Lao động Nghệ An có nguy cơ bị "cấm cửa" tại thị trường Hàn Quốc

(Baonghean.vn) - Theo ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, đây là phương án mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra đối với những địa phương có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến hết tháng 2/2016 có 15 tỉnh, thành có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chiếm 85% cả nước, với tổng số hơn 9000 người. Trong đó, Nghệ An dẫn đầu với 1.450 lao động, tiếp đó là Hà Nội (hơn 940 người), Hải Dương (hơn 850), Thanh Hóa, Nam Định...  

Xét về tỷ lệ, với 44,4%, Nghệ An đứng thứ 5 trong số các tỉnh thành có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc.

Ông Đặng Cao Thắng phát biểu tại Hội nghị tuyên truyền vận động lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước
Ông Đặng Cao Thắng phát biểu tại Hội nghị tuyên truyền vận động lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn do huyện Yên Thành tổ chức vào cuối năm 2015.

Ông Thắng cũng cho biết, tháng 4/2016, hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực và phía Hàn Quốc sẽ xét ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động giữa 2 nước. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường này là Việt Nam phải giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp xuống dưới 30%.

Một lớp học tiếng Hàn chuẩn bị cho XKLĐ tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.
Một lớp học tiếng Hàn chuẩn bị cho XKLĐ tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đang cân nhắc 2 phương án để hạn chế lao động cư trú bất hợp pháp, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành có đông lao động cư trú bất hợp pháp, để. Phương án thứ nhất là dừng tiếp nhận đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc đối với 5 tỉnh có đông lao động cư trú bất hợp pháp, trong đó có Nghệ An.

Phương án 2 là không tiếp nhận đăng ký dự tuyển đối với các huyện, thành, thị của các tỉnh có đông lao động cư trú bất hơp pháp. Theo phương án này, Nghệ An sẽ có Thành phố Vinh và các huyện Nghi Lộc, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên sẽ không được đăng ký dự tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.

Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã đưa được hơn 7000 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc. Riêng năm 2005, có 1.305 lao động có hồ sơ tiếp tục đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Đến nay, có hơn 1000 lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn và đã có 750 người xuất cảnh. 

Minh Quân

Tin mới