Ký ức tủi nhục nơi xứ người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trở về sau nhiều năm lưu lạc nơi xứ người, những cô gái - nạn nhân của bọn mua, bán người đã mất tất cả, từ tuổi thanh xuân, cho đến cả những đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Họ vẫn phải tiếp tục sống nhưng không bao giờ có thể quên được những ký ức tủi nhục kia...

Ký ức tủi nhục

Chúng tôi có mặt tại bản Kẻo Cơn, xã Keng Đu (Kỳ Sơn), một ngày cuối năm, khi hay tin cô gái trẻ Moong Thị M, vừa trở về sau nhiều năm bị lừa bán sang bên kia biên giới. Đi cùng chúng tôi là 2 cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Keng Đu. Sau gần 10 năm, ngôi nhà sàn nằm lưng chừng con dốc của gia đình anh Moong Phò Lư và chị Moong Mẹ Lư mới lại rộn rã tiếng cười. Bởi kể từ sau khi M bị lừa bán sang Trung Quốc, dù lạc quan anh chị cũng không bao giờ có thể nghĩ đến ngày được gặp lại con mình. Chỉ đến khi M trở về thì những tháng ngày đau khổ của cô con gái út mới được tỏ tường.

M kể lại những ngày tháng tủi nhục sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh: Tiến Đông

M kể lại những ngày tháng tủi nhục sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh: Tiến Đông

M kể lại, năm 2013 lúc vừa tròn 14 tuổi, cô đã bị đối tượng Xeo Văn Thôn (SN 1988) trú tại bản Đôn Boọng, xã Na Loi, rủ rê đi làm công nhân ở Bình Dương. Nghe lời ngon ngọt của Thôn, M đã không ngần ngại mà đi theo y với mong muốn đi làm có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ, mà không biết rằng, đối diện trước mắt mình là bao nhiêu cạm bẫy. Sau khi M đồng ý, Thôn đã chở M ra thị trấn Mường Xén, tại đây có một người bạn của Thôn đón lên xe khách đi xuống TP. Vinh.

Sau khi xuống đến TP. Vinh, M được bố trí ở lại đó 1 đêm rồi sáng hôm sau được đưa ra Hà Nội. Do chưa bao giờ rời khỏi bản đi xa nên M không thể biết Hà Nội như thế nào. Tại đây, M được 1 người đón và đưa lên biên giới. Chỉ khi sang đến đất Trung Quốc thấy chữ khác lạ thì M mới mường tượng được rằng mình đã bị lừa.

Vừa sợ, vừa nhớ nhà, M khóc hết nước mắt. M đòi về nhưng đổi lại chỉ là những ánh mắt và lời nói đầy hăm dọa. Lúc này có đối tượng nói tiếng Việt bảo với cô, chịu khó ở lại đây lấy chồng, đẻ 1 đứa con cho người ta thì sẽ cho về. Tháng 2/2015, M sinh đứa con đầu lòng, nhưng rồi cô vẫn không được về, vì người chồng Trung Quốc kia bảo đã phải mất khoảng 8 vạn tệ - tương đương khoảng 240 triệu đồng để mua M nên kiên quyết không thả cô về. Dùng dằng mãi, sau khi cô sinh được 3 người con cho gia đình kia, tháng 8/2022, M được cho về thăm gia đình, còn 3 đứa con thì bị giữ lại.

Không giấy tờ tuỳ thân, không có ai thân thích, M được các đối tượng trong đường dây đưa ra biên giới vượt biên về Việt Nam. Đến đất Việt Nam, cô được một số đối tượng người Việt đón ra bến xe Cao Bằng rồi bắt xe cho về quê. Sau khi trở về nhà, cô liền lên Đồn Biên phòng Keng Đu tố cáo kẻ đã lừa bán mình.

M và mẹ sau nhiều năm xa cách. Ảnh: Tiến Đông

M và mẹ sau nhiều năm xa cách. Ảnh: Tiến Đông

Khác với M, cô gái trẻ Mong Thị T, cùng trú tại bản Kẻo Cơn được trở về sớm hơn sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Vào năm 2013, T lúc này mới 13 tuổi, đã bị đối tượng tên là Lương Thị Phiên, vốn quen biết một số người dân trong bản và hay qua lại bản này rủ rê đi làm công ty. Nghỉ học từ khi mới hết cấp 2 nên T đã đồng ý theo Phiên đi làm kiếm tiền.

Xuống đến TP. Vinh, T đã được một người khác dẫn lên xe khách nói đi vào Sài Gòn. Do không biết Sài Gòn là đâu nên T vẫn đinh ninh rằng, mình chuẩn bị được đi làm. Chỉ đến khi sang bên kia biên giới thì cô mới biết mình bị lừa. T bị nhốt vào một ngôi nhà bỏ hoang cùng một vài người phụ nữ khác. Sau đó ít ngày thì được mấy người đàn ông Trung Quốc sang xem mặt để mua về làm vợ. Đến năm 2017, sau khi sinh được 1 người con, T nằng nặc đòi về nên đã được gia đình kia đồng ý cho về, với điều kiện phải để con ở lại.

Cũng như M, T được các đối tượng trong đường dây đưa ra biên giới để vượt biên về Việt Nam. T nhớ rằng, mình phải ngồi ô tô 6 ngày mới đi được từ chỗ ở ra đến biên giới, sau đó đi đò qua sông vượt biên về Việt Nam đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai. T được mấy người đón ra bến xe Lào Cai rồi bắt xe cho về quê.

Tuyên truyền để không bị lừa bán

Theo ông Lương Văn Ngam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Keng Đu thì trên địa bàn từ trước tới nay đã có 7 cháu bị lừa bán sang Trung Quốc. Do các cháu thiếu hiểu biết, gia đình cũng ít quan tâm nên thường bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. Mấy năm gần đây, địa phương cũng đã phối hợp với Đồn Biên phòng và các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, để nâng cao nhận thức của người dân tránh không để kẻ xấu dụ dỗ lôi kéo.

Trong số 7 cháu tại Keng Đu bị lừa bán sang Trung Quốc từ trước đến nay, thời điểm này đều đã tìm được đường quay trở về địa phương. Trong đó có 3 người đã lấy chồng, ổn định cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Hữu Tài - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ - Đồn Biên phòng Keng Đu cho biết: Các đối tượng mua, bán người thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhất là trẻ em gái từ 13-15 tuổi để lôi kéo, rủ rê đi làm công ty rồi lừa bán sang Trung Quốc làm vợ, làm gái mại dâm. Chính vì thế, Đồn Biên phòng Keng Đu đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến quần chúng nhân dân dưới nhiều hình thức như in tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp. Đối với những gia đình có con em trong độ tuổi thì đến tận nơi, vận động gia đình và bản thân các em không nghe theo những lời ngon ngọt để đi làm kinh tế. Khi phát hiện đối tượng lạ mặt vào địa bàn rủ rê, cần báo cáo cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Đồn cũng vận động người dân nếu có công ty nào danh chính ngôn thuận vào tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm thì nên đi để phát triển kinh tế.

Xeo Văn Thôn (SN 1988), trú tại bản Đôn Boọng, xã Na Loi, một trong 2 đối tượng đã dụ dỗ và lừa bán em Moong Thị M sang Trung Quốc. Ảnh: BĐBP
Xeo Văn Thôn (SN 1988), trú tại bản Đôn Boọng, xã Na Loi, một trong 2 đối tượng đã dụ dỗ và lừa bán em Moong Thị M sang Trung Quốc. Ảnh: BĐBP

Cũng theo Trung tá Nguyễn Hữu Tài, do hoạt động mua, bán người bắt buộc phải có nạn nhân mới có cơ sở đấu tranh. Từ năm 2019 khi có những nạn nhân trở về quê, Đồn đã chủ trì phối hợp đấu tranh 4 chuyên án. Trong đó năm 2019 đấu tranh 2 chuyên án; 1 chuyên án năm 2021 và 1 chuyên án năm 2022.

Khó khăn trong việc đấu tranh với hoạt động mua, bán người là có những vụ việc xảy ra trong thời gian dài, từ năm 2013, 2014 nhưng mãi đến năm 2021, 2022 mới tìm được nạn nhân. Sau khi các nạn nhân trở về đã trực tiếp tố cáo đối tượng, có những đối tượng đã được đơn vị vận động ra đầu thú, nhưng cũng có những đối tượng phải phối hợp với các đơn vị, lực lượng tổ chức truy bắt...

Mới đây nhất, vào ngày 18/9/2022 Đồn Biên phòng Keng Đu đã bắt giữ đối tượng Xeo Văn Thôn (SN 1988), trú tại bản Đôn Boọng, xã Na Loi và Moong Văn Dục trú cùng địa phương đã có hành vi mua bán người. Đây chính là 2 đối tượng đã dụ dỗ và lừa bán em Moong Thị M sang Trung Quốc, sau đó mỗi đối tượng đã được nhận tiền công 40 triệu đồng.

Trước những mối lo ngại về những nạn nhân sau khi trở về từ Trung Quốc có thể sẽ quay lại và rủ rê những trẻ em gái khác ở nhà đem đi bán, Trung tá Nguyễn Hữu Tài cho biết: Sau khi các nạn nhân trở về, đơn vị đã cử cán bộ đến vận động, tuyên truyền hỗ trợ các nạn nhân. Bản thân Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các tổ chức xã hội cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp các nạn nhân hòa nhập với cuộc sống. Vì thế đến thời điểm này chưa có trường hợp nào từ nạn nhân trở thành đối tượng mua, bán người. Một số người sau khi trở về cũng đã lập gia đình, ổn định cuộc sống.

Tin mới