Lan tỏa tinh thần Lý Tự Trọng trong thanh niên Nghệ An

(Baonghean.vn)- Năm 2021, tròn 90 năm ngày anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên tuyên bố trước tòa án thực dân "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác" và anh dũng hy sinh.
Chi Đoàn
Chi đoàn thôn Hồng Phú, Đoàn xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) sinh hoạt với chủ đề "Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên". Ảnh Quang Thành

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, cùng với tuổi trẻ cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đã phát động đợt sinh hoạt chính trị cao điểm với chủ đề “Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên” và tưởng niệm 90 năm Ngày hy sinh của anh hùng Lý Tự Trọng (21/11/1931 – 21/11/2021).

Đây là dịp để cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên toàn tỉnh cùng tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và tấm gương hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của anh hùng Lý Tự Trọng; qua đó tiếp tục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ thanh niên đi trước đã chọn. Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, học tập, rèn luyện trong cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi, phát huy vai trò trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.
Khu di tích Lý Tự Trọng ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Khu di tích Lý Tự Trọng ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1914 tại Thái Lan, nguyên quán ở xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà.

Năm 1926, tại Thái Lan, chàng trai trẻ là 1 trong 8 người được Hồ Tùng Mậu thay mặt Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lựa chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo để xây dựng tổ chức cộng sản tại Việt Nam về sau.

Cuối năm 1926, tại Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên Lê Hữu Trọng thành Lý Tự Trọng, đưa vào nhóm "Thiếu niên tiền phong Việt Nam". Ông sau đó được cử đi học, làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Giữa năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về Việt Nam, nhận nhiệm vụ liên lạc, vận động thanh niên để thành lập Đoàn thanh niên cộng sản tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 2/1931, tại cuộc mít tinh kỷ niệm một năm Khởi nghĩa Yên Bái, khi thực dân Pháp ập tới, Lý Tự Trọng rút súng bắn chết mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bội Châu đang diễn thuyết tại quảng trường Laren. Ông lập tức bị địch bắt, giam cầm và tra tấn. Không khai thác được thông tin bí mật, thực dân Pháp mở phiên tòa, kết án tử hình Lý Tự Trọng lúc mới 17 tuổi.

Tin mới