Lãnh đạo Chính phủ đối thoại với đoàn viên công đoàn

Trả lời câu hỏi công nhân phải làm gì để theo kịp cách mạng 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải dùng công nghệ thông tin.

Chiều 24/9, đối thoại với các thành viên Chính phủ tại diễn đàn “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, nhiều đại biểu bày tỏ mối quan tâm đối với sự phát triển của đất nước. 

Công nhân phải làm gì để theo kịp cách mạng 4.0?

Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công thương, đặt vấn đề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để Việt Nam bắt kịp với sự phát triển của các nước. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức. Việt Nam còn có nguy cơ không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Bà Cao Thị Thắm - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi: “Chính phủ sẽ định hướng chính sách và ứng dụng công nghệ như thế nào để giúp người lao động thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư?”.

Bà Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty May 10. Ảnh: LĐLĐ.
Bà Trần Quý Dân - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10. Ảnh: LĐLĐ.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Lưu Công Huynh, Công đoàn TP HCM, đặt câu hỏi: "Chính phủ có giải pháp gì để công nhân theo kịp cách mạng 4.0?".

Giải đáp nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cách mạng 4.0 là chủ đề đang cuốn mọi người đi theo, như một đoàn tàu không nên để lỡ. Giống các cuộc cách mạng khác, đây là thách thức lớn, ai chủ động thì sẽ được lợi, ngược lại sẽ thua thiệt. "Chúng ta nên vững vàng, thắng lợi sẽ đến với những người chủ động tiếp cận công nghệ", ông Đam nói.  

Nhìn lại những thách thức và cơ hội, Phó Thủ tướng dẫn lại nghiên cứu tại Diễn đàn kinh tế thế giới đối với 100 nền kinh tế. Theo đó, điểm số về công nghệ và đổi mới của Việt Nam thấp, được xếp vào nhóm các quốc gia yếu kém. Để tận dụng được những cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải chuyển dịch cơ cấu lao động.

Hiện nay 38% lực lượng lao động của Việt Nam vẫn ở trong khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển thì chỉ có một vài phần trăm. Nếu chuyển lao động sang làm dệt may thì năng suất cũng đã cao hơn làm nông nghiệp, chưa nói trong công nghiệp thì làm phần mềm cao hơn nhiều so với dệt may. 

"Để chuyển dịch lao động nông nghiệp, chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút thêm các nhà đầu tư, xây thêm nhiều nhà máy, mở rộng thị trường", ông Đam nói. 

Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có quyết tâm lớn để thay đổi. Đầu tiên là từ Chính phủ, tất cả liên quan thể chế đều cần có định hướng của Chính phủ. Thứ hai là doanh nghiệp, phải tham gia đào tạo không chỉ cho mình và cho mọi người và cốt lõi là người dân, người lao động đều phải học.

"Chúng ta phải dùng công nghệ thông tin, dùng smartphone để xóa mù về tri thức công nghệ. Chúng ta phải sẵn sàng đối phó với thách thức, phải nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp để tạo việc làm cho mình", ông Đam nói. 

Ngăn chặn thông tin xấu tràn lan trên mạng xã hội

Tại buổi đối thoại, đại biểu Phạm Quân Ca, Công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc, đặt câu hỏi: “Tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân tràn lan trên mạng xã hội thời gian qua, Chính phủ có giải pháp gì để công nhân yên tâm làm việc, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước?”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP.
Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, việc có thông tin giả, sai lệch thời gian qua là do nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện khung pháp lý cũng như làm việc với công ty cung cấp dịch vụ để yêu cầu người tham gia mạng xã hội cung cấp tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân... 

Cùng với đó là vấn đề đào tạo, nâng cao nhận thức về thế giới mạng. Theo ông Hùng, trước đây người dân sử dụng thông tin chính thống là nhiều, được xác thực. Song giờ thông tin trên mạng thiếu tính xác thực, do đó mỗi người phải có bộ lọc cho riêng mình. 

Ngoài ra, phải có trung tâm thông tin về an toàn trên không gian mạng để giám sát thông tin sai lệch, sau đó yêu cầu các nhà cung cấp chặn thông tin xấu, độc để làm không gian mạng lành mạnh hơn. Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bước đầu việc này.

Hiến kế cho tổ chức công đoàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công đoàn cần chủ động đưa ra thông tin chính thống. Mỗi khu công nghiệp cần có một Fanpage để đưa thông tin chính thức của công đoàn. Bộ Thông tin đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xây dựng các Fanpage trên mạng xã hội ở từng khu công nghiệp.

Chế độ lương thưởng chưa đảm bảo đời sống người lao động

Bàn về đời sống của lao động ngành dệt may, bà Trần Quý Dân - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10, nêu ra một số khó khăn của ngành dệt may như người lao động còn yếu về tư duy sắp xếp công việc; công cụ hỗ trợ để tăng năng suất còn lạc hậu; chưa tạo được môi trường làm việc và cơ chế thu hút nhân tài; chế độ lương thưởng chưa đảm bảo đời sống người lao động.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Huế cho rằng, chia sẻ lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động chưa hài hòa nên việc kêu gọi của người sử dụng lao động chưa tác động đến người lao động, thù lao trả cho người lao động còn thấp hơn lương cơ sở.

Bà Hương nêu giải pháp người lao động cần có tác phong công nghiệp, phải tự mình học hỏi và trang bị kiến thức để đứng vào vị trí doanh nghiệp. Trong thỏa ước lao động, cần đưa nội dung hài hòa của người lao động và doanh nghiệp thì người lao động mới đóng góp sức lực. 

Đề cập vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiền lương tối thiểu. Đây là sàn thấp nhất, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động; là căn cứ để thảo luận, ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. 

“Không chỉ tiền lương tối thiểu theo tháng, mà tới đây chúng ta sẽ xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu theo giờ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc xây dựng hệ thống tiền lương tối thiểu này được thực thi trong thực tế. 

Từ 24/9 đến 26/9, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII diễn ra với sự tham dự của 947 đại biểu - đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước.

Tin mới