Còn khoảng trống trong công tác 'xóa trắng'

Kỳ 2: Tìm giải pháp hiệu quả cho vùng cao

 Vì vậy, đòi hỏi thực tiễn phải làm sao để bản làng tự khởi sắc, tự tổ chức đời sống chính trị, xã hội, khi ấy mới thực sự phát triển bền vững; từ đó “xóa trắng” chi bộ Đảng một cách có chiều sâu, tránh hình thức.

>>>Kỳ1:Còn khoảng trống trong công tác 'xóa trắng'

Một góc bản Mông, Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn).
Một góc bản Mông, Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn).

Giải pháp đảng viên tăng cường 

Bản xa nhất của xã Tam Hợp (Tương Dương) là Huồi Sơn, nơi cụm dân cư người Mông sống trên núi cao Phuxailaileng; việc sản xuất, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể tệ nạn xã hội, kẻ xấu tìm cách xúi giục nhân dân làm những điều không tốt, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực biên giới. Cũng do địa hình xa xôi, phức tạp nên vài ba tháng Chi bộ Đảng bản Huồi Sơn mới họp một lần.

Trước tình hình đó, đảng viên Nguyễn Công Minh, cán bộ xã Tam Hợp đã được tăng cường về bản. Tốt nghiệp đại học nông nghiệp, nên người cán bộ trẻ này có rất nhiều ý tưởng, mô hình để hướng dẫn bà con áp dụng vào sản xuất như: cấy lúa nước, nuôi gà, nuôi trâu bò sinh sản.

Vững kinh tế, không lo cái đói, thì bà con người Mông mới ổn định, không di canh di cư nữa. Đồng chí Minh tâm sự: “Bản thân tôi cảm thấy những kiến thức đã học không hề uổng phí và có ý nghĩa”… Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp - đồng chí Vi Văn Toàn nhận xét: “Cán bộ trẻ tuổi, năng động như đồng chí Minh là người mà cơ sở vùng sâu, vùng xa đang thiếu, đang cần. Hết thời gian “nằm vùng”, đồng chí Minh đã được Đảng ủy xã đề xuất với cấp trên và quy hoạch bầu làm Chủ tịch UBND xã Tam Hợp”. 

Hiện, xã Tam Hợp cũng đã có nhiều khởi sắc. Bà con đã xuống núi, biết trồng lúa nước, biết chuyển đổi sang trồng nghệ, chanh leo, kinh tế ngày càng phát triển, tệ nạn xã hội dần được bài trừ, loại bỏ nhiều hủ tục. Trong xã, nhiều hộ đã mua được ti vi, sắm được xe máy, người dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để sâu sát chăm lo đời sống bà con, đồng thời củng cố an ninh chính trị ở vùng cao, khu vực biên giới, cấp ủy, chính quyền ở đây đã thiết lập mối quan hệ gắn bó mật thiết với lực lượng bộ đội biên phòng. 

Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến nguyên là sĩ quan biên phòng được cử về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang (Tương Dương), phụ trách địa bàn bản Tân Hương. Đây là bản người Thái với 58 hộ/ 254 nhân khẩu. Chi bộ thời điểm bản mới tách lập có 7 người, phương thức hoạt động còn hạn chế, nên việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Có sự am hiểu và gắn bó lâu năm với đồng bào vùng biên, cùng với bản lĩnh chính trị cao, “đảng viên tăng cường đặc biệt” Hồ Xuân Tuyến đã có nhiều đổi mới cách thức điều hành, đưa chi bộ đi vào sinh hoạt nề nếp, tạo sự đoàn kết và lan tỏa nhiều hoạt động sôi nổi.

Đồng chí Vi Văn Long - Bí thư Chi bộ Đảng bản Tân Hương chia sẻ: Năm 2017, chi bộ đã xây dựng được nhiều nghị quyết chuyên đề về củng cố an ninh trật tự, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giữ gìn vệ sinh môi trường. Nay các con đường trong bản đều thông thoáng, sạch sẽ. Phong trào văn hóa, văn nghệ sôi động hẳn, bà con luôn tin Đảng… Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã kết nạp được 3 đảng viên.

Có thể nói, đưa đảng viên tăng cường về chi bộ xóm, bản là một giải pháp hiệu quả để “xóa” chi bộ “trắng” ở vùng cao, vùng sâu. Nhưng xét cho cùng, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Chưa kể đến một số đảng viên tăng cường về sinh hoạt tại cơ sở cũng được chính người trong cuộc nhìn nhận “chưa phát huy, chưa tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền các giải pháp phát triển KT- XH, còn thụ động trong việc lãnh đạo, điều hành các hoạt động của chi bộ tại cơ sở” - đồng chí Lữ Văn May - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương nhận định.

Về lâu dài, các chi bộ đảng cũng không thể mãi trông chờ vào sự trợ giúp hoàn toàn của cấp trên. Khi cán bộ tăng cường rút về, liệu các chi bộ phải tự bằng sức của mình? Và làm sao để tiếp tục phát huy đời sống chính trị, kinh tế, xã hội bản làng? Để xây dựng đội ngũ kế cận tương lai?...

Sau 1 năm triển khai Đề án 01, huyện Tương Dương không còn thôn bản “trắng” chi bộ, không còn chi bộ ghép. Tại 3 bản có nguy cơ “tái trắng” chi bộ (bản Xoóng Con, xã Tam Thái; bản Thằm Thẩm và bản Huồi Măn, xã Nhôn Mai), năm 2016 đã kết nạp được 4 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 4 đồng chí/chi bộ; năm 2017 tiếp tục tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng được 2-3 người/chi bộ.

 Nuôi nguồn đảng viên tại chỗ 

Ông Loong Phò Biên là người dân tộc Khơ mú, ở bản Xốp Típ, xã Mường Ải (Kỳ Sơn). Trước đây, ông ở bản Cò Mì, tận trên đỉnh núi Keo Lum. “Khi Đảng và Nhà nước có chủ trương dời dân từ đỉnh núi xuống, tôi đã  xuống trước, và vận động bà con xuống theo. Xuống đây thuận lợi hơn nhiều, trẻ con được đi học đầy đủ, được dạy cách vệ sinh sạch sẽ. Bà con thì biết trồng lúa nước, biết nuôi con lợn, con bò để bán lấy tiền…” - già làng Lương Phò Biên cho hay.

Được biết, sau khi xuất ngũ, trở về làm cán bộ xã, đến tuổi nghỉ hưu ông Biên lại về làm Trưởng bản Xốp Típ. Bây giờ, ông xin nghỉ để cho người trẻ lên thay: “Phải để cho trẻ nó làm, nó phấn đấu, mình già rồi, chỉ nói điều mình biết thôi. Cần những người có trách nhiệm, đi học cái mới về để hướng dẫn cho bà con làm giàu!” - ông nói.

Già làng thường là người được dân bản rất tôn trọng ở mỗi bản làng. Bởi đó là người biết nhiều, có kinh nghiệm, đưa ra được lời khuyên cho bà con những lúc gặp khó khăn. Trên thực tế, số người có kinh nghiệm, kiến thức ở các bản làng đang dần dần được “trẻ hóa”, đó chính là các trưởng bản, các thanh niên có ý thức học tập, để trở về xây dựng quê hương. Đây là nguồn để bồi dưỡng quần chúng ưu tú, lựa chọn đưa vào hàng ngũ của Đảng. 

Khi đến bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), chúng tôi nghe loa phát thanh của bản phát hoàn toàn bằng tiếng Mông. Trưởng bản Vừ Bá Gianh (SN 1982) giải thích: “Bà con trong bản nhiều người không biết tiếng Kinh, nên phải phát thanh bằng tiếng Mông. Khó nhất mỗi lần đi họp về, có chỉ thị, hay các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, là phải mất hơn 1 ngày ngồi dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Mông, sau đó mới truyền lại cho bà con”. Sau khi học hết lớp 9, Vừ Bá Gianh  ở nhà làm nương rẫy, nhưng ngày ấy, anh là người nhiều chữ nhất bản, làm bí thư chi đoàn, phó bản kiêm công an viên, sau đó được bầu làm trưởng bản. 

Ông Vừ Vả Chống (SN 1960) ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ là một trong những hộ làm kinh tế giỏi. Ông Chống chia sẻ, thấy địa hình Huồi Tụ cao, quanh năm sương mù, nghĩ cây sa mu, pơ mu nó sống khỏe, ông đi mua giống về thử trồng thấy phát triển tốt. Hiện giờ, đồi chè của ông đã trồng xen được hơn 5.000 cây pơ mu, sa mu

Người đàn ông dân tộc Mông kiệm lời này cứ lẳng lặng làm việc chăm chỉ, như lấy hành động để làm minh chứng, bài học cho người khác. Hiện ở Huồi Tụ đã có nhiều hộ gia đình triển khai trồng cây pơmu, sa mu…  Ông Chống là Bí thư Chi bộ bản kiêm Trưởng công an xã, và từng được mời tham dự Hội nghị biểu dương Bí thư chi bộ thôn bản tiêu biểu toàn quốc.

Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Việc xóa “trắng” chi bộ đảng ở vùng cao Kỳ Sơn đang được các cấp ủy chính quyền quyết liệt thực hiện. Trên thực tế đã có hiệu quả, gần như trám được các chỗ trống. Nhưng kết quả đó mới chỉ dừng lại ở số lượng. Về chiều sâu chất lượng, cần phải quan tâm phát triển đội ngũ tại chỗ. Đối tượng chúng tôi hướng đến là những người già uy tín, những người trẻ có học, có nhiệt huyết, trở về làm việc tại xóm bản…”.

Đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương chia sẻ: “Điều căn cốt nhất là phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao về "tái trắng". Từ đó, giảm dần tình trạng người dân di cư đi làm ăn xa, tạo điều kiện để thanh niên ở lại xây dựng quê hương và chính họ là nguồn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng, trở thành nhân tố bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của tổ chức Đảng ở những vùng khó khăn, đặc thù.  

Nói về việc thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đối với cấp ủy, cần phải xác định việc triển khai, thực hiện Đề án  là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để bám sát cơ sở, tạo bước chuyển thực sự bền vững. Quá trình chỉ đạo phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội và củng cố hệ thống chính trị cơ sở nói chung ở các địa bàn; song song với phát triển đảng viên cần chú trọng tăng cường cán bộ biên phòng về sinh hoạt các chi bộ nhằm củng cố, xây dựng các chi bộ vững mạnh.

(Còn nữa)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới