Lao động hồi hương mong cái Tết bình yên

(Baonghean.vn) - Mặc dù cuốn lịch của năm cũ đã hết nhưng với nhiều lao động hồi hương từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, một cái Tết bình yên, êm ấm vẫn còn xa.

CHƯA THỂ ỔN ĐỊNH

Những ngày cuối năm 2021, tại xóm Mồn, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn, không khí buồn tênh dù cư dân trong xóm đông hơn so với những năm trước. Sự đông đúc này có lý do từ hành trình hồi hương sau đợt bùng phát dịch Covid-19 và hành trình đó cũng là lý do cho bầu không khí ảm đạm những ngày này. Ảnh hưởng kinh tế nặng nề từ đại dịch khiến người người, nhà nhà buồn rầu khi nhắc đến Tết. Anh Lô Văn Bảy không là ngoại lệ.

Người lao động hồi hương tham dự tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Tiến Đông
Người lao động hồi hương tham dự tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Tiến Đông

Trở về quê từ tháng 10/2021, anh Bảy xác định ở lại quê hương cùng người vợ mới cưới ổn định cuộc sống, chăm sóc mẹ già thay vì mưu sinh xứ người. Bình tâm sau hành trình hồi hương bão táp, suốt 2 tháng nay anh vẫn thất nghiệp và chật vật tìm kiếm thông tin tuyển dụng dù bản thân có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo máy và lái xe. “Chỗ tôi chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, nằm ở vùng sâu, vùng xa nên rất hạn chế về đi lại và tiếp cận thông tin tuyển dụng. Dù mong muốn tìm được một công việc phù hợp với khả năng, nhưng trước mắt tôi mong từ giờ đến trước Tết có thể tìm được một công việc tạm thời để sắm sửa chút ít cho gia đình của mình”.

Còn với anh Nguyễn Đình Trọng ở xã Trù Sơn (Đô Lương) đã kịp tìm được cho mình một công việc cơ khí ở khu vực ga Vinh vào những tháng cuối cùng của năm. Chia sẻ về những dự định việc làm trong năm tới, anh Trọng cho biết: “Dù lương thấp, vất vả nhưng với tình hình dịch bệnh này, cứ có việc làm là tốt rồi, tôi không mong gì hơn. Tôi sẽ làm tạm công việc này cho đến Tết, ra năm sẽ tính tiếp”.

Với chị Nguyễn Thị Vinh ở xã Hiến Sơn (Đô Lương), Tết năm nay chắc chắn sẽ vất vả, eo hẹp hơn so với mọi năm. Hiện tại, cả gia đình 4 người của chị chỉ trông chờ vào một nguồn thu nhập duy nhất từ người chồng, hiện đang chạy xe ôm tại Sài Gòn để tích lũy thêm ít tiền trước khi về quê. Bản thân chị cũng đã được tiếp cận thông tin tuyển dụng tại địa phương và rục rịch đăng ký với mong muốn có thể đi làm sau Tết.

Một phiên giao dịch việc làm lưu động dành cho lao động hồi hương ở vùng cao Nghệ An. Ảnh: T.Đ
Một phiên giao dịch việc làm lưu động dành cho lao động hồi hương ở vùng cao Nghệ An. Ảnh: T.Đ

Bên cạnh những lao động có ý định an cư trên quê hương, không ít người đã kịp Nam tiến, trở lại công ty cũ. Chị Phạm Thị Nhuận ở huyện Nghĩa Đàn là một trường hợp như vậy. Sau khi 2 mẹ con trở về an toàn sau hành trình hồi hương, một mình chị trở lại TP. Hồ Chí Minh vào dịp 20/10 với mong muốn làm thêm mấy tháng để kéo mức lương cơ bản lên trước khi về Nghệ An. Lúc chị trở vào, dịch bùng phát trở lại, nhà máy đóng cửa. Thất nghiệp, chị xin việc thời vụ ở ngoài để có thêm thu nhập rồi không may trở thành F0.

Qua điện thoại, chị trải lòng: “Dù rất muốn về trước Tết cùng gia đình nhưng tôi phải đợi đến sau Tết. Ở nhà đang vùng đỏ và tôi cũng cần hoàn thành hợp đồng ở trong này. Lần này về tôi sẽ không đi đâu nữa. Đứa con gái đầu của tôi đã lớn lên mà thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, tôi sẽ không để điều tương tự xảy ra với đứa con thứ hai”.

Theo chia sẻ của những lao động mà chúng tôi có dịp trao đổi, tỷ lệ bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương của họ ở lại quê hương làm việc thấp hơn số người quay trở lại công ty cũ. Lý do là vì thu nhập ở những công ty cũ cao hơn, môi trường chuyên nghiệp hơn hoặc vì cuộc sống ở đó đã ổn định, quen thuộc hơn.

Một điểm tư vấn việc làm của doanh nghiệp đặt tại Tương Dương. Ảnh: PV
Một điểm tư vấn việc làm của doanh nghiệp đặt tại Tương Dương. Ảnh: PV

Một nhóm lao động khác cũng đang trong trạng thái chông chênh kể từ khi dịch bùng phát là nhóm lao động mong muốn đi xuất khẩu lao động. Chàng thanh niên trẻ Lượng Khăm Phôn (Tương Dương) là một trường hợp như vậy. Mặc dù đã sẵn sàng mọi thủ tục để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan nhưng Phôn vẫn phải ở nhà chờ đợi nhiều tháng nay vì tình hình dịch bệnh phức tạp. “Năm nay, tôi và rất nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ xác định là không có Tết. Thất nghiệp, không có thu nhập, nợ nần và chờ đợi mòn mỏi khiến nhiều người cảm thấy chán nản vô cùng”, Phôn tâm sự.

NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

Trước tình trạng người lao động hồi hương và thất nghiệp, UBND huyện Tương Dương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và kết nối cung cầu. Bên cạnh các phiên giao dịch việc làm thường xuyên, huyện đã linh hoạt khi kết nối với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài địa bàn để đến gần hơn với nhu cầu của người lao động. Ông Trần Văn Toàn - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tương Dương cho hay: “Chúng tôi đã sớm nắm bắt thông tin việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp cho người dân thông qua nhiều kênh. Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt lưu ý trong lựa chọn doanh nghiệp uy tín, có độ tin cậy cao để mở các điểm tư vấn rải rác khắp huyện. Điều này giúp người lao động dễ dàng tìm đến và nhận được sự hỗ trợ”.

Cán bộ công đoàn LĐLĐ thị xã Cửa Lò gắn danh sách các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động để lao động hồi hương có thể chủ động tiếp cận. Ảnh: PV
Cán bộ công đoàn LĐLĐ thị xã Cửa Lò gắn danh sách các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động để lao động hồi hương có thể chủ động tiếp cận. Ảnh: PV

Cũng theo chia sẻ của anh Toàn, tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 1.500/5.800 lao động trở về từ các tỉnh, thành đã tìm được việc làm ổn định tại địa phương và các huyện lân cận. Số còn lại đang làm việc lặt vặt tại nhà, chờ đợi thời điểm thích hợp hoặc công việc phù hợp. Hầu hết những lao động này đều có tư tưởng để ra Tết mới chính thức đi làm và mong muốn có thể đi làm ở những doanh nghiệp có khu ký túc xá hoặc nhà trọ cho công nhân ở xa. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề và phối hợp cùng doanh nghiệp mở thêm các điểm tư vấn việc làm theo cụm xã, đa dạng hóa ngành nghề để người lao động có thêm lựa chọn.

Chia sẻ về việc nhiều lao động trẻ trên địa bàn huyện Tương Dương lựa chọn xuất khẩu lao động thay vì làm công việc tại địa phương, ông Hồ Văn Hóa - Phó Giám đốc tuyển dụng của Công ty CP Tập đoàn Gia Long trao đổi: “Lý do thường là vì mức thu nhập khi xuất khẩu lao động luôn cao hơn và môi trường làm việc cũng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch và tình trạng chờ đợi như thế này cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trở lại của các tệ nạn xã hội. Không ít lao động tỏ ra chán nản và từ bỏ ý định sau một thời gian chờ đợi”. Được biết, hầu hết những lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động của huyện đều có hoàn cảnh rất khó khăn, phải vay mượn tiền để làm thủ tục.

Mặc dù nhu cầu XKLĐ cao nhưng các công ty tư vấn việc làm vẫn chưa thể đưa người đi vì tình hình dịch còn phức tạp. Ảnh: PV
Mặc dù nhu cầu XKLĐ cao nhưng các công ty tư vấn việc làm vẫn chưa thể đưa người đi vì tình hình dịch còn phức tạp. Ảnh: PV

Là hai huyện có đông lao động hồi hương trong đợt bùng phát vừa qua, các huyện Đô Lương, Nghĩa Đàn cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối cung cầu giữa người lao động và doanh nghiệp. “Hiện chỉ còn hơn 800/6.400 lao động chưa có việc làm ổn định. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn còn rất lớn và chúng tôi đã cung cấp số điện thoại người lao động cho những đơn vị này để họ trực tiếp liên hệ, tư vấn”, chị Phạm Thị Bích Thủy - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đô Lương cho biết.

Ngoài những cách làm trên, hình thức phỏng vấn tuyển dụng online và sử dụng cộng tác viên đến tận xóm, thôn để tuyển dụng cũng được các địa phương và doanh nghiệp lưu tâm, thực hiện với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho người lao động thất nghiệp sau hồi hương.

Tin mới