“Làng Trường Sa” ngày cuối năm

Khi những cành đào đang hé nở sắc xuân, phố phường ngập tràn câu đối đỏ, hoa tươi, các trang mạng xã hội người người, nhà nhà đua nhau cập nhật tình hình về quê ăn Tết thì tại nhiều gia đình của lính đảo Trường Sa ở Nghi Lộc vẫn đang bồi hồi, chộn rộn chờ tin về Tết của những người con, người chồng, người bố nơi đảo xa.

“Tết này con bận trực, lại lỡ hẹn đón Tết đoàn viên cùng gia đình!”. Đang tất bật dọn nhà đón Tết Kỷ Hợi, ông Nguyễn Hữu Thương, trú tại xóm 16, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) bất chợt nhận được tin nhắn của con trai Nguyễn Hữu Trung – hiện đang công tác tại Đoàn Kiểm ngư, Bộ Quốc phòng gửi về. Nét buồn thoáng qua khuôn mặt rất nhanh, ông Thương lại tiếp tục công việc của mình, xem đó là chuyện quá đỗi thường tình mỗi độ Tết đến, Xuân về.

“18 năm công tác ở Trường Sa, chỉ mới vỏn vẹn 2 năn đón Tết cùng gia đình. Thời gian đầu, vợ chồng tôi cũng tâm tư lắm, nhưng vì biển đảo quê hương, vì sự bình yên nơi tiền tiêu Tổ quốc nên cũng lấy đó mà làm niềm an ủi”. Ông nói, rồi kể thêm: Năm 2001, anh Trung – con trai ông gia nhập quân ngũ, biền biệt từ đó cho đến nay. Hơn 8 năm kể từ khi lập gia đình, cả nhà ông Thương cũng ít khi có cơ hội gặp con dâu và cháu nội, vì vợ con anh Trung đều đang ở quê ngoại ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Kiểm ngư nên gần như năm nào cũng đón Tết lênh đênh ngoài khơi xa. Năm nay, anh Trung cũng ăn Tết trên biển cùng các đồng đội khi phải trực 45 ngày.

Nhớ lại những kỷ niệm về đứa con trai duy nhất trong gia đình nối nghiệp bố, ông Thương chia sẻ: “Trung cao lớn nhất nhà nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi và cũng là thằng mạnh mẽ nhất trong các con của bác. Nhớ hồi nó mới nhập ngũ chưa đầy 5 tháng, mẹ nó bị bệnh ung thư qua đời, hiểu phép tắc quân ngũ, thêm phần không muốn con buồn, ảnh hưởng tinh thần của cháu nên bác không báo tin cho Trung. Khi hậu sự đã xong xuôi, Trung mới về chịu tang 100 ngày mẹ nó.
Thời điểm xảy ra vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, ròng rã suốt 6 tháng trời, do đặc thù công việc, Trung lên tàu kiểm ngư làm nhiệm vụ rồi bặt tin với vợ con, gia đình. Mãi đến khi theo tàu về Đà Nẵng bổ sung lương thực và nhu yếu phẩm nó mới gọi điện về báo tin cho gia đình.”

Dù là người có tinh thần thép, song có lúc ông Thương cũng nghĩ khôn nghĩ dại, ngộ nhỡ có điều không hay đã xảy ra. Nhưng rồi, với niềm tin của một người lính đảo, ông vẫn vững lòng, trở thành chỗ dựa, niềm tin để động viên mọi người trong gia đình. Sau cuộc điện thoại ngắn ngủi, mọi người vỡ òa hạnh phúc còn riêng ông Thương quay đi, giấu vội giọt nước mắt.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Thương nguyên Phó ban Chỉ huy Quân sự xã Phúc Thọ từng có thời gian 17 năm trong quân ngũ, từng tham gia đánh giặc Pon Pốt, 11 năm lính đảo Thổ Chu và cũng đã từng đón giao thừa trên đảo xa nên rất thấu hiểu, chia sẻ cảm giác của người lính đón Tết nơi tiền tuyến, cũng như tâm tư của người thân ở hậu phương mỗi dịp Tết đoàn viên.

Cùng nỗi niềm có con trai đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời ở đảo Trường Sa, bà Doãn Thị Oanh (ở xóm 16, xã Phúc Thọ), có con trai Trần Nguyên Hồng – hiện đang công tác tại Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, đóng quân ngoài đảo Trường Sa.

Dù chồng của bà Oanh, bố của anh Hồng là ông Trần Nguyên Ty (thương binh 1/4 từng làm bộ đội đặc công thuộc Quân khu 4 chiến đấu tại Quảng Trị năm 1968) từ nhiều năm nay bị bệnh tai biến phải nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày đều do một tay bà Oanh chăm sóc nhưng bà vẫn luôn động viên con.

Không ngăn nổi hai dòng nước mắt khi nhắc về người con trai, bà Oanh xúc động: “4 tháng trước ông nhà tôi nguy kịch, thằng Hồng cắt phép 10 ngày để về thăm bố mẹ nên Tết này không về nữa. Mặc dù rất nhớ con nhưng vì nhiệm vụ của Đảng và đơn vị giao phó, người hậu phương nơi quê nhà đành vững tâm để tiếp thêm nguồn động lực, ý chí cho Hồng yên tâm cống hiến. Những lúc mẹ con được gần nhau, hoặc qua mỗi cuộc điện thoại ngắn ngủi, tôi vẫn thường động viên con rằng, nghiệp con đã chọn, thôi thì ở đâu cũng là người lính, dù đất liền hay đảo xa đều chỉ mong con luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững lãnh thổ vùng biển Quốc gia thế là mẹ mừng vui lắm rồi.”

Tròn 3 năm chưa được nhìn thấy mặt chồng, Tết này đối với cô giáo mầm non Vương Thị Hoài, giáo viên trường Mầm non xã Nghi Thái (Nghi Lộc) mang ý nghĩa đặc biệt khi cách đây ít ngày, cô nhận được điện thoại của chồng báo tin sẽ về đón Tết cùng vợ con. “Chồng tôi là anh Anh Lê Hồng Tuấn hiện đang công tác tại Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải Quân. Còn khoảng 10 ngày nữa anh ấy về, đã 3 năm rồi vợ chồng tôi chưa gặp nhau. Ngày bố gọi điện báo tin, thằng Huy (con trai đầu của vợ chồng chúng tôi) chạy khắp xóm chỉ để khoe với mọi người Tết nay bố về đón Tết cùng 3 mẹ con.

Kể từ ngày chào đời đến nay, số lần gặp bố chỉ đếm trên đầu ngón tay thế nhưng cu Huy “cam” bố lắm. Giao thừa được bố cõng đi xem pháo hoa, đêm ngủ bố cho kê tay, nằm nghe kể chuyện ở đảo nó “khoái” lắm!” – chị Hoài tâm sự.

Với chị, làm vợ lính khó khăn nhiều vô kể mà tự hào cũng vô biên. Vợ chồng anh chị cùng quê huyện Nghi Lộc nhưng lại bén duyên ở miền biển Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 2005, khi chị đang là cô sinh viên trường sư phạm, còn anh đang là bộ đội đất liền, anh chị tình cờ gặp nhau. Tình yêu của họ đơm hoa bằng một lễ cưới tại quê nhà vào năm 2009.

Nhìn về phía các cháu đang chơi cùng những món quà từ Trường Sa mà chồng tặng, chị Hoài tâm sự: “Còn nhớ những ngày đầu về làm vợ anh chưa đầy nửa năm thì anh nhận nhiệm vụ ra đảo, xa chồng biền biệt, tất cả niềm thương nhớ chỉ có thể trao vội qua cuộc điện thoại chập chờn anh gọi về, có hôm mất sóng anh Tuấn phải leo lên những tảng đá cao để nói chuyện với vợ con. Tết đến, gia đình họ đoàn tụ còn chồng mình làm nhiệm vụ không về, lắm lúc thấy tủi phận ghê gớm nhưng lâu rồi cũng thành quen. Hiểu chồng, tôi càng thương anh hơn, dù thiếu vắng người đàn ông trụ cột tôi vẫn lo cho 2 con có cái Tết ấm cúng, đầy đủ.”

Ông Nguyễn Bá Hải, Phó Ban Chỉ huy quân sự xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) cho biết: Xã Phúc Thọ nhiều năm nay có số lượng người công tác ở Trường Sa gồm cảnh sát biển, kiểm ngư và các nhà giàn rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có khoảng 150 người đã và đang công tác ở các đảo chìm, đảo nổi tại Trường Sa. Thời điểm hiện tại, có hơn 20 gia đình có con đang làm nhiệm vụ ở các đảo.

Lý giải về việc có nhiều người trên địa bàn làm nhiệm vụ tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió, ông Hải cho rằng đó là truyền thống của quê hương Phúc Thọ, nối nghiệp cha ông để bảo vệ vững chắc quê hương, biển đảo đã trở thành mệnh lệnh, ngấm vào máu thịt của mỗi người con vùng Phúc – Thái – Thọ nói chung và người dân xã Phúc Thọ nói riêng.

Thượng tá Hoàng Văn Liên – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Nghi Lộc cho biết: Theo số liệu thống kê năm 2017, toàn huyện có hơn 100 cán bộ, chiến sỹ hiện đang làm nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, lãnh đạo địa phương luôn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình cán bộ, chiến sỹ.

Những ngày cuối cùng của năm 2018 đang dần khép lại, không khí Tết cổ truyền đã chộn rộn khắp mọi nơi. Năm hết, Tết đến là dịp để sum họp, đoàn viên, song ở những “làng lính đảo Trường Sa” trên quê hương xứ Nghệ, cảm nhận được những người cha, người mẹ, người vợ và những đứa trẻ đón Tết, vui Xuân mà không có con, chồng, cha bên cạnh, mới thấy được sự hy sinh thầm lặng đó lớn lao đến nhường nào. Dẫu lắm lúc buồn tủi, thương nhớ song họ vẫn luôn làm tốt vai trò hậu phương, là điểm tựa vững vàng để các anh “chân cứng đá mềm” nơi đầu sóng ngọn gió, làm tròn nhiệm vụ canh trời, gác biển, giữ mùa xuân đất nước mãi bình yên.