tập trung được kiểm soát. Và điều quan trọng là toàn bộ các cơ sở này đều chỉ được xếp loại B, nghĩa là chỉ mới “chạm chuẩn” về các yêu cầu trong quy định. Còn hàng chục lò mổ tự phát của hộ gia đình vẫn đang nằm ngoài sự quản lý và đương nhiên là sản phẩm giết mổ không qua kiểm định. 
Tìm hiểu tại một lò mổ ở Hưng Chính (TP. Vinh), được biết mỗi ngày đêm cơ sở này tiến hành giết mổ từ 30 đến 40 con lợn cung cấp chủ yếu cho thị trường thành phố. Thường thì việc kiểm định sẽ được cán bộ thú y thực hiện trước khi tư thương vận chuyển đi. Tuy nhiên, vào ngày phóng viên có mặt để quan sát thì không thấy bóng dáng của cán bộ thú y (?). Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Chính, việc vận động các hộ làm nghề giết mổ gia súc trên địa bàn đưa gia súc tập trung vào lò mổ gặp nhiều khó khăn. Đa số bà con vẫn tiến hành tại gia nên công việc giám sát và kiểm định chất lượng phức tạp. Đầu tư lò mổ đạt chuẩn cần nhiều chi phí và tuân thủ nhiều nguyên tắc y tế nghiêm ngặt nên nhìn chung nhiều cơ sở  còn “xa chuẩn”.  
Đề cập đến vấn đề trên, ông Bùi Văn Đoan, Trưởng phòng kiểm dịch động vật Chi cục Thú y Nghệ An thừa nhận: “Hiện nay, số lượng gia súc, gia cầm được kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là bởi các hộ kinh doanh luôn tìm cách trốn tránh các ngành chức năng. Trong khi đó, lực lượng thú y mỏng và chính quyền cơ sở còn buông lỏng. Mặt khác, tình trạng vận chuyển nhỏ lẻ diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi khó kiểm soát. Quá trình kiểm dịch cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và cảm quan bởi hiện tại chưa có những máy test nhanh để hỗ trợ. Do vậy, việc phát hiện các gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật không an toàn hiện đang gặp nhiều khó khăn”./.
Thanh Quỳnh

Tin mới