"Gỡ khó" trong quy hoạch, đầu tư CCN ở Quỳnh Lưu

(Baonghean) - Sau khi chia tách huyện từ tháng 7/2013, Quỳnh Lưu không còn cụm công nghiệp (CCN), bởi trước đây việc quy hoạch các CCN đều ưu tiên phát triển về phía Bắc, nên sau khi chia tách địa giới hành chính đều thuộc về TX Hoàng Mai. Vì vậy, thời gian qua Quỳnh Lưu tập trung quy hoạch, phát triển Khu công nghiệp (KCN) và CCN, tuy nhiên lĩnh vực này đang gặp không ít khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Quỳnh Lưu là địa phương có điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng các KCN và CCN, nhưng rất khó triển khai tại các xã vùng đồng bằng vì vướng mắc đến điện tích đất sản xuất 2 lúa. Trước đây, Quỳnh Lưu cũng đã quy hoạch 2 CCN tại xã Quỳnh Giang (33 ha) và Quỳnh Hồng (hơn 30 ha), nhưng không thực hiện được do vướng phải diện tích sản xuất 2 lúa. 
Đất  sản xuất  2  lúa ở xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) khó đưa vào quy hoạch CCN.
Đất sản xuất 2 lúa ở xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) khó đưa vào quy hoạch CCN.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Trong quy hoạch CCN là sử dụng quỹ đất trống, đồi núi trọc hoặc trên đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, xa khu dân cư tập trung, có nguồn nước và thuận lợi cho việc thoát nước thải. Các CCN ưu tiên các nhà máy sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, xử lý chất thải an toàn trong nhà máy trước khi thải ra môi trường. Từ cơ sở đó, tại vùng bán sơn địa, huyện dự kiến quy hoạch 4 CCN tại địa bàn các xã: Quỳnh Châu, Tân Thắng, Ngọc Sơn và Quỳnh Hoa, ưu tiên ngành sản xuất VLXD và may mặc sử dụng nhiều lao động. Tại vùng ven biển quy hoạch 4 CCN Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ và Tiến Thủy, sẽ tập trung vào lĩnh vực chế biến hải sản, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền…”. Với định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển các KCN, CCN, thời gian qua Quỳnh Lưu phối hợp với với các cấp, ngành liên quan tổ chức khảo sát, quy hoạch các KCN và CNN tại các xã vùng bán sơn địa. Được biết, tuy đầu tư ở vùng này gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, cách xa trung tâm huyện, nhưng lại có lợi thế về đất đai rộng lớn, phù hợp với các ngành nghề sản xuất, chế biến công nghệ cao, dệt may, mỹ nghệ, VLXD… Hiện nay, huyện đã hợp đồng với Viện Quy hoạch & Thiết kế - Xây dựng Nghệ An khảo sát 3 CCN tại các xã: Quỳnh Châu rộng 70 ha, Tân Thắng 70 ha và Quỳnh Hoa.
Tuy nhiên, tại vị trí quy hoạch các CCN ở vùng bán sơn địa đã gặp phải những vấn đề bất cập và đứng trước nguy cơ khó thực hiện được do định hướng đầu tư chưa phù hợp. Ví như quy hoạch CCN Tân Thắng sẽ trở thành CCN phụ trợ cho ngành sản xuất xi măng (dự án nhà máy xi măng Tân Thắng và xi măng Hoàng Mai 2). Đây là 2 dự án sản xuất xi măng có quy mô lớn, công nghệ cao nhưng do đặc thù của ngành sản xuất xi măng, việc hình thành CCN phụ trợ phục vụ cho lĩnh vực này chưa cần thiết, hơn nữa tại địa bàn của xã Tân Thắng cùng đầu tư 2 nhà máy sản xuất xi măng và CCN sẽ tạo ra “áp lực” lớn về môi trường, lao động, an ninh trật tự… Vì vậy, mới đây các cấp, ngành liên quan sau khi khảo sát đã thống nhất chưa triển khai CCN phụ trợ cho ngành sản xuất xi măng mà điều chỉnh, chuyển hướng đầu tư phù hợp hơn. Hay tại quy hoạch CCN Quỳnh Hoa, ngành Giao thông – Vận tải có ý kiến đề nghị chưa đưa vào quy hoạch, vì căn cứ theo quy hoạch đã được phê duyệt thì tuyến đường bộ cao tốc từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi Bãi Vọt (Hà Tĩnh) sẽ đi qua địa phận xã Quỳnh Hoa, hiện nay đơn vị tư vấn đang trình phê duyệt dự án tại Bộ Giao thông – Vận tải và dự kiến sẽ triển khai thi công vào năm 2016. Mặt khác, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, vị trí hướng tuyến đã được xác định sẽ đi giữa 2 tuyến là Quốc lộ 1 và tuyến đường bộ cao tốc. 
Như vậy, quy hoạch 3 CCN ở vùng bán sơn địa của huyện Quỳnh Lưu chỉ có CCN Quỳnh Châu có lợi thế và các cấp, ngành liên quan cũng đã thống nhất được vị trí quy hoạch CCN Quỳnh Hoa. Ông Nguyễn Bỉnh Khảng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho hay: “Viện Quy hoạch & Thiết kế - Xây dựng Nghệ An đã về khảo sát tại địa phương, theo đó diện tích khảo sát CCN Quỳnh Châu là hơn 20 ha tại xóm 1 và 12. Đây là phần đất đã được giao cho người dân quản lý lâu dài (50 năm) và đất của Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu. Việc quy hoạch, đầu tư CCN là chủ trương lớn được người dân rất quan tâm, ủng hộ và chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động người dân tạo điều kiện thuận lợi trong việc GPMB thực hiện đầu tư CCN Quỳnh Châu”.
Trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư KCN và CCN tại Quỳnh Lưu hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm tạo ra bước đột phá về phát triển ngành CN – TTCN, các cấp, ngành liên quan ở huyện đang nỗ lực triển khai; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nhà đầu tư như: Cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn; hỗ trợ cùng doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư; miễn giảm thuế; giá thuê đất hợp lý; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CCN…
Hoàng Vĩnh

Tin mới