Kỷ niệm 75 năm ngày mất nhà chí sỹ Phan Bội Châu

(Baonghean.vn) - Sáng 10/11, (tức ngày 29/9 Âm lịch), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 75 năm ngày mất của nhà chí sỹ Phan Bội Châu tại nhà Lưu niệm cụ ở huyện Nam Đàn.
Dự lễ có các đồng chí: Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đinh Thị Lệ Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Văn phòng UBND tỉnh, 1 số sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Nam Đàn, Ban giám hiệu các trường THPT Phan Bội Châu, Sào Nam, Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Hội Cựu học sinh trường THPT Phan Bội Châu.
123
Các đại biểu dự lễ tưởng niệm.
Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 trong một gia đình hàn nho tại làng Sa Nam, xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.  
Từ khi còn niên thiếu, những câu hò điệu ví đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh trong con người cậu Nho San. Cho đến khi đã là ông Đầu xứ San, “bảng một tên lừng lẫy chốn làng văn” thì tinh thần đấu tranh ấy lại càng sục sôi hơn và thôi thúc Phan Bội Châu “công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”. 
345
Nhà chí sỹ Phan Bội Châu ( 1867 - 1940). Ảnh : Internet
345
Nơi thờ tự cụ Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn.
Để tìm đường cứu nước, suốt gần 30 năm hoạt động với bao gian lao vất vả, bước chân Phan Bội Châu trải qua nhiều địa danh: khi ra Bắc vào Nam, Đông Kinh, Thượng Hải, Quế Việt,  khi ở Nhật Bản, lúc lại về Thái Lan… 
Với chủ trương cứu nước theo khuynh hướng bạo động, Phan Bội Châu đã thành lập Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội, rồi Việt Nam Quốc Dân Đảng nhằm tập hợp các lực lượng đấu tranh bằng vũ trang cách mạng và nhờ viện trợ của bên ngoài. 
Trong các phong trào ấy, để lại dấu ấn sâu sắc nhất là phong trào Đông Du. Tuy không thành công, nhưng phong trào đã tạo nền tảng cho những thay đổi của nước ta đầu thế kỷ XX; góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, và nhiều người sau này trở thành những yếu nhân của Cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Vương Thúc Oánh, Lâm Đức Thụ, Hồ Học Lãm, Nguyễn Đức Công, Nguyễn Thức Đường… 
Đặc biệt, đây là gạch nối quan trọng, mốc đánh dấu quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và cho đến nay phong trào Đông Du vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển đất nước.
567
Đồng chí Hồ Phúc Hợp và đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh dâng hương tưởng niệm cụ Phan. 
Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp giải về nước, đem xử ở tòa Đề hình Hà Nội, rồi đưa về an trí ở Huế. Khi đã là Ông Già Bến Ngự, Phan Bội Châu vẫn chan chứa biết bao nỗi niềm ưu ái, hy vọng, tin tưởng vào thế hệ trẻ, vào sự thành công của cách mạng. 
Sáng ngày 29/10/1940 tức ngày 29/9 năm Canh Thìn, Cụ trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự (Huế). 
Phan Bội Châu không chỉ là một nhà cách mạng, mà còn là một nhà thơ, nhà văn yêu nước, di sản thơ ca của Cụ để lại cho đời quả là một khối lượng khổng lồ với hàng nghìn trước tác, trên tất cả các thể loại: văn, thơ, phú, câu đối, văn bia, kịch bản tuồng,…góp phần tô thắm thêm cho vườn hoa văn học Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.  
Cả cuộc đời Phan Bội Châu đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc. Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, nhưng cuộc đời hoạt động của Cụ là một ngôi sao sáng trên bầu trời cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX./.
An Nhân

Tin mới