Ký ức đặc biệt về Tết Độc lập của những người từng đi qua cuộc chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ngày Quốc khánh 2/9 luôn mang ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam, nên còn được gọi là Tết Độc lập. Tết Độc lập luôn là kỷ niệm đáng nhớ, có những kỷ niệm theo suốt đường đời của mỗi người. PV Báo Nghệ An ghi lại những dòng ký ức đặc biệt về Tết Độc lập của những người từng đi qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ông Bùi Đôn - cán bộ tiền khởi nghĩa, xã Thạch Sơn (Anh Sơn)

“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Lãng Điền, tức xã Thạch Sơn (Anh Sơn) ngày nay. Năm nay tôi đã hơn 95 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, cuộc đời đã trải qua nhiều thăng trầm, buồn vui nhưng tôi không thể quên niềm vui ngày 2/9/1945, ngày đất nước ta chính thức tuyên bố độc lập, Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày đó, khắp các thôn xóm đều treo cờ đỏ sao vàng, đồng bào tạm gác lại công việc để cùng reo vui, ăn mừng ngày Độc lập…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Trước đó, người dân khắp nơi đều sống trong đói khổ, bần hàn, nhiều người không có cái ăn và lâm vào cảnh chết đói. Nhân dân căm thù thực dân Pháp, phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai. Vì thế, khi Việt Minh phát lệnh tổng khởi nghĩa, tất cả cùng nhất tề vùng dậy, gia nhập đoàn biểu tình, tham gia đấu tranh giành chính quyền về tay cách mạng.

Lúc bấy giờ, tôi là một thanh niên đã được giác ngộ lý tưởng cách mạng, được tổ chức Việt Minh phân công vào hàng ngũ Tự vệ đỏ. Đao kiếm trong tay, chúng tôi dẫn đầu đoàn biểu tình vùng Lãng Điền xuống phủ lỵ Anh Sơn để đấu tranh với bọn phát xít Nhật và cường hào phong kiến.

Ảnh: Công Kiên

Ảnh: Công Kiên

Sau đó trở về, đến đêm 22/8/1945, đội tự vệ tiến vào đồn Kim Nhan (xã Phúc Sơn ngày nay) để tham gia đấu tranh và bảo vệ quần chúng cách mạng. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn lính Nhật khiếp sợ phải hạ vũ khí đầu hàng.

Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tôi cùng các thành viên Đội Tự vệ đỏ được giao nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ và xử lý các tình huống bất trắc.

Đến đâu cũng được chứng kiến không khí vui mừng, vui hơn cả ngày Tết cổ truyền vì từ đây sẽ xóa kiếp đời nô lệ, sống cuộc đời tự do và cuộc sống tốt đẹp đang đón chờ…”.

Đại tá Hồ Hữu Lạn - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4

“Cuộc đời tôi có hơn 40 năm binh nghiệp, trong đó 12 năm liên tục ở chiến trường miền Nam. Nay đã bước sang tuổi 82, tôi vẫn nhớ như in những lần đón Tết Độc lập giữa chiến trường ác liệt, nhất là dịp Tết Độc lập năm 1969.

Năm đó, đơn vị chúng tôi hoạt động ở vùng rừng núi phía Tây Thừa Thiên, trong điều kiện vô cùng gian khổ và ác liệt. Tuy vậy, anh em đơn vị vẫn quyết tâm tổ chức đón Tết Độc lập tươm tất hơn ngày thường bằng cách góp lương khô và đường để nấu cháo, cùng nhau vào rừng kiếm thêm rau, măng để cải thiện bữa ăn và không khí thêm vui vẻ, lạc quan.

Ảnh: Công Kiên

Ảnh: Công Kiên

Nhưng rồi, hôm sau nhận được tin Bác Hồ qua đời, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều đau buồn vô hạn. Có người khóc thành tiếng, có người cố giấu đi những giọt nước mắt, ai cũng đau xót, nhớ thương.

Dường như đất trời, núi rừng cũng thấu hiểu lòng người nên đổ mưa sầm sập, như cùng khóc than, tiễn biệt vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu về với thế giới người hiền. Đúng như câu thơ Tố Hữu đã viết: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Đơn vị chúng tôi được lệnh lập bàn thờ để tưởng nhớ và làm lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt và thiếu thốn đủ bề nhưng anh em trong đơn vị đã cố gắng lập bàn thờ trang trọng nhất, thể hiện tấm lòng thành kính và tiếc thương vô hạn.

Những ngày ấy, cán bộ và chiến sĩ đơn vị đều mang nặng tâm tư và bao nỗi lo lắng, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa hoàn thành, Bác Hồ đã ra đi…

Nhưng rồi, được sự động viên của cấp trên rằng Bác mất nhưng còn có Bộ Chính trị, có những học trò xuất sắc của Bác lãnh đạo nên cuộc kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi. Điều đó đã củng cố quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, thực hiện lời căn dặn và ý nguyện của Bác lúc sinh thời…”.

Ông Nguyễn Hữu Châu - Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tỉnh Nghệ An

“Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi cùng đơn vị chiến đấu ở Quảng Trị. Năm 1970, trong một trận chiến đấu ác liệt, tôi bị thương và không may bị địch bắt, đưa về Đông Hà, rồi Đà Nẵng để xét hỏi.

Không khai thác được tin tức, địch đưa tôi ra giam giữ ở nhà tù Phú Quốc, nơi được xem là “địa ngục trần gian”. Tôi đã đón 3 cái Tết Độc lập ở chốn trùng khơi đày ải, nơi thử thách tinh thần và bản lĩnh những người lính cộng sản.

Ở chốn ngục tù đế quốc, vào các ngày lễ, Tết và kỷ niệm thành lập Đảng, thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày sinh Bác Hồ, chúng tôi đều làm lễ kỷ niệm. Những dịp này địch luôn cảnh giác, sẵn sàng đàn áp, cài cắm tay sai vào các phòng để theo dõi và tìm cách ngăn chặn, nhất là dịp Tết Độc lập.

Ảnh: Công Kiên
Ảnh: Công Kiên

Ở trong tù, những người lính cách mạng xây dựng được tổ chức bí mật để lãnh đạo anh em tiếp tục đấu tranh. Mỗi lần đến Tết Độc lập, anh em chúng tôi đều nhận được lệnh tổ chức đón Tết một cách bí mật, kín đáo, không để địch phát hiện và đàn áp, trả thù.

Đêm 2/9, sau bữa tối, anh em trong phòng giam nhận được lệnh tắt đèn để làm lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh. Rồi một giọng nói rất nhỏ cất lên: “Tất cả cùng quay mặt về hướng Bắc!”, “Tất cả cùng hát Quốc ca, hát nhỏ, chỉ đủ để mình nghe. Hãy tưởng tượng trước mặt mình có một lá cờ Tổ quốc đang tung bay!”.

Chúng tôi răm rắp làm theo lệnh của người chỉ huy. Lúc ấy, trong lòng trào dâng niềm xúc động thiêng liêng. Trong phòng giam tối om, bọn cai ngục bên ngoài không thể phát hiện, bên trong nếu có cài cắm, theo dõi cũng không thể chỉ điểm được người chỉ huy và tổ chức”.

Tin mới