Lắng nghe trẻ bằng trái tim, bảo vệ trẻ bằng hành động

(Baonghean) - Nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019 với chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.
P.V: Để khơi dậy và lan tỏa các hoạt động hướng về trẻ em, mỗi năm, ngành LĐ-TB&XH sẽ chọn một chủ đề thiết thực để huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Năm nay, chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” có điều gì đặc biệt? 
Ông Vi Ngọc Quỳnh: Việc chọn chủ đề Tháng hành động vì trẻ em 2019: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, được Bộ Lao động TB&XH thống nhất toàn quốc; Tuy nhiên ở Nghệ An chúng ta lồng ghép thêm chủ đề: Phòng chống xâm hại, bạo lực, phòng chống đuối nước trẻ em. Các hoạt động trong tháng hành động vì trẻ em sẽ tập trung truyền tải những thông điệp ý nghĩa như chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, không để trẻ nào bị bỏ lại phía sau, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. 
Ông Vi Ngọc Quỳnh trao đổi với phóng viên. Ảnh: Thanh Nga
Ông Vi Ngọc Quỳnh trao đổi với phóng viên. Ảnh: PV
P.V: Rõ ràng không phải đến khi phát động chủ đề này thì chúng ta mới hưởng ứng, mà lâu nay, hoạt động hướng đến trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An rất được quan tâm. Cụ thể về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Vi Ngọc Quỳnh: Quả thực đối với nhóm trẻ em này, từ lâu chúng ta đã thường xuyên có sự quan tâm, có những hỗ trợ chuyên biệt gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc những chương trình thiện nguyện của các tổ chức, xã hội. Vì thế, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở tỉnh ta được chăm sóc đạt 92%. Chúng ta cũng là tỉnh nằm trong top đầu triển khai xây dựng sớm Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Niềm vui của trẻ em người Khơ mú với trò chơi mới.  Ảnh: Đình Tuân
Niềm vui của trẻ em người Khơ mú với trò chơi mới. Ảnh: Đình Tuân
Quỹ Quỹ Bảo trợ trẻ em do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Sở Lao động, TB&XH là Phó thường trực Hội đồng, các thành viên là các Sở, ban ngành và Giám đốc một số đơn vị. Hội đồng thường xuyên tổ chức kêu gọi vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ nguồn lực vào Quỹ để hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bình quân mỗi năm từ 15 đến 20 tỷ đồng. Chỉ tính năm 2018, huy động được 15 tỷ vào quỹ BTTE tỉnh. Thông qua các hoạt động xây dựng các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, tặng quà, trao học bổng, xe đạp, xe lăn, phẫu thuật miễn phí cho trẻ khuyết tật các loại, nhất là trẻ em vùng miền núi, dân tộc.

Đi về các vùng, miền trong những chuyến thăm hỏi, tặng quà, chúng tôi vô cùng xúc động khi thấy được niềm vui, ánh mắt hạnh phúc của trẻ em nghèo khi nhận được những món quà nhỏ. Nhiều em chỉ mơ ước có được chiếc áo ấm hơn, chiếc cặp sách lành lặn hơn. Nhiều em đi học xa nhà chỉ ao ước có chiếc xe đạp để đi, nhưng mơ ước đó của các em không thể thành hiện thực nếu chúng ta không huy động được sự ủng hộ của các tổ chức thiện nguyện. 
P.V: Bên cạnh nỗ lực chăm lo cho trẻ đầy đủ hơn về đời sống vật chất, thì việc nâng chất lượng đời sống tinh thần, giúp trẻ được thụ hưởng tuổi thơ hạnh phúc, bình yên là điều hết sức quan trọng. Ông có thể thông tin thêm về những nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong vấn đề này?
Ông Vi Ngọc Quỳnh: Có thể nói, hướng đến nhóm đối tượng này chúng ta thực sự đã có những hành động thiết thực, mang lại lợi ích về vật chất cũng như tinh thần cho trẻ.

Song song với những việc chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta luôn huy động các nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ được thực hiện đầy đủ hơn những quyền cơ bản của trẻ em, như là: quyền được học tập nói chung và phát triển các năng khiếu nói riêng; quyền được vui chơi giải trí; quyền được tham gia các vấn đề về trẻ em, từ đó, giúp trẻ có một đời sống tinh thần tốt nhất, được phát triển toàn diện về đức, trí thể, mỹ phù hợp với điều kiện địa phương.

Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh & Xã hội

Ngày hè của trẻ em xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Hồ Sỹ Hùng
Ngày hè của trẻ em xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Hồ Sỹ Hùng
Điển hình như huyện Quế Phong tổ chức các lớp học nhạc, thanh nhạc, múa và võ thuật trong dịp hè; huyện Anh Sơn tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi vào tối thứ Bảy hàng tuần với nhiều nội dung bổ ích, đặc biệt là được hướng dẫn về kỹ thuật bơi và sơ cứu người bị đuối nước; Thị xã Cửa Lò tổ chức hội thi và truyền thông về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ; huyện Kỳ Sơn tổ chức các hoạt động hè cho các học sinh như hướng dẫn tập đọc báo, vẽ tranh, tổ chức văn hóa, văn nghệ vui chơi cho trẻ em; huyện Quỳ Châu tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí như đẩy gậy, kéo co, tung còn, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, bóng đá, bóng chuyền mini... thu hút đông đảo trẻ em tham gia. 
Ảnh: P.V
Niềm vui trẻ thơ. Ảnh tư liệu
Rõ ràng "món ăn" về tinh thần cho trẻ không chỉ hướng đến nhóm đối tượng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mà bất cứ trẻ em nào cũng cần được tạo điều kiện để vui chơi an toàn, bổ ích trong dịp hè. Có sân chơi trong dịp hè cho trẻ đồng nghĩa với việc hạn chế những tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra. 
P.V: Một trong những vấn đề hiện đang được lưu tâm hàng đầu là phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trong dịp hè. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 34 vụ đuối nước trẻ em, có những vụ đuối nước tử vong 2-5 nạn nhân, không ít vụ nạn nhân đuối nước là anh, chị em trong gia đình, họ hàng... Chúng ta đã, đang và sẽ cần phải làm gì quyết liệt hơn để hạn chế tối đa những số liệu thống kê thương tâm này?
Ông Vi Ngọc Quỳnh: Việc phòng chống đuối nước cho trẻ em nói chung đặc biệt phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè được coi là vấn đề cấp bách cần có sự vào cuộc của toàn xã hội.
Xác định rõ vấn đề trên ngay từ đầu năm Sở đã chủ động Ban hành văn bản hướng dẫn công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em gửi các địa phương thực hiện; Chủ động phối hợp với các sở, ngành triển khai kế hoạch liên ngành dẫn ký kết giữa Sở Lao động TBXH và các sở ngành liên quan trong thực hiện công tác PCTNTN và đuối nước trẻ em.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tháng hành động vì trẻ em năm 2019 trong đó có đầy đủ các nội dung, giải pháp phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước; đồng thời ký cam kết giữa chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Cơ quan thường trực ban công tác trẻ em tỉnh về thực hiện các nội dung, giải pháp phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. 
Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em tại huyện Anh Sơn. Ảnh: P.V
Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em tại huyện Anh Sơn. Ảnh: P.V
Sở cũng đã  phối hợp với các huyện phát động và triển khai các lớp tập huấn kỹ năng bơi; giao các huyện xây dựng kế hoạch, kinh phí. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các huyện, các địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh bổ ích trong dịp hè cho trẻ. 
Phần lớn các vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra đều do trẻ em không biết bơi do đó đây cũng là kỹ năng quan trọng nhất để trẻ phòng chống đuối nước. Tuy vậy hiện nay hoạt động dạy bơi cho trẻ chưa thật sự hiệu quả. Nhiều trường và các bậc phụ huynh đã tổ chức cho trẻ em học bơi nhưng vì nguồn kinh phí xây dựng và duy trì hồ bơi rất lớn lại phải bổ sung giáo viên phụ trách nên gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó sự phối hợp giữa gia đình nhà trường và các đoàn thể có nơi chưa chặt chẽ, chưa tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ.
Dân gian có câu: Có phúc để con biết bơi lội/Có tội để con biết trèo. Vì thế các bậc làm cha mẹ cần phải chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các tổ chức đoàn thể, chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng liên quan trong việc quản lý, bảo vệ chăm sóc giáo dục con trẻ. 
Diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em tại huyện Quế Phong. Ảnh: P.V
Diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em tại huyện Quế Phong. Ảnh: P.V
P.V: Trong đợt phát động “Tháng hành động Vì trẻ em”, mỗi đơn vị tham gia lễ phát động đều ký cam kết. Theo ông, việc ký cam kết có ràng buộc gì và tác động như thế nào đến ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, những người giám hộ trẻ; làm thế nào để ký kết không chỉ ý nghĩa... trên giấy?

Ông Vi Ngọc Quỳnh: Khi ký vào cam kết, mỗi đơn vị, tổ chức đều ý thức được trách nhiệm của mình. Địa phương sẽ phải chủ động trong việc kết nối, phối hợp để dành những nguồn quỹ cho trẻ; sẽ phải trăn trở đến hiệu quả của các lớp trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ. Trăn trở việc tạo những sân chơi gì cho những ngày hè, có thu hút trẻ không? Vì vậy, ký cam kết ở đây không phải là ký phong trào mà rõ ràng sau đợt phát động, mỗi tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu cần có kế hoạch hành động cụ thể. 
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tin mới