Kurt Campbell: Mũi nhọn châu Á thời Joe Biden

(Baonghean.vn) - Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden mới đây đã chỉ định nhà ngoại giao kỳ cựu Kurt Campbell đảm nhận một vị trí chưa từng có trong chính quyền, đó là “Điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” chuyên phụ trách khu vực châu Á. Động thái này được cho là nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ tại khu vực, đồng thời báo hiệu một “chính sách ngoại giao lớn” của chính quyền Joe Biden để cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc!

Kiến trúc sư “xoay trục”

Kurt Campbell là cái tên được nhắc đến khá nhiều giai đoạn cựu Tổng thống Barack Obama nắm quyền còn ông Joe Biden là Phó Tổng thống. Bộ 3 này đã bắt đầu tập trung “xoay trục” chính sách đối ngoại của Mỹ sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau này còn được gọi là chính sách “tái cân bằng khu vực châu Á”. Ông Campbell khi đó từng là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ông đóng một vai trò quan trọng nếu không muốn nói là đóng vai trò “kiến trúc sư chính” cho chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama khi đó.

Chính khách kỳ cựu Kurt Campbell được bổ nhiệm làm “Điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” dưới thời Joe Biden. Ảnh: Reuters
Chính khách kỳ cựu Kurt Campbell được bổ nhiệm làm “Điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” dưới thời Joe Biden. Ảnh: Reuters

Từng làm việc với ông Campbell, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Meera Shankar cho biết, chính ông Campbell là người đã tích cực thúc đẩy chiến lược này. Giai đoạn đó, Mỹ đã chuyển hoạt động hải quân từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và cả đối tác chiến lược là Ấn Độ. Nhìn lại từ những năm 1990, ông Campbell cũng từng được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ về châu Á. Trong vòng 2 năm, ông đã thúc đẩy và mở rộng liên minh Mỹ - Nhật cũng như thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa Washington và Tokyo.

Năm 2007, ông Campbell đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ Mới cùng với Michele Flournoy - nhân vật từng được cân nhắc đề cử cho vị trí Thư ký Quốc phòng cho Phó Tổng thống. Từ năm 2013 sau khi rời nhiệm sở, ông Campbell đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Asia Group - một công ty tư vấn do chính ông sáng lập. Cá nhân ông Campbell cũng có quan hệ thân thiết với Jake Sullivan - phụ tá thân thiết của bà Hillary Clinton khi còn là Ngoại trưởng.

Cuối năm 2019, hai nhân vật này đã cùng cho ra một bài viết với chủ đề “Cạnh tranh không có thảm họa: Làm sao để Mỹ có thể vừa thách thức vừa cùng tồn tại với Trung Quốc”. Quan điểm của hai nhân vật này cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đúng khi xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017. Tuy nhiên, ông Campbell và đồng nghiệp cho rằng, cuộc cạnh tranh này phải được diễn ra cùng với sự cảnh giác và khiêm tốn, đồng thời tuân thủ nguyên lý cùng tồn tại với Trung Quốc chứ không phải mục tiêu thay đổi được đối thủ. Theo giới quan sát, hai nhân vật này sẽ còn “tâm đầu ý hợp” khi ông Sullivan sắp tới cũng sẽ trở lại “đầu quân” cho chính quyền Joe Biden với vị trí Cố vấn an ninh quốc gia.

Quan hệ Mỹ - Trung là trọng tâm chính sách châu Á dưới thời ông Joe Biden. Ảnh: AP
Quan hệ Mỹ - Trung là trọng tâm chính sách châu Á dưới thời ông Joe Biden. Ảnh: AP

Bình cũ, rượu cũ?

Sinh năm 1957 tại California, Mỹ, ông Kurt Campbell đã tốt nghiệp Đại học Oxford, Đại học California San Diego và Cao đẳng St Cross. Ông Campbell là chính trị gia có tiếng trong khu vực với kinh nghiệm ngoại giao dày dặn. Cá nhân ông cũng có mối quan hệ tốt với các chính trị gia ở cả lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa. Điều này được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách về châu Á của chính quyền Mỹ sắp tới.

Một thực tế nữa là mặc dù phe Cộng hòa liên tục chỉ trích đội ngũ của ông Biden về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua, nhưng có thể nói, các chính sách về khu vực châu Á là vấn đề đạt được sự đồng thuận rộng rãi hiếm hoi trong Quốc hội từ thời ông Obama. Trong đó, đa số ý kiến cho rằng cần tăng cường quan hệ giữa Mỹ và đồng minh hay bảo vệ lĩnh vực công nghệ quan trọng trước các đối thủ từ Bắc Kinh... Vì thế, lựa chọn ông Kurt Campbell có thể nói là nước cờ chiến lược của ông Joe Biden để tìm kiếm một “cái gật đầu” từ lưỡng đảng đối với chiến lược châu Á, trong đó có ứng xử với Bắc Kinh thời gian tới.

Dù vậy, nhìn lại thời gian qua, ông Biden và nhóm tranh cử dường như đã bỏ qua thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, cũng giống như chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã không “đếm xỉa” đến bất cứ di sản nào của chính sách “xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama. Vì thế, nhiều ý kiến đang bày tỏ lo ngại về tương lai chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” dưới thời chính quyền Biden. Tuy nhiên, ông Biden trong không ít tuyên bố cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào sự “hiện diện” và “hiếu chiến” ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng với cách tiếp cận khác.

Ông Kurt Campbell từng xuất bản cuốn sách nhiều chú ý “The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia”. Ảnh: NCUSCR
Ông Kurt Campbell từng xuất bản cuốn sách nhiều chú ý “The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia”. Ảnh: NCUSCR

Trong khi đó, “cánh tay phải” Kurt Campbell về châu Á cũng đã từng được chú ý khi vạch ra cách tiếp cận châu Á trong cuốn sách có tên “The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia” hồi năm 2016. Trong đó, ông nhấn mạnh đến quan điểm Mỹ cần phải củng cố các liên minh đã có; đồng thời thắt chặt quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì thế, các đồng minh của Mỹ tại châu Á có thể yên tâm về “sự ưu tiên” mà chính quyền Joe Biden dành cho khu vực, khi tuyên bố bổ nhiệm nhân vật Kurt Campbell cho vị trí “Điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Thế nhưng, bài kiểm tra thực sự sắp tới là liệu ông Biden có dành đủ thời gian và nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa chiến lược từng đề cập trong cuốn “The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia” hay không!

Trong khi đó, quá nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đợi chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden và “cánh tay phải châu Á” Kurt Campbell. Đó là khối di sản của ông Donald Trump với cuộc chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết, là hệ quả khi Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quan hệ đồng minh lung lay khi Mỹ đe dọa rút quân khỏi Hàn Quốc... Nhiệm vụ tại châu Á của ông Campbell cũng càng khó khăn hơn trước các bước đi mới đây của Trung Quốc. Mới nhất là Bắc Kinh đã nhất trí với Liên minh châu Âu (EU) về một thỏa thuận đầu tư song phương nhiều kỳ vọng. Bước đi này càng làm trắc trở tiến trình thắt chặt quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương của chính quyền Joe Biden. Cũng có nghĩa, ông Campbell còn phải gánh trọng trách cân bằng và xử lý hài hòa cách tiếp cận của châu Âu với Trung Quốc và chính sách châu Á dưới thời Joe Biden.

Tin mới