Xuất khẩu - Động lực góp phần ổn định kinh tế - xã hội

(Baonghean) - Bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về một số nội dung xoay quanh tình hình xuất khẩu, và Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020.

PV: Thưa bà, được biết trong những năm gần đây, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng. Cụ thể, Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong hoạt động xuất khẩu giai đoạn vừa qua?

Bà Võ Thị An: Phải khẳng định với sự tăng trưởng liên tục trên nhiều tiêu chí: kim ngạch, thị trường, mặt hàng, chủ thể tham gia,… xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực quan trọng gia tăng phát triển sản xuất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và đóng góp vào ngân sách tỉnh. Giá trị xuất khẩu năm 2015 của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đứng vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành của cả nước và xếp thứ 3 trong khu vực Bắc Trung bộ.

Về quy mô, năm vừa qua kim ngạch xuất khẩu đạt 705,1 triệu USD so với chỉ tiêu kế hoạch 550 triệu USD, vượt chỉ tiêu kế hoạch 28,2%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 463,2 triệu USD/chỉ tiêu kế hoạch 330 triệu USD.

Gian hàng của Nghệ An tại Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung Tây Nguyên 2016.
Gian hàng của Nghệ An tại Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung Tây Nguyên 2016.

Tốc độ tăng trưởng những năm qua cũng đạt mức bình quân 11,14%/năm, bên cạnh sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Tỷ lệ hàng thô, chưa qua chế biến giảm, tỷ lệ hàng công nghiệp, qua chế biến tăng cao, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Một kết quả đáng chú ý khác là thị trường xuất khẩu của tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm, tiếp tục được mở rộng. Cụ thể, đến năm 2015 các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất hàng đi 96 thị trường khu vực và quốc tế, với 2 thị trường đạt kim ngạch trên 50 triệu USD (Trung Quốc, Hàn Quốc), 9 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD, hàng chục thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD.

PV: Bên cạnh những “quả ngọt” đáng khích lệ nói trên, theo bà, xuất khẩu của Nghệ An còn có những tồn tại, hạn chế gì?

Bà Võ Thị An: Đặt trong bối cảnh chung ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng điều kiện sản xuất hàng hóa, năng lực cạnh tranh và hạ tầng phục vụ xuất khẩu của tỉnh còn khá nhiều hạn chế. Dù có bước chuyển tích cực, song quy mô hàng hóa xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tăng trưởng chưa cao, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người thấp so với mức bình quân chung của cả nước. 

Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có chuyển biến đáng ghi nhận nhưng tỷ lệ hàng nông, lâm, hải sản sơ chế còn cao, tỷ lệ hàng công nghiệp chế biến có giá trị lớn còn thấp, chủng loại hàng hóa đơn điệu, mặt hàng mới có kim ngạch cao còn ít. Đáng lo ngại, một số sản phẩm xuất khẩu truyền thống vốn là thế mạnh trước đây như lạc nhân, thủy, hải sản đông lạnh, súc sản chế biến,… thì kim ngạch lại ngày càng giảm, thậm chí không có tên trong danh mục hàng xuất khẩu nữa.

Định hướng 9 nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020: sản phẩm gỗ; sản phẩm nông, lâm sản, hoa quả chế biến; sản phẩm thủy, hải sản; sản phẩm khoáng sản chế biến, sản phẩm dệt, may; sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề; sản phẩm điện tử; sản phẩm đồ chơi trẻ em và hàng vật liệu xây dựng.

Sở cũng trăn trở nhiều khi thừa nhận nguồn hàng xuất khẩu của chúng ta còn nghèo nàn, cạnh tranh yếu, chất lượng nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, EU,... Thậm chí Nghệ An còn chưa có mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hoặc với thị phần không đáng kể trong danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (dầu thô, dệt may, giày dép, thủy, hải sản, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, gạo tẻ, cao su, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ). Bên cạnh những khó khăn kể trên, Nghệ An cũng đang tìm hiểu và lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng nhỏ (chỉ là 28,3% năm 2015) trong kim ngạch chung toàn tỉnh, trong khi ở quy mô toàn quốc con số này là 63%. 

PV: Giai đoạn 2016 - 2020 theo dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa quán tính tăng trưởng năm 2015, nền kinh tế thế giới có sự hồi phục tuy còn chậm. Trong bối cảnh như vậy, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, sở có kế hoạch gì cho thời gian tới? 

Bà Võ Thị An: Sở Công Thương đã xây dựng, hoàn thiện và đang trình UBND tỉnh đề nghị phê duyệt Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020”, làm kim chỉ nam để đưa xuất khẩu trở thành mũi nhọn của tỉnh. Mục tiêu tổng quát đặt ra là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường chế biến sâu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 850 - 900 triệu USD.

Trong và sau hội nghị, hoạt động kết nối doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tiếp tục được xúc tiến, hướng tới phát triển bền vững các thương hiệu Việt.
Trong và sau hội nghị, hoạt động kết nối doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tiếp tục được xúc tiến, hướng tới phát triển bền vững các thương hiệu Việt.

Từ nghiên cứu, phân tích và dự báo tình hình kinh tế quốc tế và trong nước, cùng với việc xem xét tiềm năng, tốc độ phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và nguồn lực phát triển kinh tế của tỉnh, sở đề xuất định hướng phát triển 9 nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020. 

Dĩ nhiên, để triển khai hiệu quả và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, nhất thiết phải chú trọng nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu tốt dựa vào quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, song song tích cực kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An. Đặc biệt trong kêu gọi đầu tư tỉnh cần ưu tiên các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sở sẽ dành nhiều ưu tiên cho hoạt động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội chợ quốc tế, kết nối giao thương tại các hội thảo, hội nghị, nhằm tăng cường mở rộng các thị trường. Ngoài ra, các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như trong doanh nghiệp, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho xuất khẩu sẽ là nhiệm vụ đặt ra đối với xuất khẩu của Nghệ An trong thời gian tới.

PV: Cảm ơn bà!

Phú Bình (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới