Lãnh đạo Tập đoàn Mitsubishi chia sẻ “7 từ khóa” trong quá trình phát triển

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi 2019 của UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam chia sẻ về “7 từ khóa” có thể tham khảo trong quá trình phát triển các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Mong muốn đóng góp để Việt Nam hội nhập sâu rộng

Mở đầu bài phát biểu, ông Tetsu Funayama - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam cho biết: "Công ty Mitsubishi Corporation chúng tôi là doanh nghiệp hoạt động trên 2 lĩnh vực là thương mại và đầu tư. Mặc dù là một công ty Nhật Bản nhưng hoạt động của chúng tôi đã trải rộng tới hơn 90 quốc gia. Tại Việt Nam, Mitsubishi Corporation đã có lịch sử hoạt động hơn 100 năm. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế thông qua việc tích cực tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam được Mitsubishi Corporation đặc biệt chú trọng theo định hướng phát triển của công ty. Với tư cách là một doanh nghiệp kinh doanh toàn cầu, Mitsubishi Corporation mong muốn được đóng góp để Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới.

Ông Tetsu Funayama - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam. Ảnh: Thành Cường
Ông Tetsu Funayama - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam. Ảnh: Thành Cường

Thế mạnh của Mitsubishi Corporation Việt Nam nằm ở bốn trụ cột chính, đó là cơ sở hạ tầng, bán lẻ, y tế và công nghệ thông tin. Doanh nghiệp đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan, ban ngành với định hướng là cần tập trung hỗ trợ phát triển thêm một số ngành tại thị trường Việt Nam như công nghiệp chế biến, chế biến thực phẩm - dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao...

“Bản thân tôi đã có cơ hội được gắn bó với Việt Nam từ gần 30 năm trước. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam chỉ tập trung phát triển tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tôi nhận thấy rằng không chỉ các thành phố lớn, mà tất cả các địa phương tại Việt Nam đều có tiềm năng riêng để phát triển một cách mạnh mẽ. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tận dụng tối đa những thế mạnh cũng như những tiềm năng vốn có này để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Về vấn đề này, tôi xin phép được chia sẻ ý kiến của bản thân tôi về “7 từ khóa” có thể tham khảo trong quá trình phát triển các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Đó là: Du lịch, Quy hoạch tổng thể, Công nghiệp chế biến nông sản, Công nghiệp chế biến thủy sản, Năng lương tái tạo, IT và công nghệ sinh học, Công nghiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam nhấn mạnh.

Không nên công nghiệp hóa dàn trải

Tại hội nghị, lãnh đạo Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam đã cụ thể 7 vấn đề.

Đầu tiên là “Du lịch”. Đây là phương thức được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng nhằm thu hút nguồn ngoại tệ, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của địa phương. Một số địa phương đã xây dựng được các điểm du lịch có vị thế nhất định mà các tỉnh, thành phố khác khó có thể cạnh tranh được. Bởi vậy, mỗi tỉnh, thành phố thường tận dụng các ưu thế hấp dẫn khác của mình để thu hút khách du lịch.

Tập đoàn khảo sát tại Khu công nghiệp Hoàng Mai. Ảnh- Xuân Hoàng
Tập đoàn khảo sát tại Khu công nghiệp Hoàng Mai để lựa chọn địa điểm đầu tư nhà máy sản xuất ô tô trên địa bàn tỉnh đầu năm 2018. Ảnh: Xuân Hoàng

Thứ hai là “Quy hoạch tổng thể”. Nếu tỉnh, thành phố có một quy hoạch tổng thể tốt thì sẽ có lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Để đạt được điều này, các tỉnh, thành phố cần làm việc với các công ty tư vấn bên ngoài để xây dựng quy hoạch tổng thể và tiến hành phát triển theo chiến lược đề ra.

Thứ ba là “Công nghiệp chế biến nông sản”. Các tỉnh phát triển về kinh tế cần tập trung xuất khẩu các sản phẩm đã gia công thay vì sản phẩm thô để nâng cao giá trị gia tăng, cũng như tận dụng ưu thế về vị trí địa lý của Việt Nam là cửa ngõ giao thương của các nền kinh tế trong khu vực. Mặt khác, việc phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung vào hệ thống cảng biển cũng là một điểm quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng xuất khẩu.

Thứ tư là “Công nghiệp chế biến thủy sản”. Việt Nam cần mở rộng xuất khẩu hàng thủy sản chế biến. Đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển và các tỉnh gần các thành phố lớn, việc tập trung cải thiện chuỗi cung ứng lạnh cũng rất quan trọng.

Thứ năm là “Năng lượng tái tạo”. Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Rất nhiều tỉnh có trình độ phát triển kinh tế chưa cao đã lựa chọn phát triển các dự án nhà máy phát điện, thu hút đầu tư các dự án phát điện năng lượng gió tại vùng ven biển hay năng lượng mặt trời.

Thứ sáu là “IT và Công nghệ sinh học”. Các tỉnh có GDP bình quân đầu người cao và có nguồn thu nhập ngoại hối có đủ nguồn lực để tiến hành phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Các thành viên của đoàn tham quan mô hình của Khu Công nghiệp VSIP. Ảnh: Xuân Hoàng
Các thành viên của đoàn tham quan mô hình của Khu Công nghiệp VSIP. Ảnh: Xuân Hoàng

Cuối cùng là “Công nghiệp”. Dựa trên các đặc điểm về địa lý, môi trường, xã hội mà mỗi địa phương cần lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp đặc thù. Đối với các tỉnh, thành phố gần biên giới thì cần thiết phải phát triển chuỗi cung ứng gồm nhập nguyên liệu thô - gia công- xuất khẩu thành phẩm. Mặt khác, việc tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ như công nghiệp sợi, da giày hay thu hút các ngành công nghiệp nặng như điện, điện tử chỉ nên được giới hạn ở các khu công nghiệp lớn gần khu vực đô thị, nơi có mức cầu cao. Việc khuyến khích công nghiệp hóa dàn trải quá mức sẽ không đem lại nhiều hiệu quả trong tương lai.

“Từ những ý kiến chia sẻ trên, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn được tìm hiểu thêm về hiện trạng cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh Nghệ An. Ví dụ những ngành mà tỉnh Nghệ An ưu tiên phát triển là những ngành nào. Đấy cũng là lý do mà hôm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và Mitsubishi Corporation Việt Nam chúng tôi sẽ tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác chiến lược toàn diện. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, tôi cũng rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Chính phủ Nhật Bản như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)” - ông Tetsu Funayama - Giám đốc Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam chia sẻ.

Tin mới