Kỷ niệm của vị Đại tá trong ngày tiến thẳng vào Sài Gòn

(Baonghean.vn) - Với Đại tá Nguyễn Sơn Văn, có hai kỷ niệm suốt đời không thể nào quên là khi về thăm gia đình sau trận bom gây cảnh tang thương và ngày tiến vào Sài Gòn trong mùa Xuân đại thắng.

Kìm nén nỗi đau tột cùng

Cũng như bao người lính khác, những ngày này Đại tá Nguyễn Sơn Văn (SN 1945) ở xã Diễn Hạnh (Diễn Châu) lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm thời binh nghiệp. Suốt ngày ông lần giở cuốn tài liệu của đơn vị cũ đọc lại từng dòng chữ, xem lại những bức ảnh năm nào để sống lại những năm tháng tuổi trẻ oanh liệt, hào hùng.

Sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng ông Văn đã cố gắng hoàn thành tập hồi ký “Sức mạnh hơn cả binh đoàn”, ghi lại những sự kiện đáng nhớ trong chuỗi ngày cầm súng. Ông chia sẻ: “Năm tháng ngày một lùi xa nhưng ký ức đau thương, hình ảnh người thân và đồng đội, diễn biến từng trận đánh lớn mình tham gia và niềm vui trong ngày toàn thắng vẫn luôn in đậm trong ký ức. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần giúp tôi vượt qua những khó khăn, vất vả giữa cuộc đời...”.

Đại tá Nguyễn Sơn Văn ôn lại kỷ niệm chiến trường qua những bức ảnh tư liệu. Ảnh: Công Kiên
Đại tá Nguyễn Sơn Văn ôn lại kỷ niệm chiến trường qua những bức ảnh tư liệu. Ảnh: Công Kiên

Theo lời Đại tá Nguyễn Sơn Văn, cuộc đời ông có hai kỷ niệm khắc sâu vào tâm khảm, trước tiên là kỷ niệm đau thương khi ở chiến trường nghe tin “sét đánh” ở chốn quê nhà. Đầu năm 1973, đang cùng đơn vị chuẩn bị cho những trận đánh lớn, sỹ quan trẻ Nguyễn Sơn Văn nhận được tin gia đình bị trúng bom trong một trận oanh tạc của không quân Mỹ.

Một quả bom rơi trúng hầm trú ẩn cướp đi mạng sống của 3 người thân là người bố, em trai và đứa con đầu lòng của mình. Mẹ và em trai bị thương nặng, vợ ông lúc ấy là cán bộ y tế xã cũng bị trúng mảnh bom trong lúc làm nhiệm vụ cứu thương. Sự việc xảy ra từ cuối năm 1972 nhưng lúc ấy ông đang là Tham mưu trưởng Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304), cùng đơn vị làm nhiệm vụ tái chiếm và chốt giữ cao điểm 367 ở Quảng Trị nên cấp trên quyết định chưa thông báo.

Từ chiến trường trở về, chứng kiến cảnh nhà cửa, làng mạc tan hoang, gia đình mỗi người sơ tán một nơi, người lính trận cố kìm nén nỗi đau, chôn chặt nỗi đau thương tận đáy lòng. Bởi hơn ai hết, ông Văn hiểu lúc này mình là chỗ dựa tinh thần của gia đình, họ mạc nên phải thật sự vững vàng, thể hiện quyết tâm báo thù nhà, đền nợ nước.

Ảnh tư liệu
Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Sơn Văn (thứ 3, phải sang) trong lần tiếp đón đồng chí Phi-đen Cat-xtơ-rô tại Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Mấy ngày về phép, người lính ra bãi sông Bùng gánh bùn đất về trộn cùng rơm rạ, đi xin từng cây tre về dựng cho vợ ngôi nhà nhỏ để có chỗ tránh nắng, che mưa.

Một lúc bị mất 3 người ruột thịt, nhất là con trai mới mấy tuổi đầu bị bom vùi lấp, vết thương của mẹ và vợ chưa lành, nỗi tủi hận trào dâng như con sóng. Điều ấy thúc dục người sỹ quan trẻ nhanh chóng hoàn thành công việc, thu xếp hành trang trở lại chiến trường, tiếp tục những trận chiến một mất, một còn với kẻ địch.

Trước lúc lên đường, người lính chiến nắm tay vợ dặn dò: “Anh cảm nhận ngày chiến thắng đang đến gần, em ở nhà cố gắng công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ và dành thời gian chăm sóc mẹ. Nhất định anh sẽ trở về sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất hai miền”.

Ngày vui thống nhất non sông

Trở lại chiến trường, Nguyễn Sơn Văn được giao làm Trung đoàn phó Trung đoàn 9, tiếp tục chiến đấu tại Quảng trị. Tại đây, trung đoàn vinh dự được đồng chí Phi-đen Cat-xtơ-rô – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước CHND Cu Ba tới thăm và động viên. Đến nay, ông vẫn giữ được bức ảnh chụp cùng đồng chí Phi-đen Cat-xtơ-rô ở chiến trường.

Sau đó, ông cùng đơn vị tiến vào mặt trận Quảng – Đà, bao vây và đánh chiếm căn cứ Thượng Đức. Qua mấy tháng giằng co với 3 đợt tiến công, quân ta mới giành được thắng lợi. Lúc này, ông Văn được giao Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, tiếp tục ở lại Thượng Đức chốt giữ cao điểm 1062.

Ảnh tư liệu
Quyền Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Sơn Văn (thứ 3, phải sang) bàn kế hoạch tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Đại tá Nguyễn Sơn Văn kể tiếp: “Ngày 26/3/1975, đang chốt giữ ở Thượng Đức, chúng tôi nhận được lệnh hành quân ra đường 14, tìm đường tiến về Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Toàn bộ trung đoàn bừng bừng khí thế, không kể hành quân và chiến đấu không kể ngày đêm khiến kẻ thù bỏ chạy tán loạn. Hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng, đơn vị chốt giữ tại địa điểm huấn luận của Sư 3 Ngụy quân”.

Giữa tháng 4, theo mệnh lệnh của chỉ huy Quân đoàn 2, Trung đoàn 66 hành quân vào giải phóng Sài Gòn, dọc đường đi phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu giải phóng các tỉnh dọc miền duyên hải và Đông Nam Bộ. Ngày 26/4, Trung đoàn 66 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh theo hướng tiến công từ cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn. Đây là hướng địch tổ chức phòng ngự chặt chẽ và kháng cự mạnh, gây cho chúng ta không ít khó khăn.

Ảnh tư liệu
Niềm vui của bộ đội giải phóng và nhân dân Sài Gòn trong giờ phút chiến thắng (30/4/1975). Ảnh tư liệu

11h30 ngày 30/4, Sở chỉ huy Trung đoàn 66 của Nguyễn Sơn Văn tiến đến trước cửa Dinh Độc Lập, phối hợp cùng với các đơn vị khác bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch.

“Giờ phút ấy, không riêng gì bản thân tôi, mà toàn thể mọi người đều vui sướng, mừng vui đến phát khóc. Vui sướng vì nhiệm vụ đã hoàn thành, khóc vì nhớ thương những đồng đội đã nằm lại khắp các chiến trường”.

Đại tá Nguyễn Sơn Văn

Đặc biệt, chứng kiến cảnh người dân Sài Gòn cầm cờ, hoa tràn ra khắp các ngả đường hò reo và vẫy chào bộ đội giải phóng, những người lính ngỡ như đang ở trong giấc mơ. Lúc này, người sỹ quan đất Nghệ chợt nhớ về quê hương, gia đình, nhớ những người thân yêu bị bom Mỹ vùi lấp, những dòng nước mắt lại tuôn rơi...

Ảnh tư liệu
Nhân dân Sài Gòn vẫy cờ, hoa đón chào bộ đội giải phóng. Ảnh tư liệu

Đây là kỷ niệm đáng nhớ thứ hai trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Nguyễn Sơn Văn, bởi không phải người lính nào, đơn vị nào cũng được tiến vào giải phóng nội thành Sài Gòn, để đến với chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến, được chứng kiến phút giây huy hoàng của lịch sử, chứng kiến niềm vui trong ngày thống nhất non sông

Ông Nguyễn Sơn Văn cho biết: “Sau ngày giải phóng miền Nam, đơn vị chúng tôi lại hành quân lên Tây Nguyên dẹp loạn Phun-rô, giữ yên vùng đất chiến lược. Tôi được cử  đi học lớp đào tạo sỹ quan cao cấp và trải qua các chức vụ: Sư đoàn phó Sư đoàn 325, Hiệu trưởng Trường Quân chính, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 306 và Tham mưu phó Quân đoàn 2, về nghỉ hưu ở quê nhà từ năm 1993”.

Tin mới