Muôn kiểu trục lợi bảo hiểm

Thiếu phụ tự thuê người chặt chân, tay để đòi khoản bồi thường khoảng 3,5 tỷ đồng vừa xảy ra tại Hà Nội chỉ là một trong nhiều vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện và xử lý hình sự những năm gần đây. 

Lần đầu tiên một vụ trục lợi bảo hiểm được phát hiện và xử lý hình sự là vào năm 2005 với trường hợp khách hàng của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm PJICO. Cụ thể, vào tháng 10/2002, Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền ký hợp đồng bán 16.000 kg tôm đông lạnh cho Công ty Taifun.

Tháng 11 năm đó, trên đường chuyển hàng từ TP HCM đến Đức, con tàu với khối lượng 15,8 tấn tôm trị giá 144.300 USD đã bị cháy khi đang đến cảng nước bạn. Ngay trong ngày, Công ty Việt Thái Phong của bà Phạm Hồng Thu (vợ giám đốc Công ty Taifun) làm hồ sơ, đến chi nhánh PJICO - Sài Gòn mua bảo hiểm cho lô hàng nhằm lấy tiền bồi thường (110% trị giá hàng, tương đương 224.928 USD). 

Quá trình đòi bảo hiểm diễn ra trong thời gian dài và cuối cùng, bà Thu đã thỏa thuận sẽ "lại quả" cho ông Trần Nghĩa Vinh, nguyên tổng giám đốc Pjico và Hồ Mạnh Quân (phó tổng giám đốc) nếu chấp thuận chi trả bảo hiểm (trị giá 3,8 tỷ đồng). Đúng như thỏa thuận, sau khi nhận tiền bồi thường, bà Thu đã đưa hối lộ 1,9 tỷ đồng cho Vinh và Quân.

Tuy nhiên, sau đó vụ việc bị phát hiện và xử lý hình sự, bà Thu bị tòa tuyên phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các nguyên lãnh đạo PJICO bị xử phạt 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn.

muon-kieu-dan-dung-de-truc-loi-bao-hiem

Cơ quan quản lý khẳng định có hàng nghìn vụ trục lợi bảo hiểm mỗi năm.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), những năm gần đây, trục lợi bảo hiểm xe cơ giới diễn ra thường xuyên nhất vì khó phát hiện. Một vụ việc khá ồn ào vừa được phát hiện năm ngoái sau khi có người làm đơn tố cáo. Cụ thể, từ cuối năm 2012, ông Bùi Minh Thắng, công tác tại Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hậu Giang đã lái chiếc Toyota Camry lao xuống sông trong lúc say xỉn. Để được chi tiền bảo hiểm xe, ông Thắng nhờ vợ gọi điện cho một người khác đến hiện trường “đóng thế” người đã lái chiếc xe trên nhằm hợp thức hóa hồ sơ bảo hiểm.

Sau đó, gia đình ông Thắng nhờ người này đứng ra nhận trách nhiệm cầm lái và gây ra vụ tai nạn để Công ty Bảo Việt Hậu Giang (thuộc Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt) phải bồi thường. Từ các hồ sơ trên, ông Bùi Hoàng Bào (bố ông Thắng và là chủ xe) được Công ty Bảo Việt Hậu Giang bồi thường gần 350 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 năm sau, người "đóng thế" viết đơn tố cáo hành vi trục lợi của ông Thắng. Hiện vụ việc đã được chuyển Viện kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét, giải quyết. 

Cũng theo AVI, trục lợi bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe cũng chiếm số lượng lớn, chỉ đứng sau sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ này còn cao hơn nhưng không thống kê được, một phần vì các công ty bảo hiểm ngại đưa sự việc ra công luận, một phần vì các hành vi ngày càng tinh vi. Tổng thiệt hại do trục lợi bảo hiểm liên quan đến con người, theo AVI, trong năm 2014 là 500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013.

Một khách hàng tên Trang ở Kiên Giang là chủ hợp đồng mua bảo hiểm từng khai con trai bị chết đuối và yêu cầu công ty chi trả bảo hiểm với số tiền lên đến hơn nửa tỷ đồng. Khách hàng mới tham gia bảo hiểm 3 tháng, hợp đồng mệnh giá lớn trên 500 triệu đồng. Cái chết của cháu bé có nhiều mâu thuẫn, khi thì khai bé chết ở Kiên Giang, lúc lại nói bé chết tại Đồng Tháp. 

Trục lợi bảo hiểm là hành vi cố tình gian dối, lừa đảo có thể có chủ ý ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm mà đáng lý người mua không được hưởng.

Khi xác minh, điều tra viên mới hay cậu con trai này thật ra là con của em trai ruột chị Trang. Do em trai đi tù, gia đình ly tán nên chị nhận làm con nuôi, khai tên cha mẹ bé là tên vợ chồng mình. Vừa tham gia hợp đồng được 3 tháng thì tới hè mẹ ruột xin đưa cháu về Cần Thơ nuôi và dự định sau đó sẽ cho đi học lớp 1 tại đây.

Tuy nhiên, chị Trang đã về quê chồng ở Đồng Tháp, dựng vụ việc và khai với công an bé về nhà nội chơi, vô tình lọt sông chết đuối và được cấp giấy báo tử. Tiếp đó, chị này về Kiên Giang làm giấy chứng tử rồi đắp một ngôi mộ đất nhỏ trong khu vườn của mình dựng hiện trường giả nhằm đòi bồi thường nửa tỷ đồng. 

Khách hàng tính toán đường đi nước bước rất kỹ, sắp xếp trước nhiều nước cờ. Chính quyền địa phương do mối quan hệ nên cũng hỗ trợ chị Trang trong việc cung cấp các giấy tờ như giấy khai tử, biên bản hiện trường đầy đủ chữ ký... Tuy nhiên, sau 3 tháng điều tra, khách hàng này phải thừa nhận đã dàn dựng vụ việc và làm đơn xin rút lại đơn yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm. 

Lãnh đạo của một công ty bảo hiểm cũng từng kể lại vụ gian lận bảo hiểm tại Vũng Tàu năm 2003-2004. Đơn vị này nhận được yêu cầu xử lý bồi thường của người nhà một người mua bảo hiểm đã mất, mà thời gian tử vong xảy ra sau đúng một tuần tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Sau đó, nhân viên công ty bảo hiểm đã đến tận nghĩa trang tìm đọc thông tin trên ngôi mộ để xác minh ngày giờ mất và phát hiện gia đình đã câu kết với chính quyền địa phương để đẩy lùi ngày làm giấy chứng tử, rồi tiến hành mua bảo hiểm cho người đã chết. 

Theo báo cáo của Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2007-2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3% mỗi năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng một năm. Đó là chưa tính đến những hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả. Có những doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn, số vụ trục lợi lên đến con số 2.000 vụ mỗi năm.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới