Làm theo Bác bằng những hành động cụ thể, thiết thực

(Baonghean) - Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện Nghi Lộc xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu, với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Mô hình “18+1” - hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

Trời xứ Nghệ tháng Năm nắng như đổ lửa, theo chân cán bộ Hội LHPN xã Nghi Đồng (Nghi Lộc), chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Khương, ở xóm 6 - hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thường xuyên ốm đau. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, nóng nực được ông, bà ngoại cho mượn để ở, người phụ nữ sinh năm 1986 có vóc dáng nhỏ gầy, khắc khổ, bế đứa con đen nhẻm, tóc khét nắng chia sẻ: Vợ chồng chị có 3 người con, trong đó, cô con gái đầu học lớp 4, còn bé út mới 21 tháng tuổi bị u máu.

Hoàn cảnh hai bên gia đình nội, ngoại đều nghèo. Cả hai vợ chồng không có việc làm ổn định. Hàng ngày, chồng đi làm phụ hồ, làm thuê để mưu sinh. Còn bản thân chị Khương, sức khỏe yếu nên ngoài chăm 2 sào lúa, thì vào mỗi buổi sáng khi trời còn nhá nhem tối, chị đã tranh thủ ra đồng bỏ trúm bắt lươn, chạch, tép đồng bán cho người dân xung quanh làng. Ngày ít thì được vài chục nghìn, ngày nhiều thì được 70.000 - 80.000 đồng. Cuộc sống khó khăn, túng quẫn quanh năm.

Chị Nguyễn Thị Khương- xóm 6, xã Nghi Đồng là hộ đầu tiên được nhận bò sinh sản từ mô hình
Chị Nguyễn Thị Khương- xóm 6, xã Nghi Đồng là hộ đầu tiên được nhận bò sinh sản từ mô hình " 18+1". Ảnh: K.L

Chia sẻ với hoàn cảnh của chị Khương, vào ngày 8/3/2020, thông qua phát động xây dựng mô hình “18+1”, Hội LHPN xã Nghi Đồng đã trao tặng cho gia đình chị 1 con bò giống sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Chị Khương xúc động chia sẻ: “Đây là tài sản lớn nhất mà gia đình tôi có được, cũng là động lực để chúng tôi vươn lên thoát nghèo, hai vợ chồng tôi cảm ơn sự sẻ chia, giúp đỡ của hội phụ nữ nhiều lắm... ”.

Về tên gọi “18+1”, chị Đặng Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Nghi Đồng giải thích: “Mô hình có tên gọi đầy đủ là “18+1, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững", nghĩa là 18 chị giúp đỡ 1 chị thoát nghèo. Trước mắt, BCH Hội Phụ nữ xã và một số chi hội trưởng hội phụ nữ các xóm trên địa bàn gương mẫu thực hiện trước, sau đó nhân rộng ra trong toàn xã. Đây là mô hình “làm theo” Bác vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Ngoài hỗ trợ kinh phí mua bò giống thông qua mô hình “18+1”, Hội Phụ nữ xã Nghi Đồng còn triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: “Hũ gạo tiết kiệm”, Nhóm phụ nữ giúp nhau thoát nghèo, xóa nghèo có địa chỉ... Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn xã tiết kiệm được 675 triệu đồng, hỗ trợ cho 17 chị có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 26,5 triệu đồng để mua con giống phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho 23 lượt chị vay vốn để phát triển kinh tế gia đình... Qua đó, tạo sự gắn kết, chia sẻ yêu thương, “lá lành đùm lá rách’, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, không để chị em nào bị bỏ lại phía sau”.

Nhân lên “những viên gạch hồng”

Về xã Phúc Thọ, một trong những mô hình làm theo Bác được nhắc đến nhiều nhất là phong trào “Những viên gạch hồng” do Hội Nông dân xã phát động và duy trì hiệu quả từ năm 2016 đến nay. Gia đình anh Nguyễn Đình Chín, chị Nguyễn Thị Lan ở xóm 5 là một trong những hộ khó khăn được hỗ trợ gạch xây nhà. Anh Chín nhớ lại, đó là thời điểm gia đình anh lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Từ một thợ mộc có tiếng, lúc nào trong xưởng cũng có 14 - 15 thợ, do bị tai nạn nặng nên dù chữa trị khắp các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, anh Chín vẫn chịu cảnh nằm liệt giường đến 5 năm, sau đó mới nhúc nhắc đi lại nhưng di chứng nặng nề khiến anh không làm được việc nặng. Bao nhiêu vốn liếng tích góp đội nón ra đi, vợ anh vừa chăm chồng vừa một mình bươn chải buôn hải sản để nuôi các con ăn học và chăm sóc mẹ già. Căn nhà cấp 4 cũ đã xuống cấp nhưng không có điều kiện sửa chữa.

Đến năm 2018, từ phong trào “Những viên gạch hồng”, gia đình anh được hội nông dân huyện hỗ trợ 15 triệu đồng mua gạch xây nhà. May mắn nhận được thêm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, vợ chồng anh đã xây dựng được ngôi nhà mái bằng khang trang. “Tình cảm và sự sẻ chia ấy gia đình chúng tôi không bao giờ quên”, anh Chín tâm sự.
Phong trào
Phong trào "Những viên gạch hồng" do Hội Nông dân xã Phúc Thọ phát động đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Ảnh: K.L

Cũng như anh Chín, hộ chị Trương Thị Dương ở xóm 5 vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn (chồng mất, một mình nuôi 2 con nhỏ) nên đã được hỗ trợ 2 đợt gạch, với tổng số tiền gần 20 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà 2 gian, 3 phòng vững chãi và sửa sang phần sân gạch ở phía trước nhà. Nghĩa cử ấy đã giúp 3 mẹ con chị Dương có thêm niềm tin và động lực vươn lên trong cuộc sống.

"Xuất phát từ ý tưởng “một viên gạch hồng chống lại cả mùa Đông băng giá” trong những năm Bác bôn ba tìm đường cứu nước, sống và làm việc ở trời Âu, BCH Hội Nông dân xã đã trình với Thường trực Đảng ủy phát động phong trào “Những viên gạch hồng”, cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 02. Qua đó, kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức, tập thể, cá nhân trên địa bàn, con em xa quê tiết kiệm chi tiêu, ủng hộ gạch giúp gia đình hội viên nghèo sửa sang, xây mới nhà cửa, ổn định cuộc sống".

Ông Nguyễn Đình Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thọ

Phong trào được đông đảo hội viên, cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn đồng tình hưởng ứng. Nhiều cá nhân, gia đình tiết kiệm chi tiêu ủng hộ từ 2 - 5 triệu đồng, đặc biệt có cá nhân ủng hộ 15 triệu đồng, có người nghe thông tin về phong trào còn tìm đến tận văn phòng Hội Nông dân xã trao 5 triệu đồng với mong muốn góp thêm “Những viên gạch hồng” nhỏ bé giúp hộ nghèo có mái nhà vững chãi để che nắng, che mưa. 

Tính đến nay, phong trào “Những viên gạch hồng” của Hội Nông dân xã Phúc Thọ đã nhận được số tiền hơn 146 triệu đồng, ủng hộ cho hàng chục hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi trường hợp từ 15 - 20 triệu đồng mua gạch... Góp gió thành bão, mỗi viên gạch không chỉ giúp hội viên hội nông dân nghèo xây dựng, sửa sang nhà cửa khang trang mà còn góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Hỗ trợ các xóm vùng giáo xây dựng thiết chế văn hóa

Còn đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khối cơ quan trên địa bàn huyện Nghi Lộc, ngoài chọn việc làm phù hợp với vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao, nhiều năm nay, đã thực hành tiết kiệm chi tiêu cá nhân để hỗ trợ các xóm ở vùng đặc thù xây dựng, chỉnh trang thiết chế văn hóa. Phong trào này, khởi phát từ Đảng bộ cơ quan Huyện ủy từ năm 2017 và duy trì hiệu quả qua 12 năm liên tiếp.

Nhà văn xóa xóm 9 Nghi Đồng, Nghi Lộc được xây dựng khang trang. Ảnh tư liệu
Nhiều nhà văn xóa xóm ở xã Nghi Đồng, Nghi Lộc được xây dựng khang trang. Ảnh tư liệu

Theo Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Lộc Nguyễn Cảnh Thi: “Số tiền mỗi người đóng góp chỉ khoảng 50.000 đồng/tháng, nhưng chung sức lại thì thành một khoản kinh phí kha khá để làm được những công việc hết sức ý nghĩa. Đặc biệt, việc hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở của Đảng bộ cơ quan Huyện ủy đã tạo hiệu ứng tích cực và sự lan tỏa sâu rộng, tạo sự gắn bó giữa tình dân, nghĩa Đảng.

Thấy được hiệu quả thiết thực của mô hình này, năm 2018, BTV Huyện ủy đã giao cho Ban Tuyên giáo phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát thiết chế văn hóa tại các nhà văn hóa thôn, xóm, khối ở các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, BTV Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 118 - KH/HU chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc khối cơ quan phát động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiết kiệm chi tiêu cá nhân giúp đỡ xây dựng thiết chế văn hóa tại 47 xóm gặp khó khăn trên địa bàn huyện”. 

Năm 2019, Thường trực Huyện ủy Nghi Lộc tiếp tục giao cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với LĐLĐ huyện xây dựng kế hoạch, phát động trong toàn thể cán bộ, công, nhân, viên chức, người lao động tiết kiệm chi tiêu cá nhân ủng hộ xây dựng thiết chế văn hóa cho các xóm khó khăn, trong đó, ưu tiên các xóm thuộc xã đăng ký về đích nông thôn mới. Đến nay, đã phân khai nguồn hỗ trợ cho 23 xóm khó khăn của 9 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019 với tổng số tiền hỗ trợ là 260 triệu đồng để mua sắm các thiết chế văn hóa cơ sở, phục vụ sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Nhà văn hóa xóm 3 xã Nghi Phương, Nghi Lộc được xây dựng khang trang với đầy đủ thiết chế văn hóa. Ảnh: K.L
Nhà văn hóa xóm 3 xã Nghi Phương, Nghi Lộc được xây dựng khang trang với đầy đủ thiết chế văn hóa. Ảnh: K.L

Như ở xóm 3, xã Nghi Phương (có 216 hộ, 826 khẩu), nhà văn hóa xóm tọa lạc trên diện tích rộng khoảng 2.000 m2, có sân khấu đổ bê tông, sân bóng đá, bóng chuyền, phía trước có con đường to rộng, thoáng đãng với hàng cờ Tổ quốc bay phấp phới. Theo cán bộ xóm, để có cơ ngơi như hiện nay, bên cạnh huy động sức dân, xóm cũng nhận được sự hỗ trợ từ Huyện ủy và các tổ chức, đoàn thể huyện để mua sắm trang thiết bị bên trong nhà văn hóa như loa máy, phông màn...

“Sự hỗ trợ của cấp ủy và các ngành, các cấp tuy chưa phải là lớn về vật chất nhưng là nguồn động viên, cổ vũ đối với cơ sở, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia của mỗi cán bộ, đảng viên đối với cộng đồng”, ông Ngô Văn Vinh - Bí thư Chi bộ xóm 3, xã Nghi Phương cho hay. Không chỉ riêng xóm 3 mà 4 xóm vùng giáo (trước khi sáp nhập là 9 xóm) trên địa bàn xã Nghi Phương đều được hỗ trợ các thiết chế văn hóa như loa đài, bàn ghế, phông màn, gạch lát, kinh phí xây khuôn viên, bờ bao, cổng... với tổng số tiền hơn 136 triệu đồng.

Cán bộ đảng ủy xã Nghi Thuận, Nghi Lộc trao đổi với cán bộ xóm Bình Thuận về sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập. Ảnh: K.L
Cán bộ đảng ủy xã Nghi Thuận, Nghi Lộc trao đổi với cán bộ xóm Bình Thuận về sử dụng nhà văn hóa sau sáp nhập. Ảnh: K.L

Tương tự, ở xã Nghi Thuận, Nhà Văn hóa xóm 3, xóm 4 (nay đã sáp nhập với xóm 2 thành xóm Bình Thuận) được xây dựng từ năm 2004 nên đã xuống cấp, năm 2019, chi ủy, ban cán sự và người dân các xóm hết sức vui mừng khi được UBND huyện, công an huyện và chính quyền xã đầu tư, hỗ trợ gần 100 triệu đồng tân trang lại nhà văn hóa, bờ bao, sân bóng chuyền phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Nhờ những việc làm thiết thực đó mà tình cảm đoàn kết, gắn bó của bà con lương - giáo, của cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân ngày càng thêm gắn bó. Người dân đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Những con đường thoáng đãng, sạch đẹp treo cờ đảng, cờ tổ quốc là mô hình đang được nhân rộng ở Nghi Lộc. Ảnh: K.L
Những con đường thoáng đãng, sạch đẹp treo cờ tổ quốc là mô hình đang được nhân rộng ở Nghi Lộc. Ảnh: K.L

Có thể nói, lời dạy của Bác Hồ “việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm” đã được các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị, xã hội cụ thể hóa, lan tỏa sâu rộng bằng những mô hình, việc làm thiết thực. Ngoài các mô hình đã nêu trên, còn có các mô hình tiêu biểu khác như mô hình “Thắp sáng đường quê” ở các xã Nghi Văn, Nghi Vạn; mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở các xã Nghi Long, Nghi Diên, Phúc Thọ; mô hình đảm nhận em nuôi của Đoàn thanh niên huyện; mô hình tuyến đường cột cờ Đảng và cờ Tổ quốc ở các xã Nghi Long, Nghi Hưng, Nghi Tiến và thị trấn Quán Hành. Đặc biệt, mô hình “Tiết kiệm để nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ phụ nữ nghèo” dưới các hình thức nuôi lợn nhựa tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm... của Hội LHPN huyện là 1 trong 16 tập thể được BTV Tỉnh ủy Nghệ An tuyên dương điển hình tập thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020.

Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa  bàn huyện Nghi Lộc đã và đang góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ảnh tư liệu
Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã và đang góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ảnh tư liệu

Tháng Năm về, kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc soi rọi lại mình, tự giác tu dưỡng, rèn luyện; noi gương Bác, thực hiện “nói đi đôi với làm”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển.

Tin mới