Làm thế nào để SLNA có thêm nhiều bàn thắng?

(Baonghean.vn) - Mùa giải năm ngoái, có 8 cầu thủ SLNA đã ghi bàn thắng cho đội nhà. “Làm thế nào để có bàn thắng và những ai sẽ đảm trách khâu ghi bàn?” luôn là vấn đề mà bất cứ HLV nào quan tâm. BHL SLNA chắc chắn cũng đã có những toan tính riêng về vấn đề này.

Trước hết, chúng ta cùng điểm lại khuôn mặt 8 cầu thủ đã ghi 34 bàn thắng cho SLNA mùa qua: Odat Onoriode Marshal (10 bàn), Trần Phi Sơn (7), Hồ Tuấn Tài, Ouattra Baba Salia (5), Nguyễn Văn Vinh, Hồ Khắc Ngọc, Quế Ngọc Hải (2) và Nguyễn Phú Nguyên (1). Số bàn thắng trung bình mỗi trận đấu chỉ đạt 1,3 bàn/trận, thua xa chỉ số trung bình của V-League 2016 là 3,01 bàn/trận. 

Trong số các cầu thủ đó, Odat Onoriode Marshal, Ouattra Baba Salia đã rời đội còn “lão tướng” Văn Vinh đã treo giày. Chiều ngược lại, SLNA có sự trở lại của tiền vệ Lê Thế Cường từ SXKT.Cần Thơ. Năm ngoái cầu thủ gốc Nghệ này có 5 bàn thắng cho đội bóng Tây đô. Để vào top 7, SLNA ngoài việc tổ chức tốt phòng thủ sẽ phải kiếm được từ 35-38 bàn thắng, trong đó khoảng 25-28 bàn thắng trên sân Vinh.

 Hồ Tuấn Tài là cầu thủ trẻ được kỳ vọng ở hàng công.
Hồ Tuấn Tài là cầu thủ trẻ được kỳ vọng ở hàng công.

Như vậy, BHL SLNA còn có rất nhiều việc phải làm, khi mà mùa này chưa thấy khuôn mặt nào nổi trội đảm nhận việc điều tiết trận đấu của đội. Làm thế nào để 2 ngoại binh có thể sớm hòa nhập và ghi được 40% số bàn thắng cho đội bóng là việc không hề đơn giản? Làm sao để 2 tiền vệ Phi Sơn, Thế Cường có được 13-15 bàn thắng? Sử dụng Tuấn Tài như thế nào để phát huy được hiệu quả ghi bàn? Bởi Tuấn Tài là cầu thủ có thể lực, tốc độ, mạnh dạn cầm bóng đột phá nhưng lại tiếp bóng sớm, bỏ lỡ khá nhiều tình huống ngon ăn. Chiến thuật nào cho những cầu thủ ở tuyến 2 có thể ghi bàn ngoài Khắc Ngọc, Ngọc Hải?

Những năm gần đây, những quả phạt góc của SLNA đều vô hại, làm sao để cải thiện tình hình đó cũng là vấn đề BHL phải đối diện. Có đến 70% tình huống ghi bàn nhờ bóng được tuyến dưới phất lên, tuyến tiền vệ dùng tốc độ vượt qua đối phương, tạt bóng vào trước khung thành. Các tiền đạo ngoại chỉ cần biết tì đè sút bóng chính xác là có bàn thắng.

Đây là miếng đánh sở trường của SLNA từ thời HLV Thành Vinh, nó tỏ ra rất hiệu quả khi gặp đối thủ trên cơ, chơi đôi công với đội bóng xứ Nghệ. Nhưng khi đá sân nhà hoặc gặp đội dưới cơ, đá “cù nhầy” thì SLNA gặp rất nhiều khó khăn khi vấp hàng phòng ngự nhiều tầng.

Các đường bóng kiến tạo mang tính quyết định của tiền vệ SLNA đều khá “lành”, ít sự sáng tạo đột biến nên hậu vệ đối phương dễ cản phá.

Sỹ Sâm là cái tên được nhắc nhiều ở vị trí tiền vệ trung tâm và hậu vệ phải.
Sỹ Sâm là cái tên được nhắc nhiều ở vị trí tiền vệ trung tâm và hậu vệ phải.

Ngoài Phi Sơn, Tuấn Tài thì SLNA không có cầu thủ giỏi có thể cầm bóng đột phá ở nách trung vệ đối phương. Các tính huống đập nhả ở khu vực trước vòng cung 16,5m vẫn thiếu đi sự sáng tạo, bẻ sườn đối phương. Đúng như cựu tiền đạo Văn Sỹ Hùng nhận xét: “Lối đá hiện nay của SLNA cơ bản dựa vào sức mạnh và tốc độ. Khi đối phương đã dàn đủ quân phòng ngự thì SLNA không có cầu thủ có khả năng xuyên phá”.

Do cự ly đội hình khá xa, SLNA dùng khá nhiều đường chuyền trung bình và dài nên khả năng tiền đạo khống chế bóng không cao. Khi khống chế bóng trong điều kiện không thuận lợi, dễ bị hậu vệ đối phương cản phá. Sau khi Văn Vinh giải nghệ, SLNA lại mất đi đường chuyền có điểm dừng để tiền đạo có thể tiếp cận và sút cầu môn.

Lò SLNA thường đào tạo rất nhiều tiền vệ có khả năng thu hồi bóng, giỏi đánh chặn từ xa nhưng lại yếu kỹ năng làm bóng và ghi bàn. Rất nhiều tình huống trong trận đấu họ tranh cướp bóng quyết liệt, cầm bóng tấn công và chuyền… vào chân đối phương. Hy vọng những điều mà giới truyền thông biết, cổ động viên biết thì BHL SLNA đều nắm rõ và sớm có biện pháp điều chỉnh.

                                                                                                                   N@T

TIN LIÊN QUAN

Tin mới