“Kỳ tích” thoát nghèo của làng chài sau 6 năm lên bờ tái định cư

(Baonghean.vn)- Từ chỗ là những hộ "nghèo truyền thống", sau 6 năm lên bờ tái định cư, các hộ dân ở làng chài Tân Lam, xã Nam Lộc (Nam Đàn - Nghệ An) đều đã thoát nghèo.
Làng chài Tân Lam, xã Nam Lộc nằm gần sông Lam. Dưới bến, có hàng chục chiếc thuyền nằm nghiêng nghiêng sát vào nhau, quây quần nơi một bến đỗ. Ảnh: Trung Hà
Làng chài Tân Lam, xã Nam Lộc  nằm gần sông Lam. Dưới bến, có hàng chục chiếc thuyền nằm nghiêng nghiêng sát vào nhau, quây quần nơi một bến đỗ. Ảnh: Trung Hà

Dẫn chúng tôi đi trên những tuyến đường bê tông thẳng tắp, ông Nguyễn Văn Ninh – người được UBND xã Nam Lộc (Nam Đàn) giao quản lý làng chài Tân Lam cho biết: “Dự án tái định cư làng chài Tân Lam được triển khai từ năm 2007, đến tháng 6/2012, có 53 hộ dân đã được nhận đất với diện tích từ 260 – 300 m2 cùng 10 triệu đồng hỗ trợ xây nhà”.

Cũng theo lời ông Ninh, làng chài Tân Lam có 64 hộ, trong đó có 53 hộ được cấp đất. Những hộ còn lại không được cấp do đã mua đất trước khi triển khai dự án tái định cư hoặc do tách hộ muộn, khi dự án đã được triển khai.
“Kỳ tích” thoát nghèo của làng chài sau 6 năm lên bờ tái định cư ảnh 2 “Kỳ tích” thoát nghèo của làng chài sau 6 năm lên bờ tái định cư ảnh 3
Làng chài Tân Lam trước đây là dày thuyền xập xệ bên sông Lam đoạn qua huyện Nam Đàn, nay là dãy nhà xây khang trang, đường bê tông về tận ngõ. Ảnh: Laodong/Diệp Phương.
Từ một khu đất trống, sau khi nhận đất tái định cư, bà con dần xây cất nhà mới khang trang. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và các nguồn xã hội hóa, khu vực tái định cư dần đổi thay từng ngày. Làng tái định cư trở thành niềm tự hào của người dân làng chài vốn nhiều đời trôi nổi trên sông nước. Bà con đã và đang dần “an cư” để “lạc nghiệp”.

Trong ngôi nhà nhỏ của mình, chị Nguyễn Thị Hường (SN 1979) chia sẻ: “Từ ngày được lên bờ, có đất dựng nhà, không phải sống cảnh lênh đênh trên sông nước nên gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Từ đường sá, trường trạm, con cái học hành đều thuận tiện, vợ chồng tôi có 4 con đều đang đi học, đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi, năm nào cũng được nhận giấy khen”.

“Kỳ tích” thoát nghèo của làng chài sau 6 năm lên bờ tái định cư ảnh 4 “Kỳ tích” thoát nghèo của làng chài sau 6 năm lên bờ tái định cư ảnh 5
 Trước đây, cư dân làng chài quanh năm sông nước, sống tạm bợ trên thuyền thì nay, người dân đã xây cất nhà khang trang. Ảnh: Ngọc Anh/Diệp Phương.
Cách đó không xa là ngôi nhà khang trang, có vườn rau xanh mơn mởn, có chuồng gà được vây thép, chủ nhân là bà Nguyễn Thị Đường (SN 1969). Bà Đường nhớ lại: “Suốt một thời gian dài tôi cứ tưởng mình đang mơ, lênh đênh gần trọn đời người trên sông nước không dám nghĩ khi cuối đời lại có được ngôi nhà khang trang, cuộc sống ổn định như thế này. Giờ đây không còn phải thấp thỏm lo âu những ngày bão lũ…”.

Cuộc sống mưu sinh vất vả, thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm từ lũ lụt nên từ khi được lên bờ định cư, được cấp số vốn làm ăn nên người dân làng chài Tân Lam rất trân trọng và sử dụng những đồng tiền đúng mục đích để mang lại hiệu quả kinh tế. Những con người nghị lực và chăm chỉ qua thời gian đã và đang xây dựng nên một “làng chài trên cạn” với sự tươi mới, văn minh và đầy nghĩa tình.

“Kỳ tích” thoát nghèo của làng chài sau 6 năm lên bờ tái định cư ảnh 6 “Kỳ tích” thoát nghèo của làng chài sau 6 năm lên bờ tái định cư ảnh 7
 Trước đây, các em nhỏ của làng chài quanh năm suốt tháng sinh sống, học chữ trên những con thuyền nhỏ. Từ ngày lên bờ định cư, con cái cư dân làng chài Tâm Lam được học hành thuận tiện hơn. Ảnh: Dantri/Diệp Phương.
Với giúp đỡ từ các cấp chính quyền, sau 6 năm triển khai thực hiện dự án, đến nay điều đáng mừng nhất là 100% hộ gia đình của làng chài Tân Lam đã thoát nghèo, thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/tháng, thực sự đây là một “kỳ tích”.
Đa số người dân vẫn theo nghề sông nước, một số hộ làm nghề khai thác cát sỏi và khá đông con em trong làng đang xuất khẩu lao động, mang về nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình.
Toàn bộ cư dân làng chài Tân Lam là giáo dân thuộc Giáo xứ Vạn Lộc. Cùng với sự đổi thay, khởi sắc của cuộc sống, bà con luôn nhắc nhở nhau sống tốt đời đẹp đạo, "Kính Chúa, yêu nước", xây dựng quê hương, làng xóm ngày càng giàu mạnh.

Ông Nguyễn Cảnh Lộc – Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho biết: “Sau khi dự án được triển khai thực hiện, để cư dân làng chài sớm ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, tạo điều kiện cho con em xuất khẩu lao động, vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Đồng thời, khích lệ, động viên bà con vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, từng bước xây dựng đời sống văn minh”.

Tin mới