Kỳ Sơn tuyên truyền phòng, chống và giám sát ngăn chặn mua bán bào thai

(Baonghean.vn) - Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người, mua bán bào thai, mua bán trẻ sơ sinh, thời gian gần đây, lực lượng Công an huyện Kỳ Sơn tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân ở các bản làng, nhất là đồng bào dân tộc Khơ Mú, nơi có nhiều phụ nữ sang Trung Quốc bán bào thai.
Huyện vùng cao Kỳ Sơn, hiện có hơn 7.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Mông và Khơ Mú, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về pháp luật còn hạn chế, còn nhiều tập tục lạc hậu, tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều.
Tại 26 điểm bản tổ chức tuyên truyền lực lượng chức năng đã cho các hộ dân ký cam kết. Ảnh: Lữ Phú
Tại 26 điểm bản, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về mua bán người, mua bán bào thai và các vi phạm khác. Ảnh: Lữ Phú
Đây là một trong những yếu tố mà các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng thường lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn xuất hiện tình trạng mua bán bào thai.
Như Baonghean.vn từng phản ánh, thủ đoạn của loại tội phạm này là chúng thường tìm đến những người phụ nữ dân tộc, chủ yếu là người Khơ Mú, đang có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8. Sau đó, các đối tượng dẫn thai phụ sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau khi những người này sinh con xong, đứa trẻ sẽ bị bán. Bé trai được bán với giá 40 - 50 triệu đồng, bé gái thì bán với giá cao hơn, từ 80 triệu đồng trở lên.
Hầu hết các chị em có hành vi bán con là do nhận thức, không biết chữ nên dễ bị lợi dụng
Hầu hết các chị em có hành vi bán con là do nhận thức, không biết chữ nên dễ bị lợi dụng. Ảnh: Lữ Phú
Theo ông Hà Văn Thái - Trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho biết, hiện trên địa bàn xã đã phát hiện 21 phụ nữ đã từng sang Trung Quốc bán con trong bụng. Nguyên nhân đều xuất phát do đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, hai là do vỡ kế hoạch, sinh nhiều con, thứ 3 là còn hạn chế về việc mang thai bán sang trung quốc là vi phạm, vì vậy khi một người đi trót lọt thì kéo theo nhiều người trong bản đi theo.
Chị Moong Thị Oanh, sinh năm 1985, ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, cho biết: Do cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhà đông con, lại đúng vào thời gian gia đình chị cần một khoản tiền để chữa trị bệnh cho chồng, nên vào tháng 3/2017, nghe qua lời giới thiệu của một người em gái ruột, chị Oanh và nhiều phụ nữ khác trong bản đã đi sang biên kia Trung Quốc, bán đứa con vừa lọt lòng cho những kẻ buôn người.
Qua các buổi tuyên truyền đã thu hút hơn 1.700 lượt người dân tham gia
Các buổi tuyên truyền đã thu hút hơn 1.700 lượt người dân tham gia. Ảnh: Lữ Phú
Do luật pháp chưa quy định các hình thức xử phạt về tội phạm mua bán bào thai nên quá trình điều tra, xử lý vô cùng khó khăn. Hơn nữa, sự việc xảy ra ở địa bàn Trung Quốc. Đây là điều bất cập rất lớn mà lực lượng chức năng đang cố gắng tìm cách để ngăn chặn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn tình trạng mua bán người, mua bán bào thai, nâng cao nhận thức cho người dân, không tiếp tay và tránh xa được cạm bẫy của loại tội phạm mua bán người kiểu mới, Công an huyện Kỳ Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các bản làng, ở các xã trọng điểm về tội phạm mua bán người, các xã có số lượng phụ nữ sang Trung Quốc bán bào thai, bán trẻ sơ sinh nhiều của huyện như Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Bảo Nam, Bảo Thắng, Phà Đánh và Bắc Lý.
Theo Trung tá Lô Văn Thao - Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: "Là lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, trong hơn 2 tuần gần đây, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở 26 bản làng thuộc 8 xã, vùng đồng bào Khơ Mú sinh sống. Chúng tôi cũng vận động các trường hợp đã từng đi sinh con và bán con tại Trung quốc, cả vợ, cả chồng tiến hành ký cam kết không tái diễn, qua đó cũng tiếp tục rà soát các điểm bản đã tuyên truyền, để có những danh sách những người mẹ đang mang thai để họ cam kết sẽ không thực hiện việc bán con".
Công an huyện Kỳ Sơn cũng thực hiện giám sát 25 người dân đã từng có hành vi mua bán bào thai, tránh tình trạng họ tiếp tục sử dụng thủ đoạn này để mưu sinh.

Tin mới