Lao động kỹ thuật cao: Vì sao đụng đâu, thiếu đó?

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số và nguồn lao động lớn, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới chỉ đạt 33%, đặc biệt lao động có trình độ kỹ thuật qua đào tạo trung cấp nghề và cao đẳng nghề đạt quá thấp, chỉ chiếm 5,54%.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh trong giờ thực hành tiện.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh trong giờ thực hành tiện.

Từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty đá khoáng sản Phủ Quỳ, nêu ý kiến: Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và chế biến đá cần công nhân kỹ thuật điều khiển các máy xẻ, mài, cắt tự động và thợ thủ công mỹ nghệ nhưng hiện nay rất khó để tuyển. Ngoài ra, hiện đơn vị cũng doanh nghiệp đang triển khai dự án áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc canh tác và xử lý sau thu hoạch cam có chất lượng trên quy mô 20 ha, nhưng không tuyển được kỹ sư hay công nhân lành nghề về kỹ thuật trồng cam”.

Thầy Phạm Nam Hải - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Miền Tây, cũng thừa nhận thực tế: Dù hàng năm, nhà trường đều đạt và vượt chỉ tiêu đào tạo tỉnh giao, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 230 - 260 học viên hệ trung cấp nghề. Đề cập ở góc độ chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật, ông Trần Anh Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Nông sản XNK Nghệ An cho rằng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. 

Vấn đề mà các doanh nghiệp phản ảnh cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhìn nhận rõ tại phiên làm việc vào cuối tháng 5 vừa qua. Đánh giá sau 4 năm thực hiện đề án đào tạo lao động kỹ thuật cao cũng đã nêu rõ: Chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật của một số ngành nghề còn thấp, thiếu tính thực tiễn và chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 

Chia sẻ về thực trạng thiếu và yếu về đội ngũ lao động kỹ thuật, Tiến sỹ Dương Công Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thừa nhận đó là một thực tế đang diễn ra. Nguyên nhân thiếu là do nhận thức của người học và phụ huynh chưa đầy đủ nếu không nói là phiến diện về việc học nghề. Bởi vậy, tình trạng chung thời gian qua là các trường nghề rất khó khăn trong việc tuyển sinh.  

Trước yêu cầu hội nhập toàn diện với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt với mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, yêu cầu về đội ngũ lao động kỹ thuật cao đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi cần phải có chiến lược và các giải pháp toàn diện và đồng bộ. Theo nhiều ý kiến lo ngại, nếu tỉnh không thật sự quyết liệt thì chương trình giải quyết việc làm cho người lao động sẽ ngày càng khó khăn. 

Để giải bài toán thiếu và yếu về đội ngũ lao động kỹ thuật, theo ý kiến từ các nhà quản lý nhà nước đến các trường nghề và các doanh nghiệp, trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, đồng thời phải có các nghiên cứu một cách nghiêm túc với căn cứ sát thực, từ đó có đưa ra được những ý kiến có tác động mạnh đến nhận thức của phụ huynh và người học về vấn đề học nghề.

Nói tóm lại, để có đội ngũ lao động có chất lượng, công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu xã hội thì đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không chỉ riêng của các trường nghề.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới