Lạ mắt đồ chơi làm bằng đồ phế thải của các cô giáo miền núi

(Baonghean.vn) - Tận dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, nứa, vỏ cây, các loại hạt cùng nhiều đồ phế thải như: chai, hộp nhựa, lốp ô tô cũ… các cô giáo mầm non ở miền núi đã sáng tạo ra nhiều đồ chơi ngộ nghĩnh.
Con rồng đồ chơi được các cô giáo làm bằng lốp ô tô cũ trông rất ngộ nghĩnh, đẹp mắt, trẻ rất thích. Ảnh Bá Hậu
Con rồng đồ chơi được các cô giáo làm bằng lốp ô tô cũ trông rất ngộ nghĩnh, đẹp mắt, trẻ rất thích. Ảnh: Minh Hạnh

Trường Mầm non Chi Khê (Con Cuông) khiến nhiều người đến đây ngạc nhiên khi bắt gặp các loại đồ dùng, đồ chơi của trẻ rất phong phú. Những đồ chơi ngộ nghĩnh, dễ thương như: con rồng, con ếch cho đến bàn cờ ghép chữ… đều do các cô giáo tự tay làm bằng tre, nứa và các loại đồ phế thải.

Các cô đã lượm lặt, góp nhặt, làm sạch để tạo nên những đồ dùng đồ chơi an toàn, không gây độc hại cho trẻ, giúp bảo vệ môi trường và phục vụ cho chính các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Được biết, không chỉ tự làm, các giáo viên còn hướng dẫn trẻ cùng tham gia bằng cách gợi ý trẻ tự chọn màu sắc, cách làm ra các đồ dùng, đồ chơi gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của các em. Thông qua hoạt động này, các giáo viên đã giúp trẻ biết yêu quý lao động, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Con ếch ngộ nghĩnh được làm bằng từ lốp xe . Ảnh: Bá Hậu
Con ếch ngộ nghĩnh được làm từ đồ phế thải. Ảnh: Bá Hậu

Cô giáo Hà Thị Oanh, giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi - Trường Mầm non Chi Khê cho biết: “Đối với trẻ mầm non, tâm lý của trẻ là phải được vừa chơi vừa học, phải được tiếp xúc với đồ dùng, đồ chơi thì trẻ mới có thể tiếp thu được kiến thức nhanh. Giáo viên cần phải đầu tư nhiều về kỹ năng làm đồ dùng đồ chơi. Thứ nhất là để có đồ dùng phục vụ cho các góc chơi, các tiết học. Thứ hai là để giáo viên được thể hiện sáng tạo của mình và góp phần tiết kiệm cho quỹ của nhà trường và tạo điều kiện cho trẻ học tập tốt hơn”.

“Ngoài các đồ dùng đồ chơi được cấp, việc huy động phụ huynh đóng góp mua sắm đồ chơi cho các cháu rất hạn chế. Bởi vậy từ những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, các cô có thể suy nghĩ và sáng tạo, tìm tòi để tạo ra sản phẩm đẹp mắt thu hút trẻ nhỏ. Sản phẩm phải đảm bảo tính giáo dục, an toàn, độ bền, tạo hứng thú cho các em trong giờ học. Trung bình mỗi năm, các cô giáo trong trường làm được hàng trăm đồ dùng, đồ chơi phục vụ quá trình giảng dạy” - cô giáo Lô Thị Kích -  Hiệu trưởng Trường Mầm non Chi Khê chia sẻ.

Cô giáo vùng cao miệt mài sáng chế các trò chơi cho trẻ. Ảnh Bá Hậu
Từ 2 chiếc lốp bỏ đi, cô giáo đã sáng chế đồ chơi đẹp mắt. Ảnh: Bá Hậu
Mặc  dù được làm từ phế thải nhưng đồ chơi của các cháu an toàn, thân thiện với môi trường, qua đó góp phần giáo dục kỹ năng cho trẻ. Ảnh Minh Hạnh
Các đồ phế thải dưới bàn tay của các cô đã biến thành những đồ chơi thân thiện với môi trường, qua đó góp phần giáo dục kỹ năng cho trẻ. Ảnh: Minh Hạnh
Hiện nay, đồ chơi cho trẻ mầm non có rất nhiều trên thị trường, nhưng để đáp ứng được nhu cầu học của từng chủ đề thì phải tốn kém khá nhiều kinh phí. Chưa kể đến một số đồ chơi có thể gây độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do vậy, việc giáo viên các trường miền núi như Chi Khê bỏ công sức sưu tầm các nguyên vật liệu bản địa để sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi phù hợp với từng chủ đề, tình huống giáo dục, giúp trẻ phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong các hoạt động. Phong trào này còn giúp giáo viên hình thành ý thức nghiên cứu, sáng tạo đồ dùng, đồ chơi, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em miền núi./.                       

Tin mới