Làng trống nổi danh nhất Bắc Trung bộ chỉ còn là dĩ vãng

(Baonghean.vn) - Thời Pháp thuộc, làng nghề làm trống xã Nghi Đức (thành phố Vinh) nức tiếng cả vùng Bắc Trung bộ. Năm tháng đi qua, làng trống xưa chỉ còn chưa đến 10 nhà giữ nghề truyền thống này. 

Theo lời kể của các nghệ nhân trong vùng, nghề làm trống Nghi Đức có cách đây hơn 100 năm, tính đến nay đã có trên dưới 10 thế hệ gắn bó với nghề này. Thuở ấy, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, rất nhiều người đổ về Nghi Đức mua trống, học nghề. Trống Nghi Đức đã từng nức tiếng cả một dải Bắc miền Trung và kéo dài cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước. 

Làm trống chia ra nhiều công đoạn: ra gỗ, lắp ghép vỏ trống, bào vỏ trống, thuộc da bò, làm trơn vỏ, bịt mặt trống, làm trơn và đẹp trống. Mỗi công đoạn cần sự tỉ mỉ, khéo léo mới tạo ra được một chiếc trống ưng ý. Trống được làm bằng gỗ mít, đai trống dùng bằng dây mây, mộng chốt trống được làm từ tre...

10
Da bò là nguyên liệu không thể thiếu đối với nghề làm trống. Trước khi tang vào trống da bò được phơi nắng trong 2 ngày.

Ngày nay đến Nghi Đức, hỏi thăm những nghệ nhân còn lại của làng nghề, ai cũng chung một nỗi niềm, rằng nghề trống đã mai một và sẽ không thể tồn tại được nữa. Ông Nguyễn Đức Mười (xóm Xuân Đồng) là đời thứ 4 của dòng họ Nguyễn theo nghề làm trống.

Ông Mười làm trống bắt đầu từ năm 1983, tính đến nay đã hơn 30 năm có lẻ. Gia đình ông từng là một trong những hộ có thu nhập khá từ nghề này. Nhưng gặp ông Mười bây giờ, ông buồn bã: “Chắc làm xong những cái trống còn lại ngoài sân kia tôi sẽ nghỉ hẳn”.

Nghề làm trống Nghi Đức bây giờ chỉ còn được lưu giữ bởi 10 hộ gia đình như một nghề hoài cổ.
Nghề làm trống Nghi Đức bây giờ chỉ còn được lưu giữ bởi 10 hộ gia đình như một nghề hoài cổ.
12
Những miếng vỏ trống bằng gỗ mít được phơi nắng trước khi ghép. Giờ đây làng trống Nghi Đức chỉ còn làm các loại trống kích thước nhỏ.

Để hoàn thành một cái trống, ít nhất phải mất đến 2 - 3 ngày nếu làm liên tục, thậm chí nhiều hơn bởi còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết khi phải phơi vỏ trống, dây mây làm đai trống, da bò làm mặt trống... “Công sức bỏ ra nhiều, vất vả lắm nhưng lãi thu về không ăn thua”, ông Nguyễn Văn Hồng – người có kinh nghiệm hơn 30 năm làm trống ở xóm Xuân Đức cho biết. 

Theo tìm hiểu, giá trống hiện nay khá rẻ. Trống đặt hàng giá có nhỉnh hơn: 2 triệu đồng cho loại có đường kính 40cm, 2,5 triệu đồng cho cỡ 45 cm... Trống làm sẵn để nhập vào chợ đầu mối thì giá rẻ hơn nhiều. Thu nhập trung bình mỗi tháng từ nghề làm trống chỉ vào khoảng 3 - 4 triệu đồng.

7
Những chiếc trống chuẩn bị hoàn thành 

Về làng trống Nghi Đức bây giờ, chỉ còn những người thuộc thế hệ ông, cha là còn lưu giữ lại chút nét xưa của nghề truyền thống. Thế hệ con cái của những gia đình làm trống "gia truyền" cũng đã thoát ly theo nghề khác. Tiếc cho một nghề cổ từng "vang bóng một thời”. 

Thiên Thiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới