Làm bạn với con

(Baonghean) - Một trong những điều tốt đẹp nhất mà cha mẹ có thể mang đến cho con đó chính là tình bạn thật sự. Qua đó, trẻ sẽ không chỉ được yêu thương, chăm sóc mà còn được tin cậy và tôn trọng.

Nét đặc trưng nhất trong quan hệ bạn bè chính là sự bình đẳng. Nhưng giữa trẻ nhỏ và cha mẹ rất hiếm khi có được điều này. Thường thì trẻ phải khá lớn, cha mẹ mới bắt đầu tôn trọng con và cho con một chút bình quyền.
Ảnh minh họa: Lâm Mạnh
Ảnh minh họa: Lâm Mạnh
Cha mẹ chỉ có thể đem lại cho con một tương lai tốt đẹp khi mà họ chăm sóc, dạy dỗ con một cách thân ái và tôn trọng chứ không phải theo kiểu thể hiện uy quyền hay bao bọc thái quá. Sự bao bọc hay uy quyền của người lớn rồi sẽ phải suy giảm khi mà đứa trẻ lớn dần, chỉ có mối quan hệ thân ái như kiểu bạn bè là còn lại và được vun đắp bền chặt hơn mà thôi.
Khi trẻ đã lớn khôn, chúng không cần đến sự “o bế” hay những biểu hiện quyền lực của phụ huynh nữa. Đó là lý do tại sao ngoài việc dạy bảo, giám sát con cái, cha mẹ còn phải học cách làm bạn với con nữa. Và để có được tình bạn ấy thì ngay từ lúc con còn thơ bé, cha mẹ đã phải lưu ý xây dựng mối quan hệ bình đẳng, thân ái với con.
Bất kỳ tình bạn nào cũng được tạo dựng trên những mối quan tâm, sở thích, trải nghiệm chung. Càng có nhiều điểm chung thì tình bạn càng gắn bó. Ngay từ khi con còn bé, cha mẹ hãy tích cực tạo ra những “mẫu số chung” ấy bằng cách thường xuyên chơi cùng con, đưa con đi công viên, đến rạp xiếc, vào nhà hát…
Ngay cả việc cùng nhau xem một cuốn sách hoặc nấu một bữa tối cũng là cách rất tốt để bồi đắp tình bằng hữu với con. Cứ thường xuyên “ba cùng” (cùng chơi, cùng làm, cùng ăn) với con như vậy, cha mẹ sẽ có rất nhiều cơ hội để tâm tình với con, để có thể hiểu con hơn. Khi trẻ lớn dần lên, ngoài việc chia sẻ các mối quan tâm với con, cha mẹ còn phải “đón đầu” những suy nghĩ mới của con, lưu tâm đến những nhu cầu đang thay đổi trong con.
Một người cha phàn nàn rằng cậu con trai 18 tuổi không còn tôn trọng ông nữa, thậm chí tỏ ra khinh thường ông. Khi ông muốn nói chuyện với cậu như một người bạn, như người đàn ông với người đàn ông, thì cậu đáp rằng cuộc trò chuyện ấy chẳng ích gì nữa, rằng đáng ra ông cần phải nói chuyện với cậu từ lúc cậu còn bé… Người cha sững sờ, ông nhận ra rằng trong những lời nói của con trai quả là chứa đựng một sự thật cay đắng.
Khi còn nhỏ, dường như đứa bé nào cũng ra sức “đấu tranh”, giở đủ “chiêu trò” để giành cho được tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ. Trong khi đó, đa phần phụ huynh lại cho rằng đó chỉ là thói nhũng nhiễu trẻ con và họ đã phớt lờ để khỏi làm “hư” đứa trẻ. Tuy nhiên, chỉ có một thời kỳ rất ngắn đám trẻ thích đeo bám, cầu thân với cha mẹ mà thôi. Lớn lên một chút, khi đã có thể tự lập hơn, chúng bắt đầu lảng tránh những vị phụ huynh đã tỏ ra lãnh đạm với chúng.
Họ đã từng làm ngơ trước những khát khao yêu thương của con như thế nào thì bây giờ con họ cũng sẽ đối xử với họ y như vậy. Bạn chỉ có thể dạy con trở thành một người nhân ái, thân thiện, biết quan tâm, chia sẻ khi mà bạn làm gương cho con và tạo dựng được với con một tình bạn thật sự ngay từ khi con còn nhỏ dại.
Thiên An

Tin mới