Ký ức trên con đường huyền thoại

Những ngày tháng Năm lịch sử này, biết bao chiến sỹ từng chiến đấu và làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn lại bồi hồi nhớ về thời đạn lửa với bao gian khổ, hy sinh. Tuổi thanh xuân gắn với những cánh rừng hoang vu và cung đường ác liệt, họ đã góp phần viết nên huyền thoại cho con đường mang tên Bác.

Đã hơn 40 năm, trở về với cuộc sống đời thường, hầu hết những người lính năm xưa đều đã tuổi già sức yếu. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, người có cuộc sống an nhàn, người còn vất vả mưu sinh nhưng ai cũng lưu giữ được những kỷ niệm không dễ phôi phai của những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng.

Nói về con đường huyền thoại này, trước tiên phải tìm về ký ức của những người lính công binh làm nhiệm vụ mở đường, thông cầu cho xe băng qua, kịp chi viện cho các chiến trường. Xấp xỉ tuổi 80, ông Ngô Trí Bổng quê xã Diễn Hoa (Diễn Châu) hiện trú tại khối 10 – phường Trung Đô (TP. Vinh) vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời quân ngũ, nhất là những ngày tháng phục vụ trên các cung đường Trường Sơn.

Ông Bổng cho biết: “hơn 20 năm quân ngũ, quãng thời gian gần 5 năm làm nhiệm vụ ở Trường Sơn đã in dấu những kỷ niệm suốt đời không quên. Bởi đó là những ngày tháng tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đối mặt với gian khổ, hy sinh”.

Phần lớn thời gian ông Bổng làm nhiệm vụ ở Tây Trường Sơn, tức là trên đất bạn Lào. Nhớ nhất là thời gian làm ở F Phà B, một vị trí được xem là trọng yếu, địch đánh phá suốt ngày đêm, quanh năm các chiến sỹ công binh phải ở dưới hầm trú ẩn. Gian khổ và ác liệt nhưng không một ai nản lòng, tất cả cùng chung quyết tâm giữ vững “mạch máu” quan trọng này.

Địch thường xuyên đánh phá, để đảm bảo an toàn, đơn vị phải thực hiện chiến thuật nghi binh, tức là phải dựng lên những bến phà giả để đánh lừa máy bay địch. Khi thì dùng sợi dây thừng nối hai bờ sông, khi phát cây mở lối mòn xuống bến hay đặt một chiếc xe bị hỏng bên bờ. Nhờ vậy, dù bom đạn rung chuyển trời đất nhưng phà chính vẫn giữ được an toàn, đảm bảo cho những đoàn xe tiến vào mặt trận.

Địch thường xuyên đánh phá, để đảm bảo an toàn, đơn vị phải thực hiện chiến thuật nghi binh, tức là phải dựng lên những bến phà giả để đánh lừa máy bay địch. Khi thì dùng sợi dây thừng nối hai bờ sông, khi phát cây mở lối mòn xuống bến hay đặt một chiếc xe bị hỏng bên bờ. Nhờ vậy, dù bom đạn rung chuyển trời đất nhưng phà chính vẫn giữ được an toàn, đảm bảo cho những đoàn xe tiến vào mặt trận.

Ở đây rừng núi hoang vu khiến những người lính luôn đau đáu nhớ về hậu phương và chờ mong tin nhà. …“Vui nhất là những khi có đoàn văn công đến biểu diễn, cả đơn vị phấn khởi như ngày hội. Không chỉ được thưởng thức những tiết mục múa, hát mà còn được giao lưu, trò chuyện với anh chị em trong đoàn nên nỗi nhớ nhà như được vơi bớt” – ông Ngô Trí Bổng tâm sự.

Cũng có mặt trong lực lượng công binh, ông Trần Văn Tuân (75 tuổi) – kỹ sư cầu đường, trú tại khối Bình Phúc, phường Hưng Phúc (TP. Vinh) lại có nhiều kỷ niệm với Đông Trường Sơn. “Không thể kể hết về sự ác liệt, gian khổ khi làm việc trong cảnh trên bom dưới đạn, rồi đói rét, bệnh tật. Nhưng chúng tôi luôn giữ được niềm tin vào sự toàn thắng, là nguồn động lực giúp giữ vững ý chí, tinh thần” – ông Tuân nói.

Nhớ nhất là lần hoàn thành cầu phao sông Bung (Quảng Nam). Cuối năm 1973, đồng chí Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ra lệnh dựng cầu phao sông Bung thay cho việc đi ngầm, đảm bảo cho việc hành quân và tiếp viện cho chiến trường ngày càng thêm thuận lợi. Ông Tuân cùng đồng đội không kể ngày đêm, lên rừng khai thác, tập kết tre, nứa làm nguyên liệu.

Hơn 3 tháng ròng rã, vào ngày 26/3/1974 cầu phao Sông Bung hoàn thành trong niềm vui và tự hào của toàn đơn vị. Ông Tuân nhớ lại: “Hôm ấy, qua cầu đầu tiên là đoàn xe chở gỗ của đồng bào Quảng Nam ra xây dựng lăng Bác ở thủ đô Hà Nội. Mỗi chuyến xe qua cầu với chúng tôi là một niềm vui và dự cảm được ngày chiến thắng đang đến gần…”.

Rồi nhớ lần mở rộng đèo Lò Xo (Kon Tum), lúc ấy ông Tuân là trợ lý công binh Sư đoàn 472, cùng anh em chiến sỹ bám trụ mặt đường. Công việc không mấy thuận lợi, vì, cấu tạo địa chất yếu, chỉ một trận mưa là toàn bộ công sức bị cuốn hết theo khe suối. Chưa kể ở đây sương mù ẩm ướt, thời tiết khắc nghiệt, nhiều người bị sốt rét hoặc bị bọ chó cắn sưng tấy, lở loét khắp tay chân. Vậy nhưng mỗi khi ra công trường, các chiến sỹ đều hát hò sôi nổi, không khí vui tươi tinh thần phấn chấn chờ đến ngày toàn thắng…

Có mặt trong Đoàn 559 từ thời gian đầu mới thành lập, ông Tống Trần Quế (81 tuổi) ở khối 11, phường Trung Đô (TP. Vinh) là lính bộ binh hoạt động chủ yếu dọc tuyến biên giới Việt – Lào. Ông có 33 năm tuổi quân, trong đó 13 năm lăn lộn giữa Đông và Tây Trường Sơn, đối mặt với bao hiểm nguy, ác liệt và không thể nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Nhưng trận bản Khèn ở Tây Trường Sơn, thuộc địa phận nước bạn Lào là kỷ niệm đi suốt cuộc đời người lính trận.

Theo lời ông Quế, năm 1963 lực lượng phản động Lào thực hiện đánh chiếm vùng giải phóng ở Lào nhằm uy hiếp tuyến đường 559, ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương vào tiền tuyến. Chấp hành lệnh của Tư lệnh Quân khu 4, Tiểu đoàn 927 hành quân sang tỉnh Bô – ly – khăm – xay (Lào) để tiêu diệt địch ở cứ điểm bản Khèn, bảo vệ đường 559.

Bản Khèn nằm ở vị trí hiểm trở, đường hành quân phải vượt qua những vách núi đá cheo leo, giẫm trên những hòn đá tai mèo sắc nhọn, rồi gói đồ làm phao, bồng súng bơi qua sông sâu chảy xiết. “Lúc bơi qua sông, một đồng đội bị nước cuốn nhưng không kêu cứu, vì để giữ bí mật cho toàn đơn vị khiến ai cũng xót thương và thêm quyết tâm chiến đấu” – ông Quế kể lại. Nhờ giữ được bí mật, tạo được bất ngờ nên trận bản Khèn đã dứt điểm được nhanh, diệt 60 tên, bắt sống 8 tên, một ít còn lại chạy vào rừng, đạt được mục tiêu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược.

Và, nói về đường Trường Sơn không thể không kể đến những chiến sỹ vận tải trên tuyến đường ác liệt ấy. Ông Nguyễn Văn Thành (67 tuổi) ở xóm 5, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) là chiến sỹ lái xe thuộc Đoàn 559, gần 5 năm hoạt động ở Trường Sơn, hành quân qua hầu hết các nhánh đường, đến khắp các chiến trường để tiếp viện. Ngần ấy thời gian “vào sinh ra tử”, đi trong khói lửa, đạn bom nhưng ông Thành không muốn kể về sự ác liệt mà chỉ kể một kỷ niệm lần có đoàn văn công sau khi biểu diễn đi nhờ xe đơn vị để vào binh trạm 41.

Ông Thành lúc ấy là chiến sỹ trẻ nhất đơn vị, được giao chở cô văn công có tên là Linh. Xe đi sau cùng, sắp sửa qua ngầm thì máy bay địch đến ném bom, người lính trẻ lập tức kéo cô văn công xuống hầm trú ẩn. Bom đánh liên tục mấy tiếng đồng hồ, cô gái khóc vì lo không theo kịp đoàn, anh lính tìm cách trấn an và chia mẩu lương khô để dùng bữa tối. Đêm ấy, hai người trú dưới hầm, sáng hôm sau lượng công binh thông ngầm lại tiếp tục lên đường. Và thật may, đoàn văn công vẫn chờ họ ở binh trạm 41, hai người vẫn chưa kịp hỏi quê quán của nhau…

Hồi ức và kỷ niệm về Trường Sơn chính là “gia tài” của những người lính từng có mặt trên con đường huyền thoại này. Chính điều ấy đã góp phần giải thích vì sao Việt Nam – một đất nước với bao khó khăn đã đánh tan ý chí xâm lược của một siêu cường quốc.