Làng thuyền tôn xứ Nghệ tất bật ngày mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Những ngày mưa lũ diễn ra triền miên khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, người làm nghề đóng thuyền tôn tại Nghệ An phải tăng cường sản xuất, cung ứng lượng thuyền cho bà con ứng phó với mưa lũ.

Sản xuất thuyền tôn mùa mưa bão. Clip: Nguyên Châu

Đi dọc tuyến đường Phạm Hồng Thái (TP. Vinh) qua địa phận xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên thời điểm hiện tại, không khó để nghe thấy tiếng gõ tôn râm ran một vùng. Các cơ sở gò, hàn đều căng mình làm việc liên tục trong những ngày mưa lũ, trong đó, thuyền tôn là mặt hàng chủ lực, được nhiều người đặt hàng trong những ngày qua.

Làng thuyền tôn tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên tất bật sản xuất những ngày mưa lũ. Ảnh: Nguyên Châu

Làng thuyền tôn tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên tất bật sản xuất những ngày mưa lũ. Ảnh: Nguyên Châu

Bà Nguyễn Thị Hạ ở xã Hưng Thịnh - chủ cơ sở sản xuất thuyền tôn lâu năm trên địa bàn cho biết: Cứ vào mùa mưa lũ, chúng tôi đều phải thuê thêm nhân lực để sản xuất thuyền kịp tiến độ. Những ngày qua, khi lũ lụt diễn ra khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, đã có lượng lớn người dân và các tổ chức, đoàn thể đến mua thuyền tôn để ứng phó cũng như hỗ trợ cho bà con, do đó, thuyền được tiêu thụ mạnh hơn so với các tháng trước.

Bà Hạ cho biết, việc làm ra một chiếc thuyền tôn không khó, tuy nhiên, phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và chấp nhận làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn. Tiếng gõ tôn râm ran cả ngày đã ăn sâu vào tiềm thức của những người dân nơi đây. Trung bình mỗi người thợ khéo tay có thể làm được 3 - 4 cái thuyền mỗi ngày, những ngày mưa bão, nhu cầu của thị trường tăng lên, các hộ sản xuất đều phải thuê thêm người để phục vụ đủ cho người dân.

Các loại thuyền có nhiều kích thước để người dân lựa chọn. Ảnh: Nguyên Châu

Các loại thuyền có nhiều kích thước để người dân lựa chọn. Ảnh: Nguyên Châu

Được biết, giá cả của các loại thuyền tôn cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào kích thước và độ dày, mỏng của tôn. Thường các cơ sở sản xuất đều làm sẵn thuyền với độ dài trung bình từ 2,5 - 3 mét, những người nào có nhu cầu làm kích thước lớn hơn thì có thể trao đổi với chủ cửa hàng. Trung bình, mỗi thuyền tôn loại nhỏ có giá từ 400.000 - 700.000 đồng, loại lớn từ 1,5 - 2 triệu đồng, giá có thể cao hơn tùy theo yêu cầu của khách.

Mặc dù vậy, hiện nay việc sản xuất thuyền tôn đang gặp khó khăn khi giá nguyên liệu tăng cao. Tuy nhiên, do thường bán vào mùa mưa bão, tính cấp bách cao, nên các chủ cơ sở thường không tăng giá vì vừa bán, vừa chia sẻ với bà con trong mùa mưa lũ.

Người dân mua thuyền tôn về để tránh lũ lụt. Ảnh: Nguyên Châu

Người dân mua thuyền tôn về để tránh lũ lụt. Ảnh: Nguyên Châu

Ông Trương Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: Trên địa bàn có làng nghề đóng thuyền tôn lâu năm với hàng chục hộ dân. Vào mùa mưa bão, người dân và các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh đều đổ về để mua thuyền sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Những ngày qua, mưa lũ trên địa bàn tỉnh rất khốc liệt, do đó, mặt hàng này được rất nhiều người tìm đến vì giá thành rẻ nhưng lại rất thiết thực. Hiện địa phương cũng đang có định hướng xây dựng làng nghề để sản xuất bài bản, nâng cao chất lượng, cung ứng đầy đủ số lượng thuyền cho người dân các vùng thiên tai.

Người dân huyện Hưng Nguyên dùng thuyền tôn để di chuyển trong những ngày qua. Ảnh: Nguyên Châu

Người dân huyện Hưng Nguyên dùng thuyền tôn để di chuyển trong những ngày qua. Ảnh: Nguyên Châu

Thực tế trong những ngày mưa lũ vừa qua, người dân tại các vùng bị cô lập buộc phải di chuyển bằng thuyền mới có thể ra ngoài, trong khi chi phí để mua thuyền máy lên đến hàng chục triệu đồng thì việc mua thuyền tôn vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa có thể di chuyển qua vùng lũ là rất cần thiết. Đặc biệt, nếu dùng thuyền gỗ sẽ bị mục nát theo thời gian, nhiều hộ còn chặt thân cây để kết thành bè di chuyển rất nguy hiểm, do đó, dùng thuyền tôn vẫn khả thi hơn so với các phương tiện khác.

Tin mới