Người đàn bà "thép"

(Baonghean) - Ở huyện Quỳnh Lưu,  cựu chiến binh Lê Thị Lan là tấm gương sáng về nghị lực, vượt khó vươn lên. Nhắc đến chị và công ty cơ khí Hồ Hoàn Cầu của gia đình, ai cũng hết sức khâm phục. Mọi Người vẫn thường gọi chị: Người đàn bà “thép” nặng lòng với nông nghiệp, nông dân.

Vừa học xong phổ thông, cô gái “bẻ gãy sừng trâu” quê ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu tình nguyện tham gia quân ngũ. 3 năm nắng gió thao trường với quân nhân Lê Thị Lan đó là những ngày tháng không thể nào quên. Trong môi trường quân đội, chị đã học được rất nhiều điều từ kiến thức khoa học, các loại máy móc cho đến tính kỷ luật, phẩm chất người lính Cụ Hồ luôn bản lĩnh, vượt qua mọi khó khăn, giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của chị.
Rời quân ngũ, năm 1981, chị Lan trở về quê làm nông nghiệp, rồi nên duyên với chàng trai công nhân cơ khí cùng quê Hồ Văn Hoàn. Cuộc sống của đôi vợ chồng son trẻ buổi đầu hãy còn nhiều túng thiếu song họ luôn hạnh phúc. Khó khăn chỉ thực sự đến khi vào năm 1990, xí nghiệp cơ khí của anh Hoàn bị giải thể, kinh tế của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, chẳng đủ ăn… Không thể chịu mãi  cảnh nghèo, chị Lan đã bàn với chồng: “Anh có nghề cơ khí, em thì hiểu rõ về nông nghiệp. Vợ chồng mình nên mở xưởng cơ khí sản xuất nông cụ phục vụ cho bà con”.
Xưởng sản xuất cơ khí Hoàn Cầu nhanh chóng ra đời. Xuất thân từ nông dân nên bản thân chị hiểu rõ người nông dân cần gì, chị nêu ý tưởng, cùng chồng nghiên cứu chế tạo, sản xuất các loại công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp: đó là máy bằm rau, thái chuối, máy tẻ ngô, máy thái thuốc lào tự động… Nhờ sự thiết thực, tiện lợi, giá thành hợp lý, các loại máy này nhanh chóng được người nông dân Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung đón nhận.
Xưởng cơ khí của Công ty Hồ Hoàn Cầu.
Xưởng cơ khí của Công ty Hồ Hoàn Cầu.
Với định hướng luôn lấy người nông dân làm đối tượng phục vụ. Các loại máy được bà con đón nhận và có những đóng góp hiệu quả cho việc sản xuất nông nghiệp – Điều này đã trở thành nguồn động viên lớn cho chị Lan và anh Hoàn để rồi những ý tưởng mới không ngừng sáng lên. Năm 1993, xưởng cơ khí Hoàn Cầu đã sản xuất ra bộ kiềng bếp tiết kiệm 30%-40% chất đốt. Bộ kiềng bao gồm một quạt lò (thay cho ống lửa) và bộ kiềng gang giữ nhiệt, giúp người nội trợ giảm thời gian đun nấu, giảm chi phí mua chất đốt. 
Với bộ kiềng này, các chất phế thải trong sản xuất nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ lạc, mùn cưa, bã mía… đều đưa vào đun nấu được ngay; tạo ra một cách nhìn mới về bảo vệ môi trường, giảm nhiễm khí thải, hạn chế phá rừng. Năm 1998, bộ kiềng bếp do chị Lan – anh Hoàn sáng chế đã được Đài Truyền hình Việt Nam làm phóng sự “Vua Bếp”, được tỉnh Nghệ An trao giải Nhì trong Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ năm 2000.
Thành công nối tiếp thành công, từ một xưởng cơ khí nhỏ lẻ ban đầu, anh chị đã thành lập nên Công ty TNHH Hoàn Cầu với đội ngũ công nhân 70-80 người. Năm 2002, khi quan sát những người nông dân ở quê mình dùng xỉ than, xỉ lò vôi đúc gạch sò thủ công để xây dựng; công việc nặng nhọc mà mỗi ngày chỉ đúc được chừng 200 viên. Từ sự trăn trở về năng suất lao động, chị Lan đã nghĩ ra ý tưởng, sáng chế một cái máy để thay thế sức người, cho hiệu quả cao hơn. Thế rồi máy đúc gạch không nung (còn gọi là máy đúc sò, táp lô) đã ra đời…
Máy đúc gạch không nung là bộ máy ép gạch cơ khí, sản xuất dòng vật liệu giá rẻ thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu là cát sỏi, bột đá, đá rô, nhào trộn với xi măng qua máy đóng ép. Gạch đúc sau 2-3 ngày có thể đưa vào xây dưng được. Ban đầu máy chỉ cho năng suất thấp nhưng qua nhiều lần anh chị hiệu chỉnh đã đưa công suất máy từ 1 nghìn – 2 nghìn viên/ca. Máy đúc gạch đã được bà con ưa chuộng, công ty sản xuất đến đâu bán hết đến đấy. Nhà sáng chế Lê Thị Lan kể: “Chưa thỏa mãn, anh chị đã tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cho ra đời bộ máy ép gạch tự động có công suất từ 7 nghìn – 8 nghìn viên/ca. Chị rất tâm đắc với bộ máy này vì nó đồng hành với người thu nhập thấp, thay thế lò gạch nung thủ công ô nhiễm môi trường”
Theo tính toán của chị Lan: Mỗi bộ máy có giá 30 - 40 triệu đồng, khi người nông dân mua về thuê thêm 5 - 6 lao động sẽ nghiễm nhiên trở thành ông chủ, mỗi tháng thu về khoảng 10 triệu đồng lợi nhuận…Với sự tiện lợi, cho hiệu quả cao, máy đúc gạch không nung của chị Lan được tỉnh Nghệ An trao giải Nhì tại Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ năm 2007. Năm 2012, công ty đã bán được 500 bộ, năm 2013 bán được 650 bộ và năm 2014 là 750 bộ. Hiện nay máy đúc gạch không nung của anh chị đã có mặt khắp cả nước và được bán sang cả Lào, Angola.
Không ngừng phát triển, hiện tại Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu đang nghiên cứu, phát triển thêm nhiều loại máy mới. Người đàn bà “thép” Lê Thị Lan chia sẻ bí quyết thành công: “Với cơ chế thị trường, chính sách mở cửa, hội nhập cơ hội làm giàu, phát triển bền vững sẽ đến với những người dám nghĩ dám làm, đi lên bằng tri thức, bằng sức lao động chân chính của mình”…
Không chỉ giỏi kinh doanh mà chị Lan còn là một người vợ đảm đang, người mẹ hiền giỏi nuôi dạy các con: 4 người con của anh chị đều đã từng là học sinh giỏi quốc gia, nay 2 người là thạc sỹ, 1 người khác đang học tiến sỹ tại Italia.
Đánh giá về hội viên Lê Thị Lan, ông Nguyễn Quang Truyền, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Quỳnh Lưu cho hay: Với tấm lòng tri ân, chia sẻ, chị Lê Thị Lan đã giúp đỡ nhiều người đi lên bằng chính sức lao động của mình. Bản thân chị luôn tích cực tham gia phong trào hội, dành hàng chục triệu đồng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi cơ nhỡ, giúp các hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Công ty của chị Lan là mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hàng năm nộp ngân sách nhà nước từ 300  - 400 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều con em cựu chiến binh trong xã cho thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Bản thân chị Lan đã được vinh danh là doanh nhân làm theo lời Bác năm 2014, nhiều lần được Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen.
Thanh Sơn - Cảnh Nam

Tin mới