Làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ tàn khốc, chết chóc hơn so với đợt đầu tiên

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai tàn khốc, chết chóc hơn so với đợt đầu tiên.
Làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ tàn khốc, chết chóc hơn so với đợt đầu tiên ảnh 1
Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: Euronews

“Virus đang lây lan với tốc độ mà ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng không thể lường trước được”, ông Macron phát biểu trên truyền hình. “Cũng như tất cả các nước láng giềng, chúng ta bị nhấn chìm bởi sự gia tăng đột ngột của virus. Tất cả chúng ta đều ở cùng vị trí, bị nhấn chìm bởi làn sóng thứ hai mà chúng ta biết sẽ tàn khốc hơn, chết chóc hơn lần đầu”.

Các biện pháp mới mà ông Macron công bố có hiệu lực từ hôm nay (30/10) và sẽ kéo dài đến ngày 1/12. Theo đó, mọi người phải ở trong nhà ngoại trừ việc mua hàng hóa thiết yếu, thăm khám hoặc tập thể dục (tối đa một giờ một ngày).

Người dân được đi làm nếu không thể làm từ xa. Các trường đại học chỉ dạy trực tuyến. Nhà máy, trang trại, một số dịch vụ công được hoạt động; nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bán đồ không thiết yếu sẽ đóng cửa ít nhất 2 tuần tới…

Theo số liệu cập nhật trên Worldometers, trong 24 giờ qua, Pháp đã có thêm 47.637 ca nhiễm mới và 235 ca tử vong. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, quốc gia châu Âu đã có 1.282.769 ca nhiễm Covid-19 với 36.020 ca tử vong.

Làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ tàn khốc, chết chóc hơn so với đợt đầu tiên ảnh 2
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Euronews

Hơn 45 triệu người mắc Covid-19

Dịch Covid-19 đến nay đã tấn công 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho 45.294.739 người, trong đó 1.185.535 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến 32.942.919 trường hợp hồi phục sau điều trị.

Mỹ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất bởi dịch Covid-19, với 9.202.426 ca nhiễm và 234.084 ca tử vong. Ấn Độ xếp thứ hai với 8.088.046 ca nhiễm và 121.131 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil, với 5.494.376 ca nhiễm và 158.969 ca tử vong.

Châu Âu đang chứng kiến số ca lây nhiễm mới tăng vọt trở lại. Ngoài Pháp, Đức - nền kinh tế số 1 châu Âu cũng phải đóng cửa nhà hàng, quán bar, nhà hát từ 2-30/11. Trường học, cửa hàng vẫn mở cửa nhưng hạn chế số người ra vào cùng lúc.

"Chúng ta phải hành động nhanh. Hệ thống y tế Đức có thể đối phó với đại dịch ngay bây giờ nhưng với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, nếu không làm gì, hệ thống y tế sẽ tới giới hạn cực đại trong vài tuần", Thủ tướng Đức Merkel cảnh báo.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu hôm 29/10, bà Merkel cho rằng phải tiếp tục mở cửa biên giới để duy trì thông thương hàng hóa nội khối, giúp kinh tế vận hành ổn định.

Trong 24 giờ qua, Đức đã có thêm 18.732 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 kể từ đầu dịch tới nay lên 498.353 người. Số ca tử vong mới được ghi nhận là 76 trường hợp, đưa tổng số người thiệt mạng lên 10.435.

Nước Anh cùng ngày ghi nhận thêm 23.065 trường hợp mắc Covid-19 và 280 ca tử vong. Hiện tổng số người nhiễm dịch của xứ sở sương mù là 965.340, trong đó bao gồm 45.955 trường hợp thiệt mạng, theo số liệu cập nhật trên Worldomters.

Tại Đông Nam Á, đứng đầu về số ca mắc trong ngày 29/10 là Indonesia với 3.565 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 404.048. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất ASEAN với 89 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 13.701.

Đứng thứ hai về ca mắc Covid-19 trong khu vực ngày 29/10 là Philippines với 1.761 ca, nâng tổng số ca mắc lên 376.935. Vùng dịch lớn thứ hai ASEAN cũng ghi nhận 33 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 7.147.

Tin mới