Lặng lẽ niềm tri ân

(Baonghean) - Người Việt Nam gọi tháng Bảy là tháng tri ân, dịp này những người quản lý các di tích, khu lưu niệm các bậc tiền bối cách mạng và nghĩa trang liệt sỹ thêm phần bận rộn. Chọn công việc gắn bó với di tích và chốn yên nghỉ của những người ngã xuống vì độc lập, tự do, họ có chung tâm niệm góp một phần nhỏ bé để đền ơn, đáp nghĩa.

Hơn 20 năm trông giữ di tích

Mỗi lần đến Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942) ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), chúng tôi thường gặp người đàn ông vóc dáng nhỏ bé cần mẫn với công việc quét dọn, chăm sóc ngôi nhà tranh.

Khi cần, ông có thể giới thiệu, thuyết minh cho du khách về gia đình, quê hương và cuộc đời hoạt động của vị cách mạng tiền bối. Ông tên là Lê Văn Ngũ (SN 1949), một bệnh binh mất sức 61%, là cháu họ của cố TBT Lê Hồng Phong với 23 năm canh giữ di tích.

“Bây giờ Khu tưởng niệm được xây dựng quy mô, có Ban quản lý, có người về chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. Hồi trước, mọi việc hầu hết do tôi đảm nhiệm, vì truyền thống gia đình và trách nhiệm của một đảng viên, tôi sẵn sàng gánh vác công việc”.

Ông Lê Văn Ngũ  - người  trông coi  bảo vệ ngôi nhà tranh và các hiện vật của gia đình cố TBT Lê Hồng Phong

Điều đáng nói là lúc ấy Khu lưu niệm do UBND huyện Hưng Nguyên quản lý, nguồn kinh phí hạn hẹp nên mức phụ cấp ban đầu chỉ 20.000 đồng, sau tăng lên 30.000 đồng, rồi 50.000 đồng. Về sau, Khu lưu niệm do BQL Di tích – Danh thắng tỉnh quản lý, khoản tiền phụ cấp được tăng lên, hiện tại ở mức 1,6 triệu đồng.

Hơn 20 năm qua, ông Lê Văn Ngũ nhận trông coi, chăm sóc ngôi nhà tranh thuộc Khu lưu niệm cố TBT Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên
Hơn 20 năm qua, ông Lê Văn Ngũ nhận trông coi, chăm sóc ngôi nhà tranh thuộc Khu lưu niệm cố TBT Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Nhiệm vụ của ông Lê Văn Ngũ là trông coi, bảo vệ ngôi nhà tranh và các hiện vật của gia đình cố TBT Lê Hồng Phong. Công việc tưởng như không mấy nặng nề, ban ngày chỉ việc quét dọn nhà và khuôn viên, lau bụi bám trên các hiện vật, hương khói vào những ngày giỗ, Tết; ban đêm ngủ lại ở căn phòng phía trước cổng.

Nhưng thực ra, công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm. Những ngày nắng nóng hay mưa bão, ông Ngũ không dám chợp mắt. Mùa nắng nóng, nguy cơ cháy cao, máy bơm luôn trong tình trạng sẵn sàng, chưa kể những xô nước để sẵn xung quanh; ngày ông thường xuyên có mặt, đêm không dám ngủ, mắc võng phía trước để nằm canh. Còn mùa mưa, nhất là những ngày bão đổ bộ phải chằng chống cho ngôi nhà, túc trực ngày đêm, chờ cơn bão đi qua mới thở phào nhẹ nhõm.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là hồi mới nhận công việc, tôi giới thiệu, thuyết minh cho một vị khách về đây tìm hiểu. Không ngờ, vị khách ấy nói: “Người Hưng Thông thuyết minh về cố TBT Lê Hồng Phong không bằng người Hà Nội. Câu nói ấy khiến tôi day dứt mãi”

Ông Lê Văn Ngũ chia sẻ

Cũng từ đó ông Ngũ tìm thêm tư liệu, sách báo về đồng chí Lê Hồng Phong để đọc, nghiên cứu và bổ sung cho bài thuyết minh thêm dày dặn và trả lời các câu hỏi của khách đến tham quan. 
Ông Lê Văn Ngũ chăm sóc bàn thờ trong ngôi nhà cố TBT Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên
Ông Lê Văn Ngũ chăm sóc bàn thờ trong ngôi nhà cố TBT Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Kiên

Đã vào tuổi 70, ông Lê Văn Ngũ vẫn miệt mài công việc với tâm niệm là tình cảm, trách nhiệm của một thành viên trong gia đình, dòng họ đối với tiền nhân. Và cũng là trách nhiệm của một người cộng sản (hiện ông Ngũ 51 tuổi Đảng) đối với vị tiền bối đã hy sinh cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng. 

Làm việc bằng tấm lòng tri ân

Trên khắp toàn tỉnh có nhiều người đang tận tâm, tận tình chăm sóc phần mộ ở các nghĩa trang liệt sỹ. Mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh nhưng họ có chung một công việc và một tấm lòng, thay mặt nhân dân lo hương khói cho anh linh của những người đã ngã xuống.

Điển hình là ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1950) – người trông coi, chăm sóc tượng đài và phần mộ của 28 liệt sỹ hy sinh trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) suốt hơn 20 năm qua.

Điều đáng nói ở đây, ông Lợi là thương binh hạng nặng với tỷ lệ thương tật 98%, đôi chân đã mất, khắp người chi chít những vết thương. Vậy nhưng, năm 1995,  khi Đài tưởng niệm và phần mộ 28 liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh hoàn thành, ông Lợi viết đơn tự nguyện đảm đương việc chăm sóc. 

Nhân viên BQL Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào và chiến sỹ Trung đoàn 335 chăm sóc phần mộ liệt sỹ. Ảnh: Công Kiên
Nhân viên BQL Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào và chiến sỹ Trung đoàn 335 chăm sóc phần mộ liệt sỹ. Ảnh: Công Kiên
Trong 24 năm qua, nhờ sự chăm sóc của ông Lợi, khuôn viên tượng đài 5.000m2 nay đã thực sự sạch, đẹp và đầy vẻ linh thiêng với hơn 100 cây ăn quả đang tỏa bóng mát. Bên cạnh là những luống hoa đang tỏa hương, khoe sắc, tất cả do ông xới đất, vun luống, ươm hạt, làm cỏ, tỉa cành và chăm sóc tỉ mẩn.

“Là thương binh hạng nặng, được Nhà nước ưu đãi, vợ cũng được phụ cấp, các con đã trưởng thành nên tôi xác định làm công việc này để khuây khỏa, góp phần làm đẹp và tri ân những con người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước”.

Ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1950) - người trông coi di tích

Và, chúng tôi cũng đã từng được gặp gỡ, chia sẻ với những người làm nhiệm vụ chăm sóc gần 11.000 phần mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn). Nghĩa trang có quy mô lớn, khuôn viên rộng (gần 7 ha), trong khi nhân viên chỉ có  6 -7 người nên việc chăm sóc, tiếp đón thân nhân thật sự rất vất vả.
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 cùng nhóm 9 người đẹp trong số 25 thí sinh khu vực phía Bắc cùng các ĐVTN huyện Anh Sơn chăm sóc các ngôi mộ tại Nghĩa trang Việt Lào. Ảnh tư liệu Hoàng Hảo
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 cùng nhóm 9 người đẹp trong số 25 thí sinh khu vực phía Bắc cùng các ĐVTN huyện Anh Sơn chăm sóc các ngôi mộ tại Nghĩa trang Việt Lào. Ảnh tư liệu Hoàng Hảo
Ở đây, có chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1977) đã gắn bó với công việc 20 năm với bao kỷ niệm vui, buồn. Chị Hiền nhớ nhất là lần 2 thân nhân đi chiếc xe đạp cà tàng từ huyện Thanh Chương lên viếng mộ, dọc đường xe bị thủng săm nên đến nghĩa trang vừa lúc tối mịt. Trời mưa, gió lạnh, 2 người khách đói run, chị và bác Nguyễn Văn Uy (Trưởng BQL thời điểm ấy) đã dành bữa cơm tối cho họ, phần mình pha mì tôm ăn tạm. Sau bữa ăn, chị Hiền dọn dẹp phòng khách, nhường chăn, màn của mình cho thân nhân liệt sỹ.
Còn anh Nguyễn Sỹ Sáu có thâm niên 15 năm làm công việc quản lý danh sách phần mộ liệt sỹ nên nắm rõ từng vị trí, số hiệu của khoảng 3.000 ngôi mộ có đủ thông tin và 500 ngôi mộ thiếu thông tin. Nhà cách chỗ làm việc gần 40 km, chỉ về thăm gia đình vào ngày nghỉ, vậy mà có những hôm vừa về đến nhà, đang ăn cơm tối, anh nhận được điện có thân nhân đến làm thủ tục chuyển mộ về quê. Vậy là, bỏ dở bữa cơm, chạy xe ngược lên để kịp làm các thủ tục cho thân nhân bốc mộ liệt sỹ, xem như không có ngày nghỉ bên gia đình.
Những ngày này, xã hội đang tích cực tổ chức hoạt động tri ân các gia đình cách mạng và anh hùng, liệt sỹ, những người quản lý các khu lưu niệm, nghĩa trang cũng đang miệt mài với công việc chăm sóc hương khói. Công việc âm thầm, lặng lẽ nhưng đã tô điểm thêm cho nét đẹp của lòng tri ân và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Tin mới