Phát triển kinh tế phải lấy người dân làm chủ thể

(Baonghean)Trong dân có đầy đủ hết mọi thứ, cái chính là phải biết cách huy động những thứ đó để phục vụ cho sự phát triển. Đó cũng chính là cách thức lấy sức dân làm lợi cho dân. 

Trong phát triển kinh tế, dù là của một quốc gia hay của một địa phương, người ta thường xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Để qua mỗi giai đoạn lại có sự xem xét, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời phù hợp tình hình thực tiễn cả ở trong nước và trên thế giới.

Ở nước ta, các kế hoạch đó thường trùng lặp với nhiệm kỳ 5 năm. Nếu là trung và dài hạn thì là vài ba nhiệm kỳ trở lên, tương đương với 10, 15 hoặc 20 năm. Nếu ngắn hạn thì là chẵn một nhiệm kỳ 5 năm. Như hiện tại, nước ta đang nỗ lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2015 - 2020.

Nhưng có một điểm chung, là các kế hoạch phát triển kinh tế, dù là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn nếu không có sự tham gia tích cực của đông đảo người dân thì rất khó mà đạt được mục đích đề ra. Cho nên, muốn kinh tế phát triển vừa nhanh, vừa bền vững thì nhất thiết phải lấy người dân làm chủ thể cho sự phát triển đó.

Và các chủ trương, cơ chế, chính sách này nọ... đều phải hướng tới mục tiêu là phục vụ người dân, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho người dân phát huy hết khả năng cả về trí tuệ lẫn tài chính của mình trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Vì sao phải làm như vậy? Như chúng ta vẫn thường nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đơn cử, cái khó nhất trong phát triển kinh tế ở một tỉnh nghèo như Nghệ An là thiếu tiềm lực tài chính. Ngân sách của tỉnh nhà dành cho việc này, so với nhu cầu phát triển không khác gì muối bỏ bể.

Nhưng tiềm lực trong dân không hề nhỏ. Cứ thử kiểm kê xem mỗi năm những người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở xa quê gửi về bao nhiêu tiền là biết. Như riêng huyện Thanh Chương, có năm, dòng tiền từ bên ngoài đổ về lên cả nghìn tỷ đồng.

Nếu làm cho dân tin tưởng, dốc hầu bao vào sản xuất, kinh doanh thì sẽ có thêm một nguồn lực không hề nhỏ. Ngân sách không thể nào bao hết mọi việc, mọi nhà được, nhưng nhà ai cũng đều nỗ lực thì sẽ tự lo được cho nhà mình.

Hơn nữa, sức lực, trí tuệ của người dân cũng là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Nếu thật tâm lấy người dân làm chủ thể cho sự phát triển thì sẽ huy động được nguồn lực trong dân cả về tiền bạc, trí tuệ lẫn sức lực. Trong dân có đầy đủ hết mọi thứ, cái chính là phải biết cách huy động những thứ đó để phục vụ cho sự phát triển. Đó cũng chính là cách thức lấy sức dân làm lợi cho dân. 

Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao và làm như thế nào để người dân nhận biết và phát huy được hết vai trò chủ thể của mình. Để làm được điều đó, phải biết nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Trăm nghe không bằng một thấy và trăm thấy không bằng một lần được thụ hưởng, thể hiện vai trò chủ thể. Vì thế, phải thật tâm đưa người dân tham gia vào việc bàn bạc, xây dựng, hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế ngay tại địa bàn người ta đang sinh sống.

Phải tôn trọng những ý kiến đóng góp của họ. Phải để họ được “tự do suy nghĩ trên luống cày của mình” để đi đến quyết định làm những gì có lợi nhất cho chính họ một cách hợp pháp, chính đáng.

Đi cùng với đó, đội ngũ các công bộc của dân phải thật tâm lo cho dân, không nhũng nhiễu, không đòi hỏi phải lót tay, phải có gì đó bôi trơn mới lọt khi thực hiện các thủ tục hành chính phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh của người dân... 

Cuối cùng, khi lấy người dân làm chủ thể cho sự phát triển kinh tế thì khi kinh tế có bước phát triển, người dân được thụ hưởng đồng đều; tránh được nghịch lý kinh tế tăng trưởng mạnh, nộp ngân sách nhiều nhưng thu nhập, cuộc sống của người dân không cải thiện được bao nhiêu vì không được tham gia nên không có phần trong sự tăng trưởng đó...

Duy Hương 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới