Tiêm phòng gia súc, gia cầm: "Nước đến chân mới nhảy"

(Baonghean) - Gần đây, Trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm. Các ổ dịch xẩy ra ở diện nhỏ, lẻ, cơ bản bước đầu đã được khống chế... Tuy nhiên,  hiện đang là giai đoạn chuyển mùa,  nguy cơ xảy ra các  dịch bệnh  khác như lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng… là rất lớn. Trong khi đó tỷ lệ  tiêm phòng cho tất cả các loại  bệnh trên gia súc, gia cầm  đang còn rất thấp.

Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm với hơn 765.000 con trâu bò, gần 1,1 triệu con lợn và khoảng 17 triệu con gia cầm. Tổng đàn lớn, trong điều kiện chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng còn thấp. Nhìn lại năm 2013, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 8 huyện, dịch tai xanh xảy ra ở 5 huyện, bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở 3 huyện thành, dịch lở mồm long móng (LMLM) type O xảy ra ở 3 huyện; dịch LMLM type A cũng đã xảy ra tại huyện Diễn Châu làm 12 con trâu bò bị tiêu hủy; tại Yên Thành dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 6 xã với 14.492 con gia cầm phải tiêu hủy...
Hàng năm, việc tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc chỉ được thực hiện tại các địa phương theo các chương trình, đề án như Chương trình Quốc gia khống chế bệnh LMLM, thực hiện từ năm 2011 - 2015 (tiêm cho đàn trâu bò), gồm 8 huyện: Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương; Đề án vành đai bò sữa (tiêm vắc xin LMLM cho đàn trâu bò, dê, lợn nái, lợn đực giống) cho các huyện Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, Nghi Lộc và TX Cửa Lò. Còn tại các huyện khác không được Nhà nước hỗ trợ vắc xin, người chăn nuôi còn thờ ơ, chưa có ý thức tự giác mua vắc xin LMLM để tiêm phòng. Đối với đàn gia cầm, được sự hỗ trợ từ Chương trình Quốc gia giai đoạn 2005- 2010, hàng năm Nghệ An tiêm từ 12-15 triệu liều vacxin H5N1 chủng R5 cho hầu hết đàn gia cầm trong diện tiêm được tiêm phòng vacxin. Qua đó dịch bệnh đã giảm đáng kể. Nhưng từ năm 2011 đến nay, Trung ương dừng việc cấp và tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đại trà, chỉ cấp vacxin tiêm chống dịch khi có dịch xảy ra.
Phun khử trùng tiêu độc cho gia súc vận chuyển qua địa bàn huyện Đô Lương.
Phun khử trùng tiêu độc cho gia súc vận chuyển qua địa bàn huyện Đô Lương.
Tiêm phòng vắc xin hiện vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2013 của Chi cục Thú y, với bệnh tụ huyết trùng trên đàn lợn, toàn tỉnh chỉ tiêm được 350.210 liều, đạt 22,9% trên tổng đàn; bệnh dịch tả lợn tiêm được 478.660 liều, đạt 31,3% trên tổng đàn; bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò tiêm được 687.889 liều đạt 55,9% trên tổng đàn... Nhiều địa phương tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, như huyện Quỳnh Lưu tiêm tụ huyết trùng cho trâu, bò chỉ đạt 26,31%, Tân Kỳ đạt 42,9%; với  bệnh dịch tả lợn Anh Sơn chỉ tiêm được 7.450 liều, đạt 8,2% trên tổng số hàng chục nghìn con lợn cần phải tiêm... Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp là do chính quyền một số địa phương và người dân còn chủ quan, lơ là, chưa tự giác phối hợp với ngành Thú y trong công tác tiêm phòng. Một bộ phận người chăn nuôi cho rằng chưa có dịch thì không cần tiêm, bao giờ có dịch mới tiêm vì thế việc tiêm phòng ở tình trạng "được chăng hay chớ", không đảm bảo quy định về số lần, liều lượng cũng như thời gian theo quy định.
Theo ông Trần Quốc Cường - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nghi Lộc: "Trong điều kiện nền chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, tiêm phòng đang được coi là một trong những biện pháp chủ lực, quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trừ những trang trại lớn, còn lại hầu hết những người dân chăn nuôi nhỏ vẫn đang có tư tưởng ỷ lại, với thói quen chỉ muốn được bao cấp nên việc tiêm phòng cho vật nuôi thường chỉ được tiêm vacxin khi dịch đã xảy ra, vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng không tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và thời điểm cần tiêm, dịch bệnh khi đã xuất hiện rất dễ lây lan ra diện rộng. Thậm chí, một số hộ dân còn nhận thức không đúng, cho rằng việc tiêm phòng ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, phát triển, sinh sản của đàn vật nuôi nên không tiêm, không thống kê đủ số lượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng.
Tổ chức chăn nuôi theo ý thức chủ quan của mình, không thực hiện nghiêm các quy trình phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, khi có gia súc, gia cầm ốm chết chưa rõ nguyên nhân còn dấu không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, bán chạy đàn vật nuôi ra thị trường. Riêng đối với dịch cúm gia cầm, khi tiêm phòng phải tiêm đúng chủng gây bệnh, phải phù hợp với tuýp, và người chăn nuôi phải mua vacxin theo nguồn đăng ký với thú y xã. Với tổng số khoảng gần 600.000 con gia cầm nuôi nhỏ lẻ trong dân thì một năm tiêm 2 vụ phải cần hơn 1 triệu liều vacxin, nhưng riêng năm 2013, trạm chỉ cung ứng được khoảng 4.000 liều. Và dù Nhà nước đã có quy định khi chăn nuôi từ 500 con gia cầm trở lên, người nuôi phải đăng ký với chính quyền cấp xã để theo dõi, quản lý công tác tiêm phòng, khi nhập hay xuất bán, nhưng trên thực tế các điạ phương hầu như không kiểm soát được và cũng chưa thực sự quan tâm".  
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Văn Minh - Phó Chi  cục Thú y tỉnh cho biết: Mặc dù vacxin cúm gia cầm không thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng, nhưng theo quy định tại Nghị định 40/CP, gia cầm nếu không được tiêm phòng, có nguy cơ làm lây lan dịch cúm gia cầm, nếu lấy mẫu xét nghiệm có virut cúm gia cầm sẽ bị phạt nặng khi bán chạy. Trước khi xuất bán gia cầm phải qua khâu kiểm dịch của cán bộ thú y, trường hợp vi phạm, chính quyền cấp xã có thể giữ lại, tiến hành xử phạt. Nhưng thực tế, khi người dân mua, bán hầu như chính quyền xã không nắm được, trừ khi các trang trại lớn xuất bán số lượng lớn mới buộc phải thực hiện các thủ tục kiểm dịch bắt buộc. Chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát cũng là một yếu tố quan trọng trong bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm, đặc biệt khi người chăn nuôi hiện vẫn chưa có ý thức trong chăn nuôi an toàn mà còn chăn nuôi theo kiểu thủ công, tận dụng, không áp dụng các biện pháp cần thiết như khử độc tiêu trùng môi trường, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng. Tình trạng vận chuyển, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, không khai báo đang phổ biến hiện nay vẫn chưa được kiểm soát. Đây cũng là một nguy cơ làm phát tán mầm bệnh ra diện rộng.
Thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi để các loại virut gây bệnh phát triển, cộng với việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ không được kiểm soát dẫn đến nguy cơ lớn để virut có thể biến đổi gen, tăng mức độ lây nhiễm sang người. Nếu chỉ có huyện, cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì chưa đủ, mấu chốt vẫn là sự vào cuộc tích cực từ chính quyền cơ sở và bản thân người chăn nuôi.  Đã đến lúc, các cấp, các ngành cần xây dựng một quy chế rõ ràng về việc tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Tin mới