Lại chuyện ăn Tết xa nhà

(Baonghean) - Nói mãi không biết liệu có chán không, nhưng đến hẹn lại lên, những ngày này trong năm bao giờ cũng là những ngày đáng sợ. 
Những kẻ viễn xứ trở về cố hương, vali chất đầy hành lí nhưng trái tim cũng nặng gánh lo âu. Người ở nhà quen với việc đủng đỉnh đến tầm 20, 21 Tết mới bắt đầu sắm sanh, thu xếp. Cái Tết với người đi xa bắt đầu từ lâu lắm, thường là khi vừa chớm bước sang thu. Nhen nhóm từ lúc này ý định trở về, cũng có nghĩa là nhen nhóm những trăn trở về tàu bè, quà cáp, thu xếp công việc học hành. Hầu hết bạn bè mình đều thế, những đứa có ý định về Tết bắt đầu nhắc tới chủ đề này như là ưu tiên hàng đầu của mọi cuộc trò chuyện. Đáng bực mình ở chỗ, khi mình không có cái may mắn được về nhà ăn Tết như chúng nó thì việc cứ phải nghe mãi chuyện mua vé ở đâu, lúc nào thì rẻ, mua quà gì, xin nghỉ học, nghỉ làm bao lâu... quả thực rất buồn tẻ. Hay nói chính xác hơn thì mình phát chán lên vì ghen tị. Ghen tị đến phát ốm, phát khóc, vì mình cũng thèm được biết cái cảm giác hồi hộp chờ Tết đến từ tận gần nửa năm trước như chúng nó. 
Vậy là cái Tết của những kẻ viễn xứ trở về đã dài, cái Tết của những kẻ viễn xứ không được trở về còn dài hơn gấp bội. Bẵng đi với học hành, công việc, Tết tưởng như đã thành một dĩ vãng xa xôi của những ngày tháng cũ, bỗng trở lại như một bóng ma ám ảnh, đeo bám kẻ tha hương. Lên báo mạng chỉ rặt những tin, những ảnh về phố xá quê hương trang hoàng đón Tết. Lên mạng xã hội thấy bạn bè rục rịch hẹn hò nhau, anh chị em mỗi người mỗi phương mừng mừng tủi tủi tay bắt mặt mừng. Những chuyến tàu điện ngầm từ trung tâm thành phố ra sân bay tiễn bạn về Việt Nam ăn Tết. Những lần đi qua khu phố châu Á để thấy lác đác vài cành đào đìu hiu gợi nhớ về cái Tết xưa theo bố ra chợ Tết mua đào, mua mai. Nếu không có tất cả những điều ấy nhắc nhở, hẳn đã quên bẵng đi thời gian, quên luôn cảm giác nhớ nhung và cô quạnh đã thành thường nhật. Ví như tối nay miệt mài làm xong bài khóa luận, ngước nhìn đồng hồ đã quá nửa đêm, bỗng nhận ra hôm nay (hay là hôm qua?) là Tết ông Công, ông Táo. Nhìn bát mì tôm nguội ngắt trong căn bếp nhỏ sơ sài và vắng lạnh, thấy hẫng hụt lạ lùng. Không biết là thương cho mình hay thương cho ông Táo nào lầm lũi lên trời không kẻ đón người đưa?
Tết năm nay hay là Tết năm nao? Một năm như mọi năm, có khác là bao? Khác chăng là thấy tâm hồn già cỗi hơn một chút. Hoặc có lẽ là rất nhiều chút. Vẫn ao ước được trở về thủa nhỏ, khi Tết là bánh pháo dấm dúi nhau vì sợ bố đánh đòn, là củ khoai lùi trộm vào bếp bánh chưng bập bùng trong giấc ngủ có gió mùa và mưa lún phún. Nếu được trở lại một lần thôi, ngay cả khi đã lớn lên rồi, vẫn sẽ thấy mình như còn bé dại. Nếu được, vẫn sẽ vùi đầu vào bầu ngực nóng ấm của mẹ mà khóc òa như đứa trẻ muộn phiền chờ bố mẹ đón ở sân trường. Sân trường nào nữa, ai đón, ai đưa? Bừng tỉnh mộng mị thấy mình chơ vơ ở sân ga cuộc đời, chuyến tàu về lại vòng tay mẹ đã chuyển bánh rời đi từ lúc nào, xa lắc! Có những người cứ vùng vẫy, mong mỏi được rời khỏi vòng tay mẹ để nhìn ra thế giới, chính là những người vẫn còn mang lăng kính hồng của thủa ấu thơ. Bởi vì khi đã đủ lớn và đi đủ xa rồi mới thấy, nơi ấm áp nhất là nơi ta vừa mới quay lưng cất bước ra đi. 
Có một bài hát mà mình rất thích, lời bài hát như thế này: "Ta chỉ nhớ hơi ấm ngọn lửa khi nó đã lụi tàn, chỉ nhớ mặt trời khi tuyết rơi lạnh giá, chỉ chán ghét con đường dài khi ta thấy nhớ nhà". Cũng như thế, ta chỉ thấy nhớ Tết, cần Tết hay thậm chí là căm ghét Tết khi không còn được trải qua một cái Tết đúng nghĩa nữa. Ấy là khi mùa xuân trong ta đã lụi tàn.
Hải Triều 
(Email từ Paris)

Tin mới