Kỳ 1: Nghịch lý ở vùng khó

(Baonghean)- Tìm kiếm và bồi dưỡng được quần chúng ưu tú không là việc quá khó. Nhưng để những hạt nhân này có được động lực, tự nguyện phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng lại là bài toán khó của những vùng đặc thù.

Vì vậy, thời gian qua, việc triển khai Đề án 01 tại những “vùng khó” vẫn còn nhiều trăn trở đối với các cấp ủy Đảng. Nhất là khi nhiều thôn xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên, thậm chí nhiều nơi nguy cơ tái “trắng” chi bộ đảng. 

Tháng 8/2016, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Đề án 01 - ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với phát triển đảng viên mới, từng bước xóa “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên ở cơ sở.

Quá trình triển khai, thực hiện đề án gặp không ít khó khăn, rào cản. Để đề án đi vào cuộc sống, thực sự phát huy tác dụng là bài toán đang cần lời giải ở nhiều địa phương. 


Quần chúng tích cực tham gia phong trào đoàn thể

Đồng chí Hoàng Trung Thông - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phương (Nghi Lộc) cho hay: Nghi Phương có 16 xóm/8.300 nhân khẩu, trong đó có tới 54% người dân theo đạo thiên chúa (gồm 7 xóm giáo toàn tòng; 3 xóm lương xen giáo). 

Đến thời điểm này, ở Nghi Phương vẫn còn tới 6 xóm chưa có chi bộ; 2 xóm chưa có đảng viên. Ngay sau khi có Đề án 01, Đảng ủy xã đã tổ chức hội nghị “Diên Hồng” và đi đến quyết định thành lập các tổ công tác tăng cường xuống xóm 6 và xóm 15.

Đồng chí Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch MTTQ là tổ trưởng tổ công tác đặc biệt (gồm 3 người) được phân công về “bám trụ” cùng nhân dân tại xóm 6. Điều trăn trở nhất lúc đó là làm sao để tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi được nếp nghĩ, cách làm?…

Xóm 6 có 110 hộ/ 476 nhân khẩu, trước đây do không có chi bộ nên việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Ví như chủ trương huy động nhân dân làm đường, cán bộ thôn giải thích không thấu đáo dẫn đến bà con chưa thống nhất. Nhưng từ khi tổ công tác có mặt, người dân đều dần đồng thuận khi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng được giãi bày…

Hiểu được tâm niệm của bà con, đồng chí Công quyết định trực tiếp gặp Hội đồng mục vụ giáo xứ Mỹ Yên đề nghị được giúp đỡ. Việc đầu tiên là tiến hành làm sân bóng chuyền để người dân có nơi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ.

Tiếp đến là triển khai xã hội hóa xây dựng tường bao sân vận động, làm đường xóm. Được nhân dân tin tưởng, ủng hộ nên mọi việc thuận lợi, việc thực hiện các loại quỹ, phí những năm trước Nghi Phương chỉ đạt 30 - 40%; nay đạt tới 90%. 

Người dân xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) vui kéo co trong dịp lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hồ Hà
Người dân xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) vui kéo co trong dịp lễ Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hồ Hà

Tháng 8/2016, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Đề án 01 - ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với phát triển  đảng viên mới, từng bước xóa “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên ở cơ sở. Quá trình triển khai, thực hiện đề án gặp không ít khó khăn, rào cản. Để đề án đi vào cuộc sống, thực sự phát huy tác dụng là bài toán đang cần lời giải ở nhiều địa phương. 

Với cách làm tương tự, ở xã Nghi Văn, tại chi bộ xóm 16, trước đây đất nông nghiệp bị bỏ hoang, con em nghỉ học nhiều, bỏ vào Nam đi làm thuê, nhưng từ khi thành lập được chi bộ, dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của chi bộ, sự đoàn kết, cộng sự của các đoàn thể nên các phong trào phát triển.

Ông Ngô Văn Thế ở Chi bộ xóm 16, xã Nghi Văn cho biết, hiện xóm có 1 đội bóng đá nam thanh niên, thiếu niên, 1 đội bóng chuyền nữ, và phong trào văn nghệ rất sôi nổi...

Xóm Tân An, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) có 1.200 nhân khẩu, là xóm giáo toàn tòng, thuộc giáo xứ Phú Yên.

Xóm có kinh tế phát triển, người dân chủ yếu làm nghề khai thác hải sản trên biển, ra khơi bằng tàu lớn. Khi người dân tham gia sôi nổi vào các hoạt động cộng đồng, xã hội, các tổ chức đoàn thể tại xóm cũng hoạt động rất tốt: Hội Phụ nữ xóm quan tâm phát triển phong trào hội, vệ sinh xóm làng, tiếp nhận, giải quyết giấy tờ thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách xã hội cho hội viên.

Khi chi hội trưởng phụ nữ xóm xin nghỉ, lập tức các hội viên gặp xóm trưởng yêu cầu được kiện toàn lại chi hội và bầu người mới lên làm chi hội trưởng, không để gián đoạn hoạt động của chi hội. Hay như tháng 1/2017 vừa qua, xóm cũng đã ra mắt chi hội cựu chiến binh với 20 thành viên... 

Nhằm động viên phong trào cơ sở xã Nghi Phương, Đảng bộ các khối dân huyện Nghi Lộc tặng loa máy tại xóm 6. Ảnh: Hồ Hà
Nhằm động viên phong trào cơ sở  xã Nghi Phương, Đảng bộ các khối dân huyện Nghi Lộc tặng loa máy tại xóm 6. Ảnh: Hồ Hà

Ông Dương Hà Nam, xóm trưởng xóm Tân An chia sẻ: “Bản thân tôi hơn 10 năm qua được bà con tin tưởng bầu làm xóm trưởng liên tục, chịu trách nhiệm trong việc phổ biến những chính sách của Nhà nước dành cho nông dân, ngư dân trong phát triển kinh tế cũng như các hoạt động văn hóa cộng đồng. Điều tôi trăn trở nhất hiện nay là việc xây dựng nhà văn hóa xóm. Trước kia, nhà văn hóa cũ đã bị đập bỏ để chuyển đến khu vực mới rộng rãi, có mặt bằng trung tâm hơn, nhưng kinh phí xây dựng chưa có… Khi làm được nhà văn hóa, sẽ thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con, từ đó tăng cường mối đoàn kết, lối sống văn hóa xóm làng”. 

Khó khăn trong bồi dưỡng phát triển đảng viên mới 

Từ thực tiễn có thể nói, bà con rất cần các hội, đoàn thể và tích cực tham gia. Tuy nhiên, việc vận động, tìm kiếm quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp đảng vẫn hết sức khó khăn. Theo đồng chí Hồ Anh Dũng - Bí thư Đảng ủy xã An Hòa (Quỳnh Lưu):

Trong 10 năm gần đây, xóm vẫn chưa xây dựng được quần chúng ưu tú, chưa kết nạp được thêm đảng viên mới nào. Cá biệt có trường hợp một cô giáo mầm non đã là đảng viên, kết nạp đảng tại chi bộ trường học, nhưng sau khi lấy chồng về xóm Tân An, do áp lực từ gia đình và nhiều nguyên nhân khác, đã xin ra... 

Thời gian qua, xã cũng đã thành lập một chi bộ tăng cường về hoạt động tại xóm Tân An, nhưng hoạt động chưa có kết quả rõ rệt. Nguyên nhân phần lớn do quần chúng chưa mặn mà, chưa có động lực lớn để vào Đảng.

“Thực sự rất khó, xuất phát từ tín ngưỡng, tôn giáo của bà con nơi đây, chưa quan tâm, muốn phấn đấu vào Đảng. Hiện mặc dù 14/14 xóm của xã An Hòa đều có chi bộ Đảng, nhưng từ đầu năm đến nay, xã chưa kết nạp được thêm đảng viên mới nào” - đồng chí Hồ Anh Dũng cho biết.

Đơn cử như xóm trưởng xóm Tân An, mặc dù hết sức tích cực trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của xóm, và được bồi dưỡng trở thành quần chúng ưu tú, nhưng hiện vẫn chưa thể hiện rõ được quyết tâm phấn đấu vào Đảng. 

Một buổi sinh hoạt chi bộ tại xóm 8, xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.V
Một buổi sinh hoạt chi bộ tại xóm 8, xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.V

Tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc), thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy, xã thành lập được 1 chi bộ, phát triển thêm được 2 đảng viên mới ở 2 chi bộ. Ngoài ra, các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát hiện được 12 đoàn viên, hội viên là nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng trong thời gian tới…

Đến nay, toàn huyện Nghi Lộc vẫn còn 11 xóm chưa có chi bộ, 22 xóm chưa có đảng viên tại chỗ; 34 xóm thành lập chi bộ nhưng phải tăng cường đảng viên về sinh hoạt, trong đó có 12 chi bộ chưa có đảng viên tại chỗ và 4 xóm có nguy cơ không còn chi bộ.

Các xóm chưa có chi bộ đều là các xóm giáo toàn tòng, nhiều xóm vẫn chưa có nhà văn hóa để làm nơi sinh hoạt; chất lượng hoạt động của một số đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương cơ sở vùng giáo còn nhiều hạn chế. 

Đồng chí Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch MTTQ xã Nghi Phương cũng chia sẻ, khó khăn, trăn trở lớn nhất hiện nay là công tác phát triển thêm đảng viên mới vùng giáo, không còn cách nào khác là phải xốc lại các phong trào đoàn thể để phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân, bởi chỉ có những quần chúng ưu tú này mới có thể trở thành những cán bộ cốt cán đóng vai trò cầu nối giữa đạo với đời, giữa tổ chức đoàn - hội với chức sắc, chức việc và thanh niên giáo dân.

Quá trình để Đảng “bắt rễ” trong dân

Từ khi thực hiện Đề án 01, tại huyện Quỳnh Lưu đã thành lập mới 1 chi bộ tăng cường; kết nạp 5 đảng viên là người giáo; giảm 1 xóm chưa có chi bộ và giảm 1 xóm chưa có đảng viên. 

Hình ảnh đồng chí Bùi Huy Thắng, đảng viên tăng cường đã trở nên quen thuộc với người dân xóm 8, xã Quỳnh Yên. Ảnh: Hồ Hà
Hình ảnh đồng chí Bùi Huy Thắng, đảng viên tăng cường đã trở nên quen thuộc với người dân xóm 8, xã Quỳnh Yên. Ảnh: Hồ Hà

Là đảng viên lâu năm, có thời gian dài làm cán bộ tăng cường về xóm đặc thù, đồng chí Bùi Huy Thắng - Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) chia sẻ: Trước đây, các hoạt động của xóm không đều, nhận thức, tư tưởng của nhân dân hạn chế.

Hiểu biết của người dân về Đảng còn rất mơ hồ. Khi tôi cùng với các đồng chí khác về gây dựng chi bộ, người dân còn xa cách, dè dặt. Sau đó, mỗi lần họp chi bộ, chúng tôi đều mời đại diện các đoàn thể như hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên tham gia. Tại cuộc họp, nội dung tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đều có liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, về an ninh trật tự, môi trường. Dần dần, người dân có niềm tin và hưởng ứng các phong trào do chi bộ phát động.

“Tôi nhớ có lần dự đám cưới tại nhà ông Nguyễn Quế, ông đứng lên trân trọng giới thiệu có “chi bộ” về dự và đưa dâu. Lúc đó, chúng tôi xúc động lắm, cảm thấy mình đã gần với dân, sống được và có vị trí trong lòng dân” - đồng chí Thắng kể.

Ghi nhận đáng mừng nhất là xóm 8 cũng là đơn vị được xã giao trọng trách đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới; xóm đã hoàn thành 1.900m đường bê tông, rồi được chọn tiên phong xây dựng nhà văn hóa. 

Nói về công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò tổ chức đảng cơ sở ở địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Yên, cho hay: Xã có 5/12 xóm giáo chiếm 58% dân số của xã với 5132 nhân khẩu; có 20 chi bộ Đảng, trong đó có 5 chi bộ tăng cường.

Cán bộ, đảng viên phải cầm tay chỉ việc, phải quyết đoán đi đầu, nói là phải làm, bà con nhìn vào thấy hay, thấy tốt mới làm theo. Phải nói và làm để bà con thấy Đảng là tổ chức với những hoạt động chỉ làm lợi cho dân, phục vụ dân mà thôi. 

Thực tế cho thấy, mặc dù việc đào tạo bồi dưỡng tìm nguồn đảng viên mới còn khó khăn nhưng đây không phải là công việc vội vàng, Đảng cũng cần chọn người có uy tín, trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị đứng vào hàng ngũ... 

Như tại huyện Nghi Lộc, có 75 tổ chức cơ sở đảng với 10.106 đảng viên, trong đó đảng viên người công giáo có 118 người (chiếm 1,1%). Đồng chí Nguyễn Ngọc Biên - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc kiến nghị:

Cùng với nâng cao vai trò của chi bộ cơ sở, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thay đổi nhận thức, gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư để tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ tại địa phương… khi đó việc phát hiện, đào tạo bồi dưỡng quần chúng ưu tú thành đảng viên sẽ thuận lợi hơn.

Nhóm tác giả BTG

TIN LIÊN QUAN

Tin mới