Lắng nghe tiếng nói người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với sự tham gia của gần 80 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An, Tọa đàm "Mặt trận lắng nghe tiếng nói người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số" đã ghi nhận nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị quan trọng nhằm góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Sáng 26/8, UB MTTQ tỉnh tổ chức Tọa đàm “Mặt trận lắng nghe người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020”. đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì Hội nghị.
Sáng 26/8, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Tọa đàm “Mặt trận lắng nghe người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2020” dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh. Dự buổi Tọa đàm có đại diện  Ban Dân tộc tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và gần 80 người có uy tín đến từ địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Đảm bảo chính sách, quyền lợi cho người có uy tín

Đã gần 10 năm từ khi được bầu là Người có uy tín bản Làng Bộng (xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn), ông Ngân Văn Chính cũng là người đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của bản. Sau khi tiến hành chủ trương sáp nhập thôn bản, bản Làng Bộng cùng thôn 8 và thôn 1 được thành lập có tên gọi là xóm Hùng Thành với hơn 70% là bà con đồng bào dân tộc Thái.

Sau khi sáp nhập, địa bàn rộng hơn gần như gấp 3, số hộ gia đình cần tuyên truyền, vận động lên tới hơn 250 hộ. Việc đi lại, họp hành, hòa giải, tuyên truyền thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn cho bà con cũng vì thế mà cần thêm nhiều thời gian, công sức.  

Trước những khó khăn nảy sinh từ thực tiễn cần giải quyết, điều mà ông Ngân Văn Chính băn khoăn đó chính là đội ngũ người có uy tín như ông do cơ quan, ban, ngành cụ thể nào trực tiếp quản lý để mình được hướng dẫn, đồng hành một cách cụ thể, sâu sát hơn.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Ông Ngân Văn Chính là người có uy tín tại Làng Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn bày tỏ băn khoăn liên quan đến những tiêu chí, chế độ chính sách và cơ quan quản lý người có uy tín trong quá trình hoạt động. Ảnh: Thanh Quỳnh

Liên quan đến vấn đề đảm bảo chính sách, quyền lợi cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lầu Xây Hờ ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho rằng, thời gian qua đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành quan tâm hơn, sâu sát hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát huy vai trò người có uy tín nên chưa quan tâm chỉ đạo, phân công quản lý, vận động người có uy tín một cách hiệu quả. Công tác vận động người có uy tín còn chồng chéo, chưa phân công rõ quyền lợi và tránh nhiệm của người có uy tín, chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng…

Từ các trăn trở trên, nhiều đại biểu đề xuất đến việc tăng cường bồi dưỡng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường một cách cụ thể, rõ ràng hơn. Đồng thời cần phân định cấp độ quản lý, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả.
Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp giải thích các nhóm nội dung liên quan đến kiến nghị, phản ánh của những người có uy tín tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh
Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trực tiếp giải thích các nhóm nội dung liên quan đến kiến nghị, phản ánh của những người có uy tín tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh
Liên quan đến những vấn đề trên, đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số do địa phương quản lý. Tuy nhiên, cụ thể là cấp xã, huyện hay ban, ngành nào trực tiếp phụ trách thì chưa có quy định cụ thể.
Trước mắt, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh ta có các cơ quan phụ trách, gồm Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và Biên phòng tỉnh. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền cũng là "chỗ dựa" vững chắc để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của đội ngũ những người có uy tín. 
Đối với chế độ, chính sách đối với người có uy tín cũng đã được quy định rõ trong Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, đây là căn cứ quan trọng để các đại biểu nắm được quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Ảnh: Thanh Quỳnh
Có gần 20 lượt ý kiến tập trung vào nhiều vấn đề dân sinh đến từ  đội ngũ những người có uy tín nêu ra tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh
Quan tâm nhiều vấn đề dân sinh
Tại buổi tọa đàm, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là hệ thống cơ sở hạ tầng tại địa bàn miền núi còn nhiều bất cập.  Ông Lô Văn Hiền, bản Vều, xã Phúc Sơn phản ánh, thời gian qua, bà con trong bản đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng trồng chè tập trung hàng hóa. Đồng thời, nơi đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khắp mọi miền khi đến Anh Sơn. Tuy nhiên, các tuyến đường trọng yếu của bản đang xuống cấp trầm trọng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch địa phương cũng như vận chuyển nông sản đi tiêu thụ trong mùa thu hoạch. 

Cùng chung ý kiến trên, đội ngũ những người có uy tín cũng đề cập đến nhiều khó khăn khi thiếu điện, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, một thực trạng đáng buồn còn tồn tại khi người dân miền núi gần rừng nhưng không được hưởng lợi từ rừng. Đặc biệt, nhiều gia đình ông sống cạnh khu rừng thuộc khu bảo tồn hoặc rừng phòng hộ nhưng vẫn thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế ổn định, cuộc sống gia đình luôn khó khăn.

Ảnh minh họa Đào Thọ
Hệ thống điện, đường, trường, trạm thiếu và yếu là những vấn đề được nhiều già làng, người có uy tín phản ánh. Ảnh minh họa Đào Thọ

Trước những phản ánh trên, đại diện Ban Dân tộc tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Thường trực MTTQ tỉnh cũng đã có những giải đáp cụ thể. Theo đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh tuy đã được quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.
Khắc phục tình trạng này, những năm tiếp theo tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, lồng ghép tốt các chương trình, phát huy sức mạnh và đóng góp của người dân trên địa bàn để xây dựng thêm công trình hạ tầng thiết yếu; tranh thủ huy động vốn từ các chương trình mục tiêu đầu tư giảm nghèo của Trung ương; ưu tiên bố trí đầu tư cho những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện khó khăn. 

Thời gian tới, các già làng, người có uy tín cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm để tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương về giảm nghèo, với hy vọng đời sống đồng bào có sự phát triển; diện mạo nông thôn miền núi khởi sắc.

Tin mới