Lan tỏa mô hình 'Giáo họ bình yên'

(Baonghean) - Với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đồng bào công giáo trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, huyện Diễn Châu đã xây dựng mô hình “Giáo họ bình yên”. Qua 4 năm triển khai, mô hình đã tạo được sức lan tỏa và ngày càng được nhân rộng...
Xóm 4 xã Diễn Quảng là xóm giáo toàn tòng, có 373 hộ, thuộc giáo xứ Phi Lộc. Mô hình “Giáo họ bình yên” ở xóm được Công an huyện, chính quyền xã và Hội đồng mục vụ giáo xứ xây dựng từ năm 2016 với quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia vào mô hình.
Theo đó Thường trực Ban chỉ đạo của xã thường xuyên gặp gỡ Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ để trao đổi thông tin và nội dung liên quan đến công tác đảm bảo ANTT. Từ đó tạo đồng thuận, phối hợp chung tay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo ANTT trên địa bàn xã và giáo xứ. Từng hộ gia đình giáo dân ký cam kết thực hiện 7 nội dung tiêu chí xây dựng mô hình, với 100% số hộ tham gia.
Từ khi mô hình ra đời, xóm không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Xóm đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”, và được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

 Từ khi thành lập được mô hình “giáo xứ bình yên” đã làm dày thêm truyền thống của xóm. Bà con nhân dân tự hào, phấn đấu sống “tốt đời, đẹp đạo” cố gắng, giữ gìn an ninh trật tự, làm cho đẹp làng đẹp xóm đẹp quê hương. Nhờ đó mà cuộc sống bình yên hơn, ấm no hơn. 

Ông Đặng Đức Hoa - Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Phi Lộc

Mô hình “Giáo họ bình yên” ra đời được đông đảo bà con giáo dân Diễn Châu ủng hộ tham gia. Ảnh: Mai Giang
Mô hình “Giáo họ bình yên” ra đời được đông đảo bà con giáo dân Diễn Châu ủng hộ tham gia. Ảnh: Mai Giang
 
Cuộc sống bình yên của bà con tại giáo xứ Yên Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang
Cuộc sống bình yên vui tươi, phấn khởi của bà con giáo xứ Yên Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang
Trước năm 2014, thôn 2 giáo xứ Bén Đén xã Diễn Kỷ là một trong những thôn có nhiều bàn bi-a. Hình thức đánh bạc trá hình này gây sự nhức nhối trong công tác đảm bảo an ninh trật tự toàn xã. Thanh niên dùng súng tự chế gây nguy cơ phạm pháp. Nhiều lần công an xã xuống dẹp bỏ, tuyên truyền thu súng nhưng không thành công.
Vì vậy, cùng với tuyên truyền tại nhà thờ, tại xóm, Ban công tác Mặt trận và Hội đồng mục vụ giáo xứ đến tận các gia đình phân tích tác hại, vận động nhiều lần nên các chủ cơ sở đã tự nguyện dẹp bỏ bàn bi-a, thanh niên cũng tự nguyện giao nộp súng.
Thôn 2 trở thành đơn vị đầu tiên của xã thu được súng tự chế và dẹp bỏ bàn bi-a, góp phần trả lại bình yên cho xóm làng.

 Để giáo xứ bình yên thì trước những hiện tượng tiêu cực như vậy thì Ban công tác mặt trận thôn và Ban hành giáo phải vào cuộc. Sử dụng biện pháp cưỡng chế không mấy hiệu quả nên mình phải thuyết phục làm công tác dân vận một cách thấu tình đạt lý, nên họ thấm nhuần việc kinh doanh bàn bi-a không lành mạnh như vậy là vi phạm pháp luật, rồi sử dụng súng như vậy gây nguy hiểm cho xã hội nên bà con chấp nhận giao nạp lại.

Ông Nguyễn Trung Đức - Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Bén Đén

Còn Giáo họ Yên Thịnh chỉ có 25 hộ với 115 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở xóm 6, xã Diễn Liên. Bà con giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp, xuất khẩu lao động và thợ xây dựng, thu nhập đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, số gia đình đạt danh hiệu văn hóa hàng năm đều đạt trên 90%. Năm 2012, xóm 6 là làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên ở Diễn Châu, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 1,1%.
Trong xây dựng NTM bà con đã hiến đất, đầu tư kinh phí nâng cấp 2,2km đường giao thông, mở rộng giao thông nội đồng, xây mới nhà văn hóa, khu vui chơi nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Mô hình “giáo họ bình yên không có người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và chung tay xây dựng NTM” ra đời với quy chế hoạt động, sự phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên làm tốt công tác tự quản, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước; thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và chung tay xây dựng nông thôn mới.

 Mô hình “Giáo họ bình yên” được tuyên truyền lồng ghép dưới nhiều hình thức như qua hệ thống loa truyền thanh, qua các buổi họp dân, sinh hoạt tổ ANXH, các buổi rao giảng trong nhà thờ, trong sinh hoạt giáo họ… 

Ông Võ Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Diễn Liên

Ổn định ANTT đã góp phần mang đến cuộc sống no ấm cho bà con giáo họ Yên Thịnh xã Diễn Liên (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang
Ổn định ANTT đã góp phần mang đến cuộc sống no ấm cho bà con giáo họ Yên Thịnh xã Diễn Liên (Diễn Châu). Ảnh: Mai Giang
Đến nay, Diễn Châu đã thành lập được 6 mô hình giáo họ bình yên tại Diễn Liên, Diễn Quảng, Diễn Hạnh, Diễn Mỹ, Diễn Đoài, Diễn Kỷ. Từ mô hình, các thành viên đã trực tiếp hòa giải trên 50 vụ việc mâu thuẫn như, cố ý gây thương tích, tranh chấp đất đai, môi trường, gây mất trật tự xóm làng... Bên cạnh đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an và các ngành chức năng trên 100 nguồn tin có giá trị về ANTT, giúp lực lượng công an điều tra xử lý kịp thời hàng chục vụ việc liên quan đến ANTT, ATGT...

Cùng đó, việc triển khai thực hiện mô hình đã được lồng ghép, gắn kết với nhiều phong trào thi đua yêu nước của địa phương như phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Khuyến học, khuyến tài”, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn về ANTT, không có tội phạm và tệ nạn xã hội...

Tin mới