Ký ức tháng Tư

(Baonghean.vn) - Đã 42 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 nhưng ký ức hào hùng của ngày chiến thắng như vẫn vẹn nguyên trong mỗi người lính từng tham gia Ngày hội mùa Xuân đại thắng. 

Ảnh Tơ liệu.
Ảnh tư liệu. Nguồn: Internet


Với CCB Trần Thân Ái thôn 2, xã Khai Sơn (huyện Anh Sơn), mỗi khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông lại rưng rưng, ngấn lệ. Xen lẫn trong niềm tự hào của người lính khi được góp sức mình vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc là cảm xúc bùi ngùi khi nhớ lại những đồng chí, đồng đội đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường. Ông Ái chia sẻ: Vào tháng 4/1968, khi vừa tròn 19 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và tham gia chiến đấu tình nguyện tại nước bạn Lào. Đến năm 1972 ông tham gia chiến đấu trọn vẹn 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị, cuối năm 1972 ông được phân công đi học ở Học viện Chính trị, đến năm 1975 ông được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trên cương vị là trợ lý cán bộ sư đoàn 320B, Quân đoàn 1.

Ảnh 1: CCB Trần Thân Ái (phải) bồi hồi kể lại trận đánh giải phóng miền Nam năm xưa. Ảnh: Thái Hiền
CCB Trần Thân Ái (phải) bồi hồi kể lại trận đánh giải phóng miền Nam năm xưa. Ảnh: Thái Hiền

Khi đó trung đoàn 320B của ông được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng Tây Bắc đường 14 xuống căn cứ Đồng Dù. Đúng 5 giờ 30 phút sáng ngày 29/4, khi có lệnh nổ súng, pháo binh của sư đoàn dồn dập trút bão lửa xuống căn cứ địch trong hơn một giờ đồng hồ. Trong tiếng gầm dữ dội của đại bác, xe tăng và pháo phòng không cơ động, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và bộc phá liên tục mở các lớp hàng rào. Sau 30 phút pháo bắn, địch phát hiện được hướng mở cửa của ta, chúng phản kháng dữ dội, điều động xe tăng, bộ binh hòng bịt đường vào của quân ta, đồng thời dùng máy bay và trực thăng, pháo cối đánh vào đội hình tiến công của sư đoàn.

Chiến sỹ của ta đã hy sinh rất nhiều. Nhưng lớp này ngã lớp khác lại xông lên, nhanh chóng dùng bộc phá phá tung hàng rào. “Nhìn các đồng đội mình hy sinh ngay trước mắt, trái tim tôi vừa xót xa, vừa sục sôi căm hận khiến tôi càng quyết tâm bằng mọi giá phải diệt ổ hỏa lực của địch" - ông Ái nghẹn ngào nói. Đúng 11 giờ ngày 29/4, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Sư đoàn 320B tung bay trên trung tâm căn cứ Đồng Dù. Căn cứ Đồng Dù bị tiêu diệt đã mở toang cánh cửa hướng Tây Bắc để quân đoàn tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau hơn 20 năm cống hiến trong quân đội, năm 1988, ông Trần Thân Ái xuất ngũ. Trở về địa phương, trải qua nhiều công việc như: bí thư chi bộ, xóm trưởng và 2 nhiệm kỳ liên tục làm Chủ tịch hội CCB xã Khai Sơn từ năm 2000- 2012, ông Trần Thân Ái đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển địa phương.

CCB Nguyễn Công Hùng (trái) giới thiệu những tấm huân huy chương - kỷ vật gắn với lịch sử một thời khói lửa của đất nước. Ảnh Thái Hiền
CCB Nguyễn Công Hùng (trái) giới thiệu những tấm huân huy chương - kỷ vật gắn với lịch sử một thời khói lửa của đất nước. Ảnh Thái Hiền

Chúng tôi tìm đến gia đình CCB Nguyễn Công Hùng thôn 1, xã Cao Sơn. Không giống như những hình dung của chúng tôi, mặc dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng. Trong tâm trí của CCB Nguyễn Công Hùng - một trong nhân chứng lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975, những kỷ niệm vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.

Vào 4h30 phút ngày 4/1/1975, đơn vị ông Hùng chuẩn bị đánh chiếm lại cao điểm 174, lúc này do địch chiếm giữ. 5h15 phút, sau khi tập trung lực lượng, đơn vị nổ súng đánh chiếm cao điểm. Trong trận đánh này, quân đội ta ở trong thế yếu so với địch cả về lực lượng cũng như vũ khí. Lúc đó quân ta chủ yếu sử dụng hỏa lực bộ binh thông thường như súng BKZ, súng cối 82mm, đạn cối 106, súng B40, B41, trong khi địch sử dụng vũ khí rất hiện đại, gồm: pháo 175, pháo 155,105...

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc này đơn vị của ông Hùng có 75 chiến sỹ, sau trận đánh thương vong 38 người, chỉ còn 37 người có thể chiến đấu. Sư đoàn quyết tâm bằng cách nào cũng phải chiếm được cao điểm 174, nếu nắm được vị trí này có thể kiểm soát được toàn bộ khu vực đồng bằng của huyện Hoài Nhơn, qua đó tổ chức các đài quan sát phục vụ cho Chiến dịch giải phóng miền Nam. Sau khi cán cân lực lượng quá chênh lệch buộc phải rút lui, đến ngày 7/1 đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp tục đánh chiếm cao điểm quan trọng này. Đã có rất nhiều thương vong, nhưng nhờ ý chí và lòng quyết tâm Tiểu đoàn 7 đã dành chiến thắng.

Trở về đời thường CCB Cao Ngọc Cơ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Ảnh: Thái Hiền
Trở về đời thường CCB Cao Ngọc Cơ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Ảnh: Thái Hiền

Với CCB Cao Ngọc Cơ thôn 4, xã Cao Sơn là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, những ký ức hào hùng về ngày toàn thắng dân tộc không bao giờ phai mờ. Nói về những năm tháng hào hùng ấy, ông Cơ tự hào cho biết, ông từng là Chính trị viên Sư đoàn 312, Quân đoàn1, là 1 trong 4 quân đoàn chủ lực cơ động, nhiệm vụ chính là đánh thọc sâu vào Bộ Tổng tham mưu địch, góp phần làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975.

Ông nhớ lại: "Sáng ngày 30/4/1975, trong khi cuộc chiến đấu của đơn vị của ông đang diễn ra ác liệt thì mũi thọc sâu do các lực lượng tăng cường đảm nhiệm cũng đẩy nhanh tốc độ tiến công. Sau khi đột phá Lái Thiêu, đánh tan các lực lượng ngăn chặn trên đường tiến, đặc biệt tại các cầu Vĩnh Bình, Bình Phước, Bình Triệu... Đơn vị ông đã chọc thẳng vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu của ngụy quyền vào 10h 30 phút ngày 30 tháng 4 và lập nên chiến thắng vẻ vang. Như vậy chỉ sau hơn 3 ngày chiến đấu, ông cùng các đồng đội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh chiến dịch giao, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

"Chúng tôi ôm ghì lấy nhau khóc, cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, cùng nhau hát vang những bài ca chiến thắng. Cảm xúc lúc ấy thật không có gì diễn tả hết. Đại thắng mùa Xuân 1975 và giây phút lá cờ Tổ quốc bay trên nóc dinh Độc Lập mãi mãi in sâu trong ký ức những người chiến sỹ"  - CCB Cao Ngọc Cơ xúc động nói.

Thái Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới