Giúp hộ nghèo phát huy nguồn vốn vay

(Baonghean) - Thông qua các chương trình hỗ trợ vốn vay của các tổ chức tín dụng, các cấp, ngành liên quan, người dân vùng nông thôn, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Trước đây gia đình ông Đinh Hữu Sơn ở xóm 12, xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) thuộc diện khó khăn, thông qua Tổ tiết kiệm vay vốn xóm 12B, ông  được vay 50 triệu đồng mua 2 con bò phát triển chăn nuôi. Mới đây, bò đã sinh sản thêm 1 con nữa và tiền bán con bê đầu tiên được 11 triệu đồng, từ đó gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò và trồng rừng nguyên liệu tại vùng Bãi Trện. Ông Sơn vui mừng cho biết: “Hiện nay, gia đình đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại”. Gia đình chị Trần Thị Liên ở xã Nam Lĩnh cũng được vay 30 triệu đồng  từ Tổ tiết kiệm vay vốn  mua bò sinh sản, sau đó phát triển thành đàn và bán toàn bộ bò lấy tiền đầu tư cải tạo vườn tạp thành vườn chanh cho thu nhập cao… Tại xóm 12B, xã Nam Lĩnh, Tổ tiết kiệm vay vốn có 19 thành viên (dư nợ hiện nay là 268 triệu đồng) và thông qua các chương trình hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tập trung đầu tư chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng chanh, cây ăn quả đem lại giá trị cao.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Lĩnh cho biết: “Thông qua 7 tổ tiết kiệm vay vốn của hội đã thu hút 150 hội viên vay vốn (dư nợ là 3,8 tỷ đồng), đầu tư làm kinh tế, trong đó hội rất quan tâm đến các dự án khai thác lợi thế vùng đất đồi, trồng rừng, phát triển chăn nuôi; 30 hộ đã được vay 1,6 tỷ đồng tập trung đầu tư chăn nuôi bò và đến nay phát huy rất hiệu quả, nhiều hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên trở thành mô hình làm kinh tế giỏi, tạo thu nhập cao”. Dư nợ toàn xã Nam Lĩnh  đến nay đạt 12 tỷ đồng. Ông Hồ Văn Lý, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội Nam Đàn cho biết: “Để đáp ứng kịp nguồn vốn cho người dân xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm 2015, chúng tôi đã giải quyết nguồn vốn vay là 51.762 triệu đồng cho 350 khách hàng là hộ nghèo, 686 hộ cận nghèo, 54 hộ vay vốn giải quyết việc làm... Cùng với đó, ngành ngân hàng còn phối hợp với các tổ chức ủy thác gồm: Hội LHPN, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn ứng dụng KHKT vào  chăn nuôi, sản xuất, đồng thời kiểm tra việc sử dụng vốn vay, nên người dân đầu tư sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả”.
Gia đình ông Đinh Hữu Sơn, ở xóm 12, xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) thoát nghèo nhờ được vay vốn chăn nuôi bò.
Gia đình ông Đinh Hữu Sơn, ở xóm 12, xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) thoát nghèo nhờ được vay vốn chăn nuôi bò.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh, các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội được vay vốn thực hiện xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Diễn Châu hiện đã giải ngân 7.765 triệu đồng cho người dân các xã Diễn Vạn, Diễn Trung, Diễn Yên, Diễn Hồng, Diễn Thành, Diễn Ngọc, Diễn Hạnh, Diễn Đồng, Diễn Thái, Diễn Tháp… đầu tư chăn nuôi trâu, bò, kinh doanh, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai,  nguồn cung về vốn có lúc không đáp ứng đủ nhu cầu, bởi người dân trong độ tuổi  lao động của huyện còn nhiều. Ngân hàng đã có những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Lâm Quân, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội Diễn Châu cho hay: “Trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình giải quyết việc làm còn hạn chế, ngân hàng tranh thủ nguồn vốn giải quyết việc làm đã thu hồi về theo kỳ hạn, tổ chức quay vòng vốn cho người dân ở các xã có nhu cầu, đồng thời tham mưu UBND huyện ra quyết định giải ngân kịp thời tạo được cơ hội tốt cho người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, ngành Ngân hàng và huyện phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư gắn với việc cho vay giải quyết việc làm nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa vốn vay”.
Huyện miền núi Con Cuông trong 7 tháng qua cũng đã giải ngân 51 tỷ đồng cho 1.973 hộ nghèo và các gia đình chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 35 tỷ đồng, dư nợ còn 216 tỷ đồng với 11 ngàn hộ vay. Đáng chú ý 7 tháng đầu năm đã cho vay 13 tỷ đồng đối với 477 hộ cận nghèo. Huyện Anh Sơn doanh số cho vay 7 tháng: 54 tỷ đồng, với 1.973 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ 46 tỷ đồng, dư nợ đạt 340 tỷ đồng với 11,6 ngàn hộ vay.
Trong quá trình thực hiện đầu tư cho người dân vùng nông thôn vay vốn phát triển sản xuất, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể luôn quan tâm, tạo điều điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay. 7 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có trên 300.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác (thông qua 8.050 tổ tiết kiệm vay vốn của các tổ chức ủy thác) được tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền là 1.050 tỷ đồng (tổng dư nợ hiện 6.300 tỷ đồng). Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn đầu tư, ở tỉnh ta đã có nhiều hộ dân thoát nghèo, từng bước vươn lên khá, giàu. 
Do đặc thù các hộ nghèo, cận nghèo thiếu cả kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các huyện miền núi cao, vùng sâu, xa. Chính vì vậy, cùng với giải quyết vốn vay, cần gắn với việc chuyển giao KHKT, giúp đỡ phát huy nguồn vốn, từ đó thu hồi nợ hiệu quả. Đây chính là vấn đề cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương.
Hoàng Vĩnh

Tin mới